4 sân vận động của bán kết AFF Cup 2022

NDO - Bán kết AFF Cup 2022 sẽ diễn ra trên 4 sân nhà của 4 đội bóng mạnh nhất. Việt Nam, Indonesia và Malaysia lựa chọn thi đấu trên sân vận động quốc gia. Trong khi đó, Thái Lan lại có một địa điểm tương đối khiêm tốn.
0:00 / 0:00
0:00

1. Sân vận động Gelora Bung Karno

4 sân vận động của bán kết AFF Cup 2022 ảnh 1

Toàn cảnh ngoài sân Gelora Bung Karno. (Ảnh: StadiumDB)

4 giờ 30 phút ngày mai (6/1) trong trận đấu lượt đi đầu tiên tại bán kết AFF Cup 2022, đội tuyển Indonesia sẽ tiếp đón Việt Nam trên sân vận động quốc gia Indonesia - Gelora Bung Karno.

Đây là một sân vận động đa năng nằm ở trung tâm của Khu liên hợp thể thao có cùng tên - Gelora Bung Karno nằm ở Jakarta, Indonesia. Sân vận động được đặt tên theo ông Sukarno, Tổng thống lúc bấy giờ của Indonesia, người đã đưa ra ý tưởng xây dựng khu liên hợp thể thao. Sân Gelora Bung Karno phần lớn được sử dụng cho các trận đấu bóng đá.

4 sân vận động của bán kết AFF Cup 2022 ảnh 2

Bên trong sân vận động Gelora Bung Karno. (Ảnh: StadiumDB)

4 sân vận động của bán kết AFF Cup 2022 ảnh 3

Mặt cỏ được chăm sóc. (Ảnh: SINDOnews)

Sân từng có sức chứa lên tới 110.000 chỗ ngồi khi khánh thành phục vụ Đại hội thể thao châu Á năm 1962. Qua hai lần cải tạo, số lượng ghế ngồi đã giảm dần còn 88.306 chỗ vào năm 2007, và còn 77.193 chỗ để phục vụ Đại hội thể thao châu Á và Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á năm 2018, khi mà các buổi lễ và thi đấu điền kinh được tổ chức.

Sức chứa 88.083 chỗ ngồi từng khiến Gelora Bung Karno trở thành sân vận động bóng đá lớn thứ bảy thế giới (đối với Liên đoàn bóng đá các quốc gia). Hiện nay, đây là sân bóng đá lớn thứ 28 thế giới và lớn thứ tám khu vực châu Á.

2. Sân vận động Mỹ Đình

4 sân vận động của bán kết AFF Cup 2022 ảnh 4

Sân Mỹ Đình khi được tu sửa chuẩn bị cho SEA Games 31 hồi tháng 12/2020. (Ảnh: HÀ NAM)

Sau trận lượt đi, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ trở về thủ đô Hà Nội trên sân nhà Mỹ Đình để tiếp đón đội tuyển Malaysia vào ngày 9/1 ở trận lượt về.

Sân vận động quốc gia Mỹ Đình là một sân vận động đa năng ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Sân có sức chứa gần 42.000 chỗ ngồi và là trung tâm của Khu liên hợp thể thao quốc gia Việt Nam.

4 sân vận động của bán kết AFF Cup 2022 ảnh 5
Đường chạy của sân vận động Mỹ Đình. (Ảnh: HÀ NAM)

Sân Mỹ Đình chính thức khánh thành vào tháng 9/2003 và là địa điểm thi đấu chính của SEA Games 2003 vào cuối năm đó, bao gồm tổ chức lễ khai mạc, bế mạc cũng như các nội dung thi đấu môn điền kinh và các trận đấu môn bóng đá nam. Đây là sân nhà chính của đội tuyển Việt Nam kể từ năm 2003. Sân thường tổ chức các trận thi đấu hoặc giao hữu quốc tế khi có đội tuyển tham gia.

