Y tế Thạnh An nhiều khởi sắc

Từ ngày có thêm thiết bị thông minh và đội ngũ bác sĩ từ các bệnh viện lớn luân phiên về hỗ trợ chuyên môn, công tác chẩn đoán, điều trị, tư vấn bệnh tại Trạm Y tế xã Thạnh An (huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh) đạt được nhiều kết quả khả quan hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Các bác sĩ Trạm Y tế xã Thạnh An chẩn đoán tình trạng bệnh từ hình ảnh trên máy tính.
Các bác sĩ Trạm Y tế xã Thạnh An chẩn đoán tình trạng bệnh từ hình ảnh trên máy tính.

Đầu năm 2023, bác sĩ Nguyễn Tấn Hưng (Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Nhi Đồng 1) tham gia chương trình “Luân phiên bác sĩ trẻ hỗ trợ Trạm Y tế xã đảo Thạnh An, Cần Giờ (đợt 4)”. Ngoài công việc chính là thăm khám, điều trị và tư vấn cho bệnh nhi, bác sĩ Hưng còn tích cực hỗ trợ trạm y tế xã thực hiện nhiều công tác chuyên môn khác.

Trong đó, việc hằng ngày đồng hành cùng bác sĩ Luân Thanh Trường, Trưởng trạm Y tế xã để lại trong anh nhiều kỷ niệm khó quên như: Những lần xử lý các tình huống khẩn cấp hay cùng nhau phân tích nhiều thông số trên máy X-quang hiện đại; những lúc ngồi lại nghe bệnh nhân nghèo xã đảo nói lời cảm ơn khi được thăm khám tận tình tại nhà, được hỗ trợ thuốc thang kịp thời, hiệu quả.

Bác sĩ Hưng cho biết: Chỉ vài tháng ở xã đảo, anh đã gặp và hỗ trợ được khá nhiều bệnh nhi, tư vấn cho gia đình có trẻ nhỏ về các vấn đề mà trước giờ ít ai quan tâm như dinh dưỡng, tiêm chủng...

“Về đây, chúng tôi không chỉ hỗ trợ chuyên môn mà còn học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong việc cấp cứu, chẩn đoán và nắm bắt tâm lý người bệnh. Ngoài việc thăm khám, điều trị tại trạm y tế, việc đến tận nhà người dân khám, điều trị giúp bác sĩ có thêm thời gian chăm sóc, hỗ trợ; đồng thời, thấu hiểu cái khổ, cái khó của bà con xã đảo”, bác sĩ Hưng cho biết thêm.

Trưởng trạm Y tế xã Thạnh An Luân Thanh Trường cho rằng: Cái hay của chương trình “Luân phiên bác sĩ trẻ hỗ trợ Trạm Y tế xã đảo Thạnh An, Cần Giờ” là các bác sĩ về đây không phải bác sĩ mới ra trường mà toàn người lành nghề với ít nhất ba năm kinh nghiệm cho nên đã giúp chúng tôi được rất nhiều lĩnh vực, nắm bắt tốt tâm lý bệnh nhân. Trước khi về xã đảo, các bác sĩ trẻ còn thực hành qua một khóa cấp cứu để có thêm kinh nghiệm xử lý. Về xã đảo, điều kiện sống còn hạn chế nhưng các bác sĩ sớm thích nghi, dành nhiều thời gian cho công tác chuyên môn và lắng nghe người dân, đưa ra các giải pháp phù hợp với điều kiện sống, kinh tế của người bệnh nơi đây.

