Đây là một phần trong những chính sách an sinh xã hội thực hiện trong năm qua.
Tới nay, chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) của nước ta có bước tăng trưởng ấn tượng, với khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số.
Nhờ tỷ lệ bao phủ này, nước ta cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn. Để đạt mục tiêu BHYT toàn dân, một số quốc gia phát triển trên thế giới cần từ 40 đến 80 năm, trong khi Việt Nam mất 17 năm.
Cũng từ ngày 1-1-2021, người tham gia BHYT được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú trái tuyến tỉnh.
Cụ thể, theo khoản 3 Điều 22 Luật BHYT 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014, từ năm 2021, người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến với tỷ lệ như sau:
Tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú;
Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước (hiện nay chỉ được thanh toán là 60%);
Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, quy định mới chỉ áp dụng khi khám, chữa bệnh điều trị nội trú. Nếu đi khám, chữa, điều trị ngoại trú tuyến tỉnh, Quỹ BHYT sẽ không hỗ trợ chi trả mà người bệnh sẽ phải tự chi trả chi phí khám, chữa bệnh.
Cũng từ ngày 1-4-2021, thẻ BHYT mẫu mới sẽ được sử dụng thống nhất trong phạm vi cả nước. Trên thẻ BHYT mẫu mới cũng bỏ nội dung về địa chỉ nơi cư trú của người có tên trên thẻ BHYT.
So với mẫu thẻ BHYT hiện hành, mẫu thẻ BHYT mới có nhiều điểm khác biệt mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia và các cơ sở khám, chữa bệnh như: Nhỏ gọn về kích thước; được ép plastic ngay sau khi in; thay đổi kiểu chữ in rõ nét, dễ đọc.
Đặc biệt, mặt sau của thẻ BHYT đã thay đổi phần lớn nội dung so với mẫu thẻ BHYT hiện hành để người tham gia tiện tra cứu thông tin sử dụng thẻ…
Mã số thẻ BHYT mới là 10 ký tự mã số BHXH của người tham gia, được sử dụng để tra cứu thông tin về thẻ BHYT (thay thế 15 ký tự mã số thẻ BHYT hiện nay). Mục đích chính là giảm bớt số lượng ký tự người tham gia cần khai báo khi tra cứu trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam (tại địa chỉ truy cập http://baohiemxahoi.gov.vn) hoặc khai báo khi làm thủ tục đề nghị tiếp tục tham gia BHYT; cấp lại, đổi thẻ; kiểm tra chi phí KCB BHYT được hưởng trên Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam (tại địa chỉ truy cập https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn).
Thẻ hiện hành còn thời hạn sử dụng, tiếp tục được dùng để khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, từ ngày 1-4-2020, nếu cần biết rõ hơn về các thông tin quản lý khác như: mã đối tượng đóng BHYT, địa chỉ cư trú… của người tham gia, sẽ cần thực hiện tra cứu trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống Thông tin giám định BHYT và Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.
Ngoài ra, việc tra cứu còn giúp người tham gia biết thêm về thời gian được miễn cùng chi trả trong phạm vi quyền lợi BHYT khi đi KCB đúng tuyến. Tức là khi người tham gia đã được cơ quan BHXH xác định đã có đủ năm năm tham gia BHYT liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở.