Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài sẽ là tuyến đường bộ ngắn nhất kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía nam với hai địa phương, qua cửa khẩu Mộc Bài-Ba Vẹt. Khi tuyến cao tốc này đưa vào hoạt động sẽ giúp hình thành hệ thống giao thông hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội, thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông cho cả vùng Đông Nam Bộ.
Thành phố Hồ Chí Minh lập danh sách đền bù 1.800 hộ dân
Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh vừa có thông báo đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi phối hợp Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (chủ đầu tư) khẩn trương lập kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và ban hành thông báo thu hồi đất cho tất cả các trường hợp bị ảnh hưởng trong dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (giai đoạn 1). Kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm được thực hiện căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 87 Luật Đất đai năm 2024. Dự án thành phần 3: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh nằm trọn trên địa bàn huyện Củ Chi, có chiều dài khoảng 24,66 km. Theo Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi, dự án đi qua địa bàn 11 xã gồm: Phước Thạnh, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng, Phước Hiệp, Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Đông, Nhuận Đức, Phú Hòa Đông, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Tân Phú Trung, với diện tích ảnh hưởng khoảng 182,25 ha. Tổng số trường hợp bị ảnh hưởng trong khu vực, dự kiến thu hồi hơn 1.808 trường hợp, trong đó có 336 trường hợp đủ điều kiện tái định cư.
Về cách thức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Cơ bản thành phố sẽ thực hiện như dự án vành đai 3, trong đó vận dụng các cơ chế chính sách của Nghị quyết 98 và Luật Đất đai năm 2024, làm sao bảo đảm quyền lợi cao nhất về chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư đối với người dân trong vùng dự án”. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1: áp dụng cho tất cả các trường hợp có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng dự án và các trường hợp vừa có đất ở, vừa có đất nông nghiệp đồng thuận cho thu hồi đất trước hạn theo Điều 85, Luật Đất đai năm 2024. Giai đoạn 2: áp dụng cho các trường hợp còn lại (các hộ có đất ở không đồng thuận cho thu hồi đất trước theo khoản 2, Điều 85 Luật Đất đai năm 2024). “Ngoài ra, điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 cho phép thực hiện bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại khoản 1, Điều 96, khoản 1, Điều 98, khoản