ADB sửa đổi dự báo mức tăng trưởng của Campuchia năm 2021

NDO -

Ngày 22/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo, do dịch Covid-19 kéo dài, mức tăng trưởng của nền kinh tế Campuchia năm 2021 sẽ là 1,9%, thấp hơn mức 4% do cơ quan này đưa ra hồi tháng 4 vừa qua.

Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp tạo nhiều việc làm cho người lao động Campuchia. (Ảnh: NGUYỄN HIỆP)
Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp tạo nhiều việc làm cho người lao động Campuchia. (Ảnh: NGUYỄN HIỆP)

Theo báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2021 của ADB, tuy nền kinh tế Campuchia đạt mức tăng trưởng 1,9% do đại dịch kéo dài, nhưng mức phục hồi dự kiến sẽ đạt khoảng 5,5% trong năm 2022.

Giám đốc Quốc gia của ADB tại Campuchia Sunniya Durrani-Jamal cho biết, dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến dịch vụ và nhu cầu trong nước. Cùng với đó, việc phong tỏa để chống dịch và tạm đóng cửa các nhà máy đã ảnh hưởng đến sản xuất hàng may mặc, đồ du lịch và giày dép trong những tháng đầu năm. Đó là lý do khiến ADB sửa đổi dự báo mức tăng trưởng của Campuchia.

ADB nhận định, ngành nông nghiệp Campuchia dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 1,5%. Các đợt bùng phát dịch vừa qua tuy làm gián đoạn chuỗi cung ứng nông nghiệp, nhưng tác động tổng thể là rất hạn chế. Xuất khẩu trên lĩnh vực nông nghiệp nửa đầu năm 2021 tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái, với sự tăng trưởng vững chắc của xuất khẩu nông sản ngoài gạo.

Các ngành sản xuất khác của Campuchia tiếp tục phát triển mạnh, hoạt động xây dựng bắt đầu phục hồi, nhập khẩu vật liệu xây dựng trong sáu tháng đầu năm 2021 tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng của ngành công nghiệp năm nay được ADB dự báo ở mức 5,3%, tùy thuộc vào việc tăng tốc xuất khẩu hàng may mặc, đồ du lịch, giày dép và sức mạnh bền bỉ của các ngành sản xuất khác.

ADB đánh giá cao việc Chính phủ Hoàng gia Campuchia thời gian qua đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế, xã hội. Trong đó, bao gồm việc tiêm vaccine và điều trị miễn phí cho người bị lây nhiễm dịch, trợ cấp tiền mặt cho các gia đình nghèo, kích thích kinh tế và chương trình tái cơ cấu các khoản vay.

“Để tăng cường phúc lợi cho người dân và duy trì tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cần tiếp tục củng cố hệ thống bảo trợ xã hội, cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Sự ổn định trong cải cách cũng rất cần thiết để thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao, bao gồm cả cơ sở hạ tầng kỹ thuật số”, bà Sunniya Durrani-Jamal nhấn mạnh.

Được biết, ADB đang triển khai các dự án đầu tư trị giá 2,08 tỷ USD tại Campuchia. Năm ngoái, ngân hàng đã cung cấp các khoản vay và viện trợ không hoàn lại trị giá 477,2 triệu USD cho quốc gia Đông Nam Á này. ADB cũng dự kiến cung cấp các khoản cho vay ưu đãi và tài trợ để giúp Campuchia phát triển kinh tế  và phục hồi sau dịch.

Trong khi đó, lây nhiễm Covid-19 tại đất nước Chùa Tháp vẫn có những diễn biến đáng lo ngại, dù việc tiêm vaccine đã đạt tỷ lệ cao. Tính đến ngày 21/9, đã có 12.483.588 dân thường và quân nhân được tiêm vaccine, đạt 78,02% tổng dân số 16 triệu người. Trong đó, có gần 10.528.000 người đã tiêm hai mũi và khoảng 845 nghìn người được tiêm liều vaccine tăng cường.

Ngày 22/9, Bộ Y tế Campuchia thông báo phát hiện 637 ca nhiễm mới Covid-19, có thêm 469 bệnh nhân phục hồi và 14 trường hợp tử vong.

Từ đầu dịch đến nay, nước này ghi nhận 105.981 ca nhiễm dịch (18.214 ca nhập cảnh), trong đó có 98.655 trường hợp điều trị thành công và 2.154 bệnh nhân không qua khỏi.