Tin tốt lành
Sau 16 năm, có khá nhiều tin tốt lành về tình hình cuộc chiến chống lại các phần tử khủng bố thánh chiến. Nhóm nòng cốt của al Qaeda đóng tại Afghanistan và Pakistan đã không thực hiện một vụ tấn công thành công nào tại phương Tây kể từ các vụ đánh bom tự sát vào hệ thống giao thông của London (Anh) hơn một thập kỷ trước vào năm 2005, làm 52 hành khách thiệt mạng.
Nhóm khủng bố nổi lên sau sự suy yếu của al Qaeda, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện đã bị thất bại trên quy mô lớn, bị mất kiểm soát thành phố Mosul, thành trì của chúng tại Iraq và nhiều diện tích tại thành phố Raqqa, thành trì của chúng ở Syria.
Liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu cũng đã tiêu diệt khoảng từ 60 nghìn đến 70 nghìn tay súng IS, theo tướng Raymond "Tony" Thomas thuộc Bộ Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của Mỹ, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen hồi tháng 7.
Một tháng sau đó, Brett McGurk, đặc phái viên của Mỹ tại liên minh chống IS cho biết, IS đã mất kiểm soát hơn ba phần tư lãnh thổ mà chúng từng chiếm giữ tại Iraq và hơn một nửa lãnh thổ mà chúng từng kiểm soát tại Syria.
Mối đe dọa đặt ra bởi những chiến binh nước ngoài người Mỹ quay trở lại Mỹ, những đối tượng đã được IS hoặc các nhóm thánh chiến tại Iraq và Syria huấn luyện, ở mức khá thấp so với các quốc gia châu Âu. Theo các hồ sơ công khai, chỉ bảy tay súng người Mỹ đã trở về từ các chiến trường tại Syria và Iraq và chưa ai trong số đó thực hiện một hành động khủng bố. Đó là tin tốt nhưng hiện đang có những xu hướng đáng quan ngại khác.
Xu hướng khủng bố khác
Kể từ năm 2014 đã có sáu vụ tấn công khủng bố thánh chiến gây chết người tại Mỹ, làm 74 người chết, theo nghiên cứu của New America. Các vụ tấn công này được thực hiện bởi công dân Mỹ và thường trú nhân hợp pháp tại Mỹ, không phải bởi các phần tử khủng bố nước ngoài giống như vụ 11-9. Những phần tử khủng bố người Mỹ này được truyền cảm hứng bởi chiến dịch tuyên truyền trực tuyến của IS nhưng không có mối liên hệ trực tiếp với IS.
Các phần tử khủng bố thánh chiến tại Mỹ ngày nay hầu như bị cực đoan hóa thông qua trực tuyến. Trong số 129 tay súng đến từ Mỹ đã tham gia vào các nhóm khủng bố thánh chiến ở Iraq và Syria, hoặc có ý định tham gia, hoặc giúp người khác tham gia, 101 trong số đó đã tải xuống và chia sẻ các nội dung tuyên truyền cực đoan trên trực tuyến và một vài trong số đó đã tổ chức thực hiện các cuộc thảo luận được mã hóa với các tay súng IS tại Trung Đông, theo nghiên cứu của New America.
Chuyên gia chống khủng bố Israel Gabriel Weimann đã chỉ ra một cách chính xác rằng “sói đơn độc” hiện là một phần của một đàn sói trong không gian ảo. Trong trường hợp của 129 tay súng của Mỹ tham gia vào cuộc xung đột tại Syria, không ai trong số đó cho thấy dường như đã được tuyển mộ trực tiếp bởi các tay súng thành viên khác.
Lệnh cấm nhập cảnh tạm thời của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với sáu quốc gia có đại đa số là người Hồi giáo không có tác dụng để giải quyết mối đe dọa từ các tay súng hình thành trong lòng nước Mỹ này, nảy sinh từ chiến dịch tuyên truyền cực đoan trên trực tuyến. Các lệnh cấm đi lại, tất nhiên, không có ảnh hưởng đối với internet.
