Ý kiến cử tri

Ý kiến cử tri bên lề phiên thảo luận của Quốc hội

Báo Nhân Dân ghi nhận một số ý kiến cử tri bên lề phiên thảo luận ngày 31/5 trong chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên thảo luận ở Hội trường Diên Hồng chiều 31/5. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh phiên thảo luận ở Hội trường Diên Hồng chiều 31/5. (Ảnh: DUY LINH)

Cần có giải pháp hữu hiệu đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công

Tôi rất đồng tình với 11 nhóm giải pháp của Chính phủ đề ra trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng theo tôi, Chính phủ nên nghiên cứu cơ chế riêng về đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong chỉ đạo việc giải ngân vốn đầu tư công.

Tôi đồng quan điểm với một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm là vấn đề không mới và đã được đề cập đến từ các kỳ họp trước. Nguyên nhân khách quan tác động đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là do các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này còn rườm rà, ảnh hưởng không nhỏ tiến độ giải ngân vốn cho các dự án.

Mặt khác, những quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, năng lực của một số chủ đầu tư còn hạn chế, việc xây dựng dự án không sát với thực tế, một số cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ vẫn còn biểu hiện né tránh, sợ sai, không dám làm…

NGUYỄN VĂN QUANG (Phường Cẩm Trung, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh)

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn

Từ thực tiễn trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, tôi thấy hiện nay doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, biến động tổng cầu giảm mạnh tại thị trường xuất khẩu các nước EU, Mỹ, với chính sách điều chỉnh lãi suất để kiểm soát lạm phát làm cho xuất khẩu của doanh nghiệp gặp khó. Trong khi đó, giá nguyên, nhiên liệu trong nước không ngừng tăng, cùng với lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, khiến nhiều doanh nghiệp đang phải duy trì sản xuất, kinh doanh cầm chừng, không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.

Với tình hình hiện nay, dự báo sang quý III và những tháng còn lại của năm 2023, doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn do thiếu các đơn hàng. Do đó, chúng tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ như: Giảm lãi suất cho vay, giãn nợ vay, miễn giảm một số khoản thuế, phí để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Về lâu dài, tiếp tục giảm các thủ tục hành chính, đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

NGUYỄN DUY HƯNG (Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai)

Khẩn trương đơn giản hóa thủ tục kinh doanh

Từ đầu năm 2023 đến nay, cộng đồng doanh nghiệp đối mặt rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, thủ tục kinh doanh-đầu tư một số nơi vẫn còn nhiêu khê, phiền hà; nhất là thủ tục về phòng cháy, chữa cháy và đăng kiểm.

Không những vậy, mặc dù nguồn vốn tín dụng, dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh đã teo tóp, nhưng nhiều doanh nghiệp lại còn phải chờ hoàn thuế giá trị gia tăng vì thủ tục của ngành thuế. Có không ít doanh nghiệp đợi vài năm mới được hoàn thuế giá trị gia tăng. Trong thời gian dài đó, doanh nghiệp bị vuột mất nhiều cơ hội kinh doanh do thiếu hụt nguồn vốn, muốn hoạt động thì phải tốn kém chi phí cho ngân hàng hoặc các nguồn tín dụng khác.

Từ thực tế đó, để thiết thực hỗ trợ và giúp doanh nghiệp sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, Nhà nước cần nhanh chóng tăng tốc cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục thông thường. Trước mắt, cần có những điều chỉnh trong thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, mau chóng thay đổi cách quản lý theo hướng hiệu quả. Cơ quan quản lý thuế nên cân nhắc cho phép, giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp sớm hoặc đúng thời hạn theo quy định; sau đó, tiến hành các bước kiểm tra, xác minh, thanh tra, nếu doanh nghiệp sai phạm thì xử lý theo quy định pháp luật.

NGUYỄN TÂM LUÂN (Công ty TNHH Cơ điện Khôi Nguyễn, phường An Lạc A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh)

Quyết liệt ngăn chặn bạo lực học đường

Một vấn đề xã hội đang được rất nhiều người quan tâm trong thời gian qua là bạo lực học đường. Nhiều clip học sinh đánh nhau, cả trong và ngoài nhà trường trên các trang mạng xã hội, gây bức xúc cho nhiều người. Những vụ việc đó xảy ra ngày càng nhiều, đặt ra vấn đề cấp bách cho các cơ quan quản lý, nhà trường, gia đình và xã hội. Dù đã có nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh, quy định hình thức xử lý, nhưng vấn nạn bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp.

Theo tôi, Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp quyết liệt ngăn chặn bạo lực học đường bằng nhiều hình thức khác nhau; trong đó, nêu cao vai trò, quy định rõ trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn cho học sinh tại các cơ sở giáo dục; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, xâm hại, bạo hành đối với học sinh…

ĐOÀN HOÀI THƯƠNG (Phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ)

Thanh tra toàn diện hệ thống giao thông đường bộ ở miền trung

Những năm qua, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ, nhất là đoạn qua miền trung, vốn được xem là “xương sống” của cả nước. Tuy nhiên, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và tỉnh lộ ở miền trung vẫn rất yếu, ảnh hưởng lớn đến lưu thông bắc nam, và cũng là đoạn thường xảy ra nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Ngoài lý do xe chạy quá tốc độ, lấn làn, thiếu quan sát… thì hệ thống đường bộ qua miền trung cũng đang lộ nhiều yếu kém. Có tuyến đường chỉ như đường tỉnh, vì chưa hoàn thiện, với hai làn xe chạy, mỗi bên một làn và không có dải phân cách cứng ở giữa. Có đường rất cong, nhiều khúc cua gấp, lên xuống liên tục, nhiều chỗ khuất tầm nhìn, chưa đạt tiêu chuẩn đường cao tốc. Đối với Quốc lộ 1A, tuy mới hoàn thiện từ 2016, nhưng đến nay có nhiều đoạn hư hỏng nặng do đường lún, gồ ghề, mặt đường hư hỏng.

Vì vậy, Chính phủ, Quốc hội cần tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát một cách toàn diện, từ quy hoạch, thiết kế, giám sát, thi công, quản lý vận hành… để xử lý nghiêm các sai phạm nếu có và ưu tiên nguồn vốn để đầu tư toàn diện, đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ qua miền trung, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực; trong đó đặc biệt lưu ý khâu thiết kế, đầu tư xây dựng đường cao tốc đạt tiêu chuẩn.

NGUYỄN BẢO THÀNH (07 Nhất Chi Mai, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng)

Chú trọng bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung

Tôi rất tâm đắc với ý kiến các đại biểu Quốc hội thảo luận, đánh giá về tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trong thực thi, giải quyết công việc, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội. Hiện tượng này đã có từ lâu, nhưng đến nay nghiêm trọng và phức tạp hơn.

Nguyên nhân là do một bộ phận cán bộ có năng lực, trình độ còn bất cập cho nên chưa nắm bắt rõ quy định của pháp luật, làm gì cũng sợ sai, không dám làm. Trong khi đó, nhiều quy định pháp luật chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, minh bạch. Cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung chưa cụ thể, phần nào dễ làm giảm cảm hứng sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức.

Vì thế, các cơ quan chức năng cần tập trung rà soát, sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch, đồng bộ hơn; có hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ, công chức, khuyến khích tinh thần dám đương đầu khó khăn, dám tạo đột phá. Công tác đánh giá cán bộ phải được đổi mới, để những người được giao việc, nhất là công việc mới, công việc khó, vững tâm làm vì lợi ích chung.

NGUYỄN VĂN MINH (Thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội)