Yêu cầu cấp bách mở cửa lại nền kinh tế

NDO -

Sản xuất của các trung tâm công nghiệp phía nam sụt giảm 10,9%- 49,2% trong thời điểm tăng cường giãn cách xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước thời khắc sinh-tử, đòi hỏi phải có những chuyển biến cơ bản trong công tác thực hiện “mục tiêu kép”.

Sản xuất tại công ty may Đáp Cầu (Bắc Ninh). (Ảnh: Thanh Hải)
Sản xuất tại công ty may Đáp Cầu (Bắc Ninh). (Ảnh: Thanh Hải)

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu đặc tả về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ của các tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp lớn nhất của cả nước là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai trong thời điểm bùng phát làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư.

Nhiều chỉ số kinh tế giảm mạnh

Các số liệu cho thấy sản xuất công nghiệp của ba địa phương này sụt giảm nghiêm trọng tháng 8 và tám tháng đầu năm 2021.

Chịu ảnh hưởng lớn nhất là TP Hồ Chí Minh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 giảm 22,4% so tháng trước và giảm 49,2% so cùng kỳ. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm 49,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 22,9%; sản xuất và phân phối điện giảm 9,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 6,7%.

Tính chung tám tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố giảm 6,6% so cùng kỳ năm trước do chịu ảnh hưởng mạnh của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư. Nhiều nhà máy phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động để chống dịch; nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất bị gián đoạn, thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 15,9% so với tháng trước và giảm 59,4% so cùng kỳ. Tính chung tám tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 10,6% so cùng kỳ.

Tại tỉnh Đồng Nai, hiện chỉ có 967 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất đảm bảo theo quy định về “3 tại chỗ”. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm 0,72% so tháng trước và giảm 20,86% so cùng kỳ, mức giảm mạnh nhất thuộc về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tính chung tám tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tám tháng giảm nhẹ 0,43% so cùng kỳ. Trong đó, các ngành sản xuất và phân phối điện, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải vẫn tăng khá.

Về hoạt động thương mại, dịch vụ, do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CP-TTg nên đã ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của chuỗi cung ứng, bán lẻ trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các kênh bán lẻ truyền thống.

Sở Công thương Đồng Nai đã triển khai các kênh bán hàng thay thế chợ truyền thống, điểm trung chuyển, tập kết hàng hóa nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân với giá bình ổn, được niêm yết giá rõ ràng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh khó khăn nên doanh thu bán lẻ tháng 8 của tỉnh Đồng Nai giảm 14,1% so với tháng trước và giảm 15,6% so cùng kỳ.

Tương tự, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Bình Dương cũng chậm lại và giảm so với tháng trước. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.885 doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” cho 272.851 lao động, trong đó có 284 doanh nghiệp tạm ngưng và chưa triển khai vì có F0 trong công ty.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 của tỉnh Bình Dương ước tính giảm 10,9% so với tháng trước và giảm 12,6% so cùng kỳ. Đa số các ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong tháng 8 đều giảm so với tháng trước, các doanh nghiệp không tổ chức đủ chổ ở cho công nhân, thiếu nguyên liệu sản xuất.

Tuy nhiên, lũy kế tám tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của Bình Dương ước tính tăng 4,3% so với cùng kỳ, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,4%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 9,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,8%.

Về hoạt động thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 của tỉnh Bình Dương giảm 2,6% so tháng trước và giảm 19,2% so cùng kỳ. Tính chung tám tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 2,8% so cùng kỳ năm trước.

Yêu cầu phục hồi kinh tế đang đặt ra cấp bách

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, diễn biến dịch Covid-19 ở Việt Nam đang ở vào thời kỳ khắc nghiệt, tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Bên cạnh những thiệt hại về y tế do đại dịch gây ra, nhiều địa phương sử dụng các “công cụ” phòng, chống dịch một cách bất cập như cấp giấy đi đường; phong tỏa diện rộng, giãn cách kéo dài... là nguyên nhân khiến nền kinh tế chịu những thiệt hại không đáng có.

“Đành rằng bản thân dịch bệnh đã gây thiệt hại về người và tài sản. Nhưng nếu các địa phương tạo thuận lợi hơn cho lưu thông hàng hóa an toàn; tạo cơ hội cho người dân di chuyển an toàn; vì dịch bệnh mà áp dụng các biện pháp, công cụ quản lý thuận lợi hơn, an toàn hơn, dễ tuân thủ hơn cho người dân và doanh nghiệp, chắc chắn thiệt hại sẽ giảm đi nhiều”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nói.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung kiến nghị thay đổi chiến dịch chống dịch từ biện pháp cách ly và xóa bỏ hoàn toàn F0 sang chấp nhận vẫn có dịch ở mức không phải đại dịch. Đồng thời, tổ chức sản xuất kinh doanh, quản lý nhà nước và cuộc sống của người dân một cách thích ứng và an toàn phù hợp với mức độ dịch bệnh.

Bỏ phong tỏa, giảm giãn cách, mở dần từng bước hoạt động kinh tế và đời sống người dân, nhất là ở vùng tác động nghiêm trọng của dịch bệnh trên cơ sở đáp ứng được hai điều kiện: Đến cuối quý 1/2020, phải đạt được 70-80% dân số trên 18 tuổi được tiêm đủ vaccine; và ban hành các tiêu chí kiếm soát địch bệnh theo các mức độ nguy cơ khác nhau, từ cao, trung bình, đến thấp; chấp nhận thực trạng vẫn có F0 trong cộng đồng;

Xây dựng và áp dụng quy định tiêu chuẩn về an toàn đổi với sản xuất, kinh doanh và giao tiếp xã hội trong từng vùng (vùng xanh, vàng và đỏ), và đối với di chuyển (hành khách, hàng hóa) giữa các vùng; tiêu chuẩn an toàn trong mở cửa vận tải hành khách quốc tế. Nguyên tắc xuyên suốt là không đặt thêm các quy định xin - cho, tạo thêm thủ tục hành chính…

Theo phản ánh của các Hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng sản xuất kinh doanh đang đứng trước bài toán sinh-tử. Nếu chính sách không có sự chuyển biến trong tháng 9 này, nhiều doanh nghiệp sẽ khó trụ lại thị trường.

Lãnh đạo của 14 hiệp hội ngành hàng lớn nhất nước vừa tiếp tục kiến nghị Chính phủ thực hiện chiến lược "Phòng, chống dịch theo điểm" để phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.

Chiến lược này nhằm quy định thống nhất các tiêu chí, điều kiện phòng chống dịch; trao quyền chủ động trong mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành phòng chống dịch cho các doanh nghiệp; bảo đảm lưu thông, chống ách tắc hàng hóa và từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế.

Chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu tại việt Nam gồm Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cũng gửi kiến nghị đến Chính phủ đề xuất chiến lược "Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực" nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép