Số liệu từ báo cáo “Các chỉ số chính của châu Á và Thái Bình Dương 2022” cho thấy, tăng trưởng kinh tế của khu vực trong năm nay được kỳ vọng sẽ giảm tỷ lệ người nghèo cùng cực - được định nghĩa là sống dưới 1,9 USD/ngày - xuống mức lẽ ra có thể đạt được vào năm 2020 nếu đại dịch không xảy ra.
Các mô phỏng dữ liệu cũng cho thấy rằng, người dân trong khu vực với mức dịch chuyển xã hội - khả năng thoát nghèo - thấp hơn so với trước đại dịch có thể gặp khó khăn trong thời gian dài hơn.
Theo báo cáo, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm gián đoạn xu hướng giảm nghèo lâu dài ở châu Á và Thái Bình Dương. Dù các nền kinh tế đang phục hồi, nhưng tiến triển là không đồng đều.
Báo cáo cũng nhận định, đại dịch cũng có thể làm tồi tệ thêm các loại hình nghèo khổ ngoài thu nhập, thí dụ như mất an ninh lương thực và tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục không đầy đủ.
Trong khi đại dịch Covid-19 gây ra sự gia tăng tỷ lệ nghèo cùng cực và nghèo tương đối vào năm 2020, tỷ lệ nghèo cùng cực ở châu Á đang phát triển được dự báo sẽ giảm xuống dưới 1% dân số khu vực vào năm 2030, nếu triển vọng tăng trưởng phục hồi về mức như trước đại dịch.
Đồng thời, dự kiến khoảng 25% dân số sẽ vươn lên ít nhất là tầng lớp trung lưu, được định nghĩa là có thu nhập hoặc tiêu dùng trung bình theo ngày từ 15 USD trở lên, điều chỉnh theo sức mua tương đương.
Dự báo tỷ lệ các nhóm thu nhập ở khu vực châu Á đang phát triển đến năm 2030. (Nguồn: ADB) |
Trong khi đó, khoảng 7% dân số khu vực được dự báo ở ngưỡng nghèo tương đối, khoảng 25% có thể dễ bị tổn thương về kinh tế và 43% ổn định về kinh tế.
Tuy nhiên, triển vọng này bị đe dọa bởi những khác biệt trong dịch chuyển xã hội, cũng như những yếu tố bất ổn khác. Báo cáo nhận định, khu vực châu Á đang phát triển đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng từ lạm phát đình đốn, xung đột tiếp diễn liên quan tới những tác nhân chủ chốt toàn cầu, mất an ninh lương thực gia tăng và các cú sốc giá năng lượng.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park cho biết, người nghèo và người dễ tổn thương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, và trong khi các nền kinh tế đang phục hồi, rất nhiều người có thể nhận thấy rằng việc thoát nghèo thậm chí còn khó khăn hơn trước kia.
Những tác động kinh tế xã hội chưa từng có của đại dịch Covid-19 đòi hỏi những dự báo dài hạn. Các ứng phó đại dịch phải xoay quanh các giải pháp ngắn hạn cho các vấn đề cấp thiết nhất.
Theo đó, các mô hình chính sách nên tính đến khả năng phục hồi, đổi mới và tính toàn diện liên tục để mang đến các giải pháp cải thiện cuộc sống của những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Chuyên gia của ADB cũng khuyến nghị, các chính phủ trong khu vực cần tập trung vào khả năng chống chịu, đổi mới sáng tạo và tính bao trùm, nhằm cung cấp cơ hội kinh tế đồng đều hơn và sự dịch chuyển xã hội lớn hơn cho tất cả mọi người.
Báo cáo “Các chỉ số chính của châu Á và Thái Bình Dương” cung cấp những số liệu thống kê toàn diện về kinh tế, tài chính, xã hội và môi trường của 49 quốc gia thành viên ADB trong khu vực, bao gồm:
• hoạt động của các lĩnh vực chọn lọc bị gián đoạn nghiêm trọng bởi đại dịch, như du lịch, giao thông vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông và năng lượng;
• những tác động của việc thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu đối với khu vực;
• những cách làm hiệu quả trong việc sử dụng dữ liệu hành chính như 1 nguồn thông tin cho hàng loạt các chỉ số phát triển, nhất là số liệu thống kê về lao động và việc làm.