4.000 tỷ đồng ứng phó sạt lở miền Tây

Chính phủ vừa quyết định bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để bố trí cho các dự án ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển tại đồng bằng sông Cửu Long. Các địa phương đã lên kế hoạch sử dụng nguồn vốn, ưu tiên các dự án cấp bách để ứng phó sạt lở kịp thời và hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00

Những tỉnh đang có nhiều điểm sạt lở bờ sông như Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang,... sẽ tập trung đầu tư nhanh hệ thống kè, đê bao, trong khi các tỉnh ven biển như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang... sẽ đầu tư, nâng cấp các dự án kè ngầm tạo bãi, kè giảm sóng. Tính từ năm 2016 đến nay, có gần 800 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long với tổng chiều dài khoảng 1.134 km.

Cà Mau chấn chỉnh bất cập trong thực thi công vụ

Theo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển chung của tỉnh là do một số cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các ngành trong tỉnh có lúc, có nơi chưa quyết liệt, chưa làm tròn trách nhiệm, chưa bám chặt địa bàn, lĩnh vực công tác; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa làm hết trách nhiệm khi thực thi công vụ.

Cà Mau yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa cấp dưới với cấp trên và ngược lại trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

4.000 tỷ đồng ứng phó sạt lở miền Tây ảnh 1
Giải ngân vốn đầu tư công tại Cà Mau tuy cao hơn so với cùng kỳ nhưng chưa đạt mục tiêu năm 2023.

Điều phối cát phục vụ các dự án giao thông trọng điểm

Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải vừa có buổi làm việc với tỉnh Đồng Tháp về việc rà soát, điều phối nguồn vật liệu san lấp phục vụ thi công các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đoàn thống nhất với kiến nghị của tỉnh về việc khảo sát, đánh giá tổng thể sản lượng cát và tác động môi trường trên các tuyến sông Tiền, sông Hậu để xác định khối lượng, chất lượng khoáng sản; từ đó có kế hoạch khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững.

Đoàn công tác lưu ý, tuyệt đối không được lợi dụng chính sách áp dụng cơ chế đặc thù để vi phạm như khai thác cát trái phép, mua bán, vận chuyển không hóa đơn; đề nghị tỉnh tăng cường quản lý, kiểm tra, đo độ sâu đột xuất các mỏ cát...

350 doanh nghiệp tham gia diễn đàn VACOD tại Bến Tre

Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre vừa phối hợp Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) tổ chức "Diễn đàn Doanh nghiệp VACOD - Bến Tre về hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững" với sự tham gia của đại diện 350 doanh nhân cả nước và các doanh nghiệp trong tỉnh Bến Tre.

Diễn đàn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt cơ chế, chính sách của tỉnh, góp phần hướng tới hợp tác xây dựng kinh tế địa phương theo hướng xanh, bền vững.

Dịp này, VACOD cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre và Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã ký "Thỏa thuận hợp tác chung" với mục tiêu thường xuyên phối hợp triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tại các tỉnh, thành phố trên cả nước...

"Dân vận khéo" thắt chặt tình quân-dân

Đảng ủy Quân sự tỉnh Kiên Giang vừa trao quyết định công nhận 25 mô hình, điển hình đạt tiêu chí "Dân vận khéo" cấp huyện và tương đương giai đoạn 2021-2023.

Các mô hình "Dân vận khéo" đã góp phần huy động hàng chục tỷ đồng từ đóng góp của lực lượng vũ trang tỉnh và các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm.

Từ đó, xây dựng hơn 200 nhà đại đoàn kết, nhà đồng đội; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà; góp ngày công lao động, giúp hàng nghìn người dân có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.

4.000 tỷ đồng ứng phó sạt lở miền Tây ảnh 2
Lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang lao động giúp dân.

Hơn 58 tỷ đồng phát triển du lịch đường thủy

Theo kế hoạch phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, phấn đấu đến năm 2024, Hậu Giang khai thác du lịch đường thủy tuyến kênh xáng Xà No; đầu tư xây dựng một bến tàu, bến hành khách trên tuyến sông Cái Côn gắn với chợ nổi Ngã Bảy; phát triển hai tàu du lịch phục vụ du khách.

Giai đoạn 2025-2030, tỉnh xây dựng hai bến tàu trên tuyến kênh xáng Xà No và tuyến dọc sông Hậu, hình thành đội tàu phục vụ khách du lịch trên tuyến du lịch đường thủy; liên kết các tuyến du lịch đường thủy với các tỉnh, thành phố lân cận.

Tổng vốn thực hiện dự kiến hơn 58 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước; nguồn xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.