Dự lễ còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Chặng đường vẻ vang
Công đoàn Giáo dục Việt Nam được thành lập ngày 22/7/1951 tại Chiến khu Việt Bắc. Trải qua 7 thập kỷ với những dấu ấn tự hào, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động rèn luyện đội ngũ đoàn viên, cán bộ, nhà giáo, người lao động; luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, của Công đoàn Giáo dục Việt Nam và tình hình thực tiễn của đất nước trong từng giai đoạn cách mạng để xác định nhiệm vụ, chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động góp phần chăm lo phát triển đội ngũ, đồng hành cùng toàn ngành xây dựng và đổi mới nền giáo dục Việt Nam; tổ chức nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động lớn.
Các phong trào thi đua “Hai tốt”, “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”; các cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... và gần đây là các nội dung thi đua: “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, “Đổi mới sáng tạo trong hoạt động công đoàn”, xây dựng “Trường học hạnh phúc”… đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần khơi dậy và phát huy phẩm chất, tinh thần sáng tạo, đổi mới, tận tụy cống hiến vì sự nghiệp “Trồng người”.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã bám sát thực tế, chủ động phát hiện vấn đề, nghiên cứu, đề xuất, tham mưu với Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng cơ chế, chính sách thiết thực cho nhà giáo và tham gia tích cực vào việc xây dựng chính sách, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động; chia sẻ khó khăn với nhà giáo và người lao động đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc gặp thiên tai, bão lũ, rủi ro; hỗ trợ tăng cường năng lực nhà giáo, người lao động đáp ứng với yêu cầu của ngành trong thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tự chủ đại học hiện nay.
Khích lệ nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới Giáo dục và Đào tạo
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Trải qua gần 3/4 thế kỷ đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ nhà giáo, người lao động trong ngành Giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao; động viên, hỗ trợ các thầy cô giáo vượt qua khó khăn, hết lòng vì học sinh và tổ chức tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động của ngành. Trong mọi giai đoạn, mọi hoàn cảnh trong tiến trình phát triển của ngành Giáo dục đều có sự có mặt, đồng hành, gắn bó của tổ chức công đoàn.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời nhìn nhận trước mắt còn nhiều thách thức, tồn tại, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nhà giáo, mà toàn ngành, trong đó trách nhiệm của Công đoàn Giáo dục Việt Nam cần phải quan tâm, phối hợp các bộ, ngành liên quan để giải quyết.
Đó là các vấn đề về: Chế độ, chính sách để phát triển đội ngũ giáo viên, chăm lo cho đời sống giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở vùng sâu, xa, khó khăn; vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ tại nhiều nơi; nâng cao chất lượng giáo viên; hỗ trợ giáo viên trong tình hình dịch bệnh; bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động trong khối giáo dục tư thục, đặc biệt khối mầm non và tiểu học ngoài công lập...
Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới, bên cạnh tham gia cùng với ngành tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 29, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng mong muốn hoạt động của Công đoàn Giáo dục cần phát huy hơn nữa sự chủ động sáng tạo của nhà giáo, sự mẫu mực về nhân cách và nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ nhà giáo; khích lệ nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới bản thân để đổi mới ngành Giáo dục và Đào tạo; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, lành mạnh, mô phạm trong các nhà trường; phối hợp, giám sát việc thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với cán bộ, nhà giáo, người lao động, đặc biệt là chế độ chính sách đối với nhà giáo vùng khó khăn, tạo động lực để đội ngũ nhà giáo hoàn thành nhiệm vụ.
Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của Công đoàn Giáo dục Việt Nam 70 năm qua, trong giai đoạn phát triển mới, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tin tưởng, cán bộ, công đoàn viên Công đoàn ngành Giáo dục tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, kiên định mục tiêu vì đoàn viên và người lao động. Đồng thời, sáng tạo, đổi mới hơn nữa trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; là chỗ dựa tin cậy cho đoàn viên, nhà giáo, người lao động trong ngành; đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà và những thành tựu chung của tổ chức công đoàn Việt Nam.
Truyền thống 70 năm xây dựng và trưởng thành của Công đoàn Giáo dục Việt Nam là điểm tựa, niềm tin và sức mạnh để Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát triển hơn trong thời gian tới.
Dịp này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam vinh danh 70 cán bộ công đoàn giáo dục tiêu biểu. Đây là những cá nhân có thành tích xuất sắc, có đóng góp quan trọng trong hoạt động công đoàn giáo dục giai đoạn vừa qua.
Với những đóng góp tích cực, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã vinh dự được tặng thưởng 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất; 2 Huân chương Độc lập hạng Nhì; 1 Huân chương Độc lập hạng Ba; 1 Huân chương Lao động hạng Nhất; cùng nhiều Bằng khen của Nhà nước, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhân dịp 70 năm thành lập, Công đoàn Giáo dục Việt Nam vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. |