Trong khi nước Mỹ không chứng kiến các vụ tấn công gây chết người, trong đó những kẻ thực hiện được huấn luyện và chỉ đạo bởi các tổ chức khủng bố nước ngoài kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001, vẫn có năm vụ tấn công do IS chỉ đạo tại châu Âu kể từ năm 2014 làm 188 người chết, gấp hai lần số người chết trong tất cả các vụ tấn công của các phần tử thánh chiến gây chết người tại Mỹ kể từ vụ khủng bố 11-9-2001.
Trong khi đó, lực lượng Taliban tại Afghanistan đang ở thời điểm mạnh nhất kể từ khi bị lực lượng của Mỹ đánh bại ngay sau vụ khủng bố 11-9-2001.
Khủng bố tại Mỹ không chỉ bắt nguồn từ các phần tử thánh chiến, những phần tử đã làm 95 người thiệt mạng tại Mỹ kể từ vụ khủng bố 11-9-2001. Các cá nhân bị thúc đẩy bởi hệ tư tưởng cực hữu đã làm chết 68 người tại Mỹ trong cùng giai đoạn, trong khi các cá nhân bị thúc đẩy bởi hệ tư tưởng những theo chủ nghĩa dân tộc da màu đã làm tám người chết, theo nghiên cứu của New America.
Những nhân tố dẫn đến khủng bố vẫn tồn tại
Mặc dù IS đã bị thất bại trên quy mô lớn, các điều kiện dẫn đến sự trỗi dậy của nhóm này phần lớn vẫn tồn tại, trong đó có cuộc nội chiến khu vực ở Trung Đông giữa người Hồi giáo Sunni và Shia đang phá hủy Iraq, Syria và Yemen; sự sụp đổ sự cai trị của người A-rập chung quanh khu vực; sự sụp đổ của các nền kinh tế tại các quốc gia Hồi giáo bị kiệt quệ do chiến tranh và sự bùng nổ dân số tại Trung Đông và Bắc Phi.
Các nhân tố này đã sản sinh ra một làn sóng những người nhập cư Hồi giáo tới châu Âu. Những người nhập cư đó đang tới các quốc gia nơi mà những người Hồi giáo thường bị coi là thứ yếu và làn sóng những người nhập cư Hồi giáo này đã góp phần thêm cho sự trỗi dậy gần đây của các đảng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở châu Âu. Đây là một sự kết hợp rất dễ trở nên nguy hiểm khi nó có thể khiến những người Hồi giáo ở châu Âu ủng hộ những tín điều của chủ nghĩa thánh chiến.
Những nhân tố có thể làm nảy sinh chủ nghĩa cực đoan trên đã ủng hộ mạnh mẽ giả thuyết về một “IS con” sẽ được thành lập trong những năm tới.
Ngay cả khi IS phải chịu những thất bại liên tiếp, chi nhánh của al Qaeda tại Syria đã cho thấy sự phục hồi đáng kinh ngạc và một khả năng đặt ra là trở thành một phiên bản với những thành viên còn lại của IS có thể kết hợp với al Qaeda tại Syria.
Nhóm nòng cốt của al Qaeda dường như cũng đang chuẩn bị cho Hamza bin Laden, một trong những người con trai của trùm khủng bố Osama bin Laden, như là một lãnh đạo của thế hệ tiếp theo. Hamza bin Laden gần 30 tuổi, đã xuất hiện trong một loạt các sản phẩm truyền thông của al Qaeda trong những năm gần đây.
Khả năng phục hồi của al Qaeda tại Syria vẫn đang tiếp diễn và thực tế các nhân tố làm nảy sinh chủ nghĩa cực đoan trên toàn cầu sẽ không biến mất sớm, khiến người ta có thể dự đoán rằng cuộc chiến chống khủng bố bắt đầu từ sau sự kiện 11-9, vốn đã kéo dài hơn 1,5 thập kỷ sẽ cần nhiều năm nữa mới có thể đi đến hồi kết.