4 sân vận động của bán kết AFF Cup 2022 ảnh 6
Mặt cỏ sân Mỹ Đình trong thời điểm sân được cải tạo. (Ảnh: HÀ NAM)

Nằm cách trung tâm Hà Nội 10km về phía tây bắc, Mỹ Đình là sân vận động có sức chứa lớn nhất trong cả nước. Mái che cong bao phủ các khán đài ở phía đông và phía tây của sân vận động, che phủ cho một nửa số ghế. Bên cạnh sân vận động có hai sân tập bóng đá, cung cấp cơ sở vật chất tập luyện cho các đội bóng.

Hồi tháng 12/2020, sau hơn 17 năm được đưa vào sử dụng, sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã chính thức được nâng cấp, sửa chữa với khoản tiền lên đến 150 tỷ nhằm phục vụ SEA Games 31 diễn ra vào năm sau.

3. Sân vận động Bukit Jalil

4 sân vận động của bán kết AFF Cup 2022 ảnh 7

Toàn cảnh sân vận động Bukit Jalil.(Ảnh: Sportsmatik)

Ở cặp bán kết còn lại, đội tuyển Malaysia sẽ đối đầu Thái Lan trên sân vận động quốc gia Malaysia vào ngày 7/1.

Sân vận động Bukit Jalil là một sân vận động đa năng toàn chỗ ngồi nằm trong Khu liên hợp thể thao quốc gia ở Bukit Jalil, ở phía nam của trung tâm thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Đây là sân nhà của đội tuyển bóng đá quốc gia Malaysia. Với sức chứa 87.411 chỗ ngồi, đây là sân vận động bóng đá lớn nhất ở Đông Nam Á, lớn thứ ba ở châu Á và lớn thứ chín trên thế giới.

4 sân vận động của bán kết AFF Cup 2022 ảnh 8

Bên trong sân vận động Bukit Jalil. (Ảnh: Goal)

Sân Bukit Jalil được khánh thành vào ngày 11/7/1998 bởi Thủ tướng thứ tư của Malaysia, Mahathir Mohamad. Tại Commonwealth Games 1998 (Đại hội Thể thao Khối Thịnh vượng chung), sân đã tổ chức lễ khai mạc và bế mạc, cũng như các nội dung thi đấu môn điền kinh.

Kể từ đó, sân trở thành địa điểm chính của các sự kiện thể thao quốc tế khác như SEA Games 21 (2001) và SEA Games 29 (2017). Nơi đây hiện tổ chức hầu hết các trận đấu bóng đá quốc tế của Malaysia, các trận chung kết bóng đá cấp quốc gia như Cúp FA Malaysia, Cúp bóng đá Malaysia, các sự kiện thể thao và các buổi hòa nhạc.

4. Sân vận động Thammasat

4 sân vận động của bán kết AFF Cup 2022 ảnh 9

Toàn cảnh sân vận động Thammasat. (Ảnh: TrueBangkok)

Trận bán kết cuối cùng của AFF Cup 2022 là khi đội tuyển Thái Lan trở về với sân nhà để tiếp đón Malaysia vào ngày 10/1.

Sân vận động Thammasat là một sân vận động đa năng ở thành phố Rangsit, Pathum Thani, Thái Lan. Sân nằm trong khuôn viên Rangsit của Đại học Thammasat và hiện đang được sử dụng chủ yếu cho các trận đấu bóng đá. Sân vận động có sức chứa gần 25.000 người.

Sân Thammasat được khởi công xây dựng nhằm phục vụ cho Asian Games 1998.

4 sân vận động của bán kết AFF Cup 2022 ảnh 10
Bên trong sân vận động Thammasat. (Ảnh: TrueBangkok)

Diện mạo của sân là một phiên bản thu nhỏ của Sân vận động quốc gia Thái Lan - Rajamangala. Các trụ cột tạo thành một vòng liên tục, khá thấp phía sau mỗi khung thành nhưng lại dâng lên ở mỗi bên. Nhưng không giống như Rajamangala, Thammasat có mái che cả hai bên. Nổi bật nhất về sân vận động này là những bóng đèn pha.