3 bài tập giảm khó thở rất cần thiết cho F0 chưa tới được bệnh viện

NDO -

Trong tình huống bệnh nhân mắc Covid-19 gặp khó thở nhưng chưa thể tới được bệnh viện, có thể áp dụng 3 bài tập thở chúm môi, thở bụng và thở Buteyko để cải thiện chức năng hô hấp trong lúc chờ đợi nhân viên y tế tới hỗ trợ.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Câu hỏi: Trong trường hợp F0 diễn biến khó thở trong lúc chờ đợi sự hỗ trợ của nhân viên y tế, bệnh nhân cần tự tập thở như thế nào để giảm bớt cơn khó thở?

Trả lời: Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Như Vinh, trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, giảng viên Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, trong tình huống bệnh nhân mắc Covid-19 khó thở có thể áp dụng 3 bài tập thở sau:

Bài tập 1: Thở chúm môi

Bài tập này có thể giảm bớt sự khó chịu cho người bệnh. Phương pháp này bệnh nhân có thể học theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Cách thở: Người bệnh ngồi ở tư thế thoải mái, buông lỏng cơ thể. Hít vào bằng mũi, nín thở (1-3 giây), chúm môi và thở ra bằng miệng.

Lưu ý thời gian hít vào sẽ chỉ ngắn bằng một nửa thời gian thở ra. Ví dụ, hít vào đếm 1,2, nín thở đếm từ 1,2, thở ra đếm từ 1,2,3,4 sau đó lại tiếp tục một chu kỳ hít vào thở ra.

Tiến sĩ, Bác sĩ Vinh giải thích: Khi thở ra, đến một lúc nào đó đường dẫn khí nhỏ sẽ bị xẹp lại làm khí còn lại rất khó thoát ra ngoài và ứ đọng trong phổi. Khí ứ đọng càng nhiều thì chức năng hô hấp của phổi càng kém. Khi thở chúm môi, động tác thở ra được kết hợp với động tác chúm môi (chúm môi tạo ra sức cản nhẹ luồng khí thở ra) làm cho đường thở lúc nào cũng có 1 lực cản nhẹ chống lại việc xẹp xuống. Từ đó khí từ phổi đi ra được nhiều hơn và như vậy chức năng hô hấp của phổi sẽ tốt hơn.

"Trong lúc bệnh nhân chờ nhân viên y tế tới vừa tập thở chúm môi, sau thời gian nghỉ có thể chuyển sang thở cơ hoành sẽ hiệu quả cải thiện hô hấp", Bác sĩ Vinh tư vấn.

Bài tập thứ 2: Thở bằng bụng (cơ hoành)

Bác sĩ Như Vinh cho biết, có 2 nhóm cơ tham gia vào quá trình thở bụng: cơ liên sườn và hoành. Khi chúng ta hít vào cơ liên sườn sẽ co làm cho lồng ngực giãn nở để không khí đi vào, còn cơ hoành kéo xuống để không khí đi vào.

3 bài tập giảm khó thở rất cần thiết cho F0 chưa tới được bệnh viện -0

Với người mắc các bệnh lý phổi như phổi mãn tính cơ hoành sẽ bị yếu đi. Cho nên tất cả các động tác hít thở sẽ bị dồn vào cơ liên sườn, khi đó bệnh nhân thở sẽ nhanh mệt và đau hai bên sườn. Trong tình huống đó cần phải tập cơ hoành, việc thở mới được cải thiện.

Cách thở: Ngồi hơi ngửa hoặc nằm thật thoải mái một tay để trên ngực, 1 tay để dưới bụng: khi thở làm sao tay trên ngực ít di chuyển còn tay ở bụng phình lên khi hít vào và xẹp khi thở ra.

Riêng đối với bài tập cơ hoành rất tốt cho bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mãn tính. Mỗi lần hít thở có thể áp dụng 3-5, thậm chí 10 lần tuỳ theo khả năng của mỗi người. Một ngày tập thở 3-5 tới 6 lần có thể giúp rèn luyện cơ hoành.

Bài tập thứ 3: Buteyko

Theo Bác sĩ Vinh, bài tập thở Buteyko được đặt theo tên của bác sĩ người Ukraine đã tìm ra phương pháp này (Konstantin Buteyko). Ông đã tìm ra phương pháp thở Buteyko để giúp ích cho những người bị bệnh hen suyễn nặng vào năm 1950. Phương pháp thở này còn được áp dụng cho các bệnh nhân khó thở khác như: tim mạch, có vấn đề về tâm lý lo lắng.

Cách thở: Hít vào nhẹ nhàng sau đó thở ra, sau đó hít vào thở ra và nín thở tới khi không chịu được sau đó thở ra nhẹ nhàng. Cách thở này có thể ngồi hoặc nằm.

Cách thở này sẽ tốt cho các trường hợp F0 tại nhà có tâm lý lo lắng, hoảng sợ do dịch bệnh mặc dù phổi chưa tổn thương. Cách thở này giúp cải thiện tình trạng khó thở hoặc giúp cho người có bệnh lý hô hấp mãn tính.