23 thành phố GDP nghìn tỷ của Trung Quốc hướng tới nền kinh tế số

NDO -

Báo cáo GDP tại chín thành phố trung tâm của Trung Quốc, bao gồm: Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Quảng Châu, Trùng Khánh… lần lượt được công bố trong thời gian gần đây, cho thấy, quốc gia này đã có 23 thành phố gia nhập câu lạc bộ GDP 1.000 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 150 tỷ USD).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Ifeng)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Ifeng)

Vai trò thúc đẩy của kinh tế mới thể hiện rõ rệt qua kết quả GDP vượt trội này. Một loạt các thành phố trọng điểm của Trung Quốc đang đưa vào vận hành đề án tiếp theo trong quy hoạch phát triển kinh tế, hướng tới xây dựng mô hình thành phố mạnh về công nghệ sáng tạo, chế tạo; đô thị quốc tế số, kinh tế số; trung tâm tiêu dùng quốc tế, đô thị hiện đại hóa… tạo đòn bẩy thúc đẩy nhanh việc tích lũy năng lượng phát triển kinh tế mới, tạo thêm ưu thế trong cạnh tranh.

Trong năm 2020, nhiều thành phố của Trung Quốc đã khắc phục thành công khảo nghiệm của đại dịch Covid-19, nền kinh tế ngoài số lượng, đã có bước tiến dài về chất lượng thông qua công nghệ. Các ngành sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ thông tin điện tử, kinh tế số của Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô, Hàng Châu lần lượt đạt sản lượng ấn tượng. Thủ phủ tỉnh Giang Tô, TP Nam Kinh hay Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông đều đặt kế hoạch trở thành trung tâm sáng tạo khoa học công nghệ trong 5 năm tới; thủ đô Bắc Kinh hướng tới thành phố đại diện cho kinh tế số toàn cầu; Thượng Hải với mục tiêu trở thành thành phố kinh tế số quốc tế có ảnh hưởng toàn cầu; Hàng Châu mong muốn trở thành thành phố dẫn đầu của kinh tế số toàn quốc.

Về ngành chế tạo, Thiên Tân, Trùng Khánh, Hạ Môn… từ định vị một thành phố công nghiệp chế tạo, sẽ phát triển trở thành trung tâm tiêu dùng quốc tế và thương mại khu vực.

Chuyên gia trong ngành  cho rằng, các thành phố trọng điểm của Trung Quốc đều mang những đặc điểm riêng trong quy hoạch phát triển kinh tế tương lai, xét về tổng thể, các thành phố đều mong muốn thông qua thúc đẩy phát triển động lực mới, đòn bẩy mới chất lượng cao, nhằm nâng sức cạnh tranh cho địa phương. Mở rộng ra, hướng phát triển kinh tế trong tương lai của Trung Quốc được định vị theo hướng số hóa ngành nghề, nâng cao trình độ hiện đại hóa sản xuất, phát huy thế mạnh từng địa phương.