15% số thương hiệu nổi tiếng của Trung Quốc bị đánh cắp

Khoảng 15% số thương hiệu nổi tiếng của các doanh nghiệp Trung Quốc đang bị các hãng nước ngoài đánh cắp và đăng ký quyền sở hữu. Đó là con số thống kê mới nhất mà Cơ quan quản lý thương hiệu quốc gia Trung Quốc vừa công bố.

Theo cơ quan này, những năm gần đây, mỗi năm phát sinh khoảng 100 vụ kiện liên quan việc tranh chấp thương hiệu của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài. Các thương hệu của Trung Quốc bị đánh cắp chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực như: mỹ phẩm, thức ăn gia súc, đồ điện dân dụng, may mặc, văn hoá phẩm...

Gần đây, số vụ kiện kiểu này gia tăng nhanh chóng. Điển hình là các vụ hãng rượu nổi tiếng Trung Quốc “Ngũ lương dịch” bị đánh cắp thương hiệu tại Hàn Quốc; các hãng sản xuất đồ điện Kang Jia, Kelong, bị đánh cắp thương hiệu, đăng ký tại Mỹ, Singapore.

  Việc xảy ra các vụ kiện nêu trên, một phần do lỗi của các công ty Trung Quốc đã không chú trọng vấn đề đăng ký thương hiệu.

Theo tài liệu của Cục quản lý quyền sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc công bố năm 2002,  thì trong hơn 100 thương hiệu nổi tiếng của Trung Quốc, có tới 50% không đăng ký tại Mỹ và Canada; gần 80% không đăng ký tại Australia. Đến năm 2003, mới có tổng số gần 3000 doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký thương hiệu quốc tế tại các nước, nhưng số vụ kiện tranh chấp thương hiệu giữa doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài đã lên đến hơn 10 nghìn vụ.

Trong các vụ kiện về 15% số thương hiệu nổi tiếng Trung Quốc bị đánh cắp, đăng ký ở nước ngoài nói trên, phần thắng ít có khả năng thuộc về phía Trung Quốc, do các doanh nghiệp nước này thiếu hiểu biết về luật lệ thương mại quốc tế.

Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài đánh cắp thương hiệu của Trung Quốc đăng ký tại nước họ nhằm hai mục địch. Thứ nhất là ngăn cản công ty Trung Quốc tiến vào thị trường nội địa của họ. Thứ hai là “mượn giáo của Trung Quốc để đâm Trung Quốc”. Vì vậy, Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo các doanh nghiệp trong nước cần chú trọng vấn đề đăng ký thương hiệu, tránh những thiệt hại, rắc rối về sau, khi đi ra nước ngoài đầu tư.

Quốc Trường
Theo Tân Hoa xã