Nhờ sự đồng hành của đội ngũ bác sĩ trẻ mà chất lượng của công tác khám bệnh tận nhà cho các trường hợp đặc biệt tại Thạnh An ngày càng được nâng cao. Số người bệnh được hỗ trợ cũng tăng dần do có nhân lực y tế bổ sung… Các bác sĩ tăng cường còn phối hợp với cán bộ, nhân viên trạm y tế xã tham gia thu thập số liệu tích hợp vào hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn bộ người dân trên địa bàn. Thạnh An là xã đầu tiên của cả nước thí điểm thực hiện chương trình này. Sau gần tám tháng thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho Trạm Y tế xã đảo Thạnh An”, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân tại đây đã có nhiều thay đổi khả quan. Trước kia, mỗi tháng có khoảng 400 lượt người dân đến khám bệnh tại trạm y tế, nay con số này đã tăng lên gần 600 lượt.

Từ tháng 11/2022, sau khi tiếp nhận đội ngũ bác sĩ tăng cường từ các bệnh viện, Trạm Y tế xã Thạnh An đã đủ nhân lực để có thể tổ chức khám định kỳ có thanh toán bảo hiểm y tế mỗi tuần một đợt. Với người có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường… sau thăm khám sẽ được cấp thuốc cả tháng. Với những bệnh cấp tính sẽ cấp 5 đến 10 ngày thuốc, nhờ đó người dân tại ba ấp hạn chế tối đa việc phải đi lại.

“Trước đây, Trạm Y tế xã Thạnh An chỉ có một bác sĩ là tôi. Vậy nên, khi tôi bận công tác thì y sĩ phải khám bệnh. Sau khi chương trình luân phiên bác sĩ được thực hiện thì luôn có bác sĩ trực tại trạm kể cả ngày nghỉ, lễ, Tết. Có bác sĩ khám bệnh sẽ tăng chất lượng khám trên các phương diện: chẩn đoán chính xác hơn, kê toa hợp lý hơn, tư vấn có chiều sâu hơn, nhất là đối với các bệnh nhân có kết quả khám tổng quát hoặc đi khám từ tuyến trên về”, bác sĩ Trường chia sẻ.

Bên cạnh chương trình đưa bác sĩ luân phiên về hỗ trợ, chương trình “Đưa trí tuệ nhân tạo vào hoạt động chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân xã đảo Thạnh An” của ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực. Thạnh An là trạm y tế đầu tiên của cả nước triển khai thành công ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh X-quang, thông qua hệ thống PACS và ứng dụng Telemedicine để kết nối bác sĩ đang công tác tại trạm y tế với những bác sĩ chuyên khoa, nhiều kinh nghiệm của các bệnh viện thành phố tuyến cuối. Sự kết nối này giúp người bệnh đến khám tại trạm y tế được chẩn đoán chính xác,nhanh chóng, điều trị đúng phác đồ, hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết.

Đến thời điểm hiện tại đã có gần 240 ca bệnh được thăm khám, xử lý kịp thời nhờ hệ thống trang thiết bị hiện đại do thành phố cấp cho xã đảo Thạnh An như máy siêu âm, máy điện tim, máy chụp X-quang trí tuệ nhân tạo... Trong đó, Trạm Y tế xã Thạnh An đã xử lý 62 ca bất thường và hội chẩn hình ảnh, hội chẩn hỗ trợ chuyên môn cho bảy ca phức tạp.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An Đặng Hoàng Sơn cho biết: Điều hơn 1.200 hộ dân tại xã đảo mong muốn nhất bây giờ là một trạm y tế ổn định hơn về cơ sở vật chất, đầy đủ hơn về trang thiết bị vì trạm y tế hiện tại đã có dấu hiệu xuống cấp.

Do đó, thông tin Trạm Y tế xã Thạnh An sẽ được xây mới khiến rất nhiều người dân phấn khởi. Có cơ sở mới, công tác khám, chữa bệnh cho người dân chắc chắn sẽ tốt hơn vì xây dựng được phòng mổ, bổ sung thêm trang thiết bị hiện đại, nhất là khâu cấp cứu. Xã Thạnh An mới đây đã kiến nghị xây dựng Đội cấp cứu di động và được thành phố chấp thuận, đầu tư thêm phương tiện lớn để tiến hành cấp cứu trong các trường hợp có nhu cầu lên tuyến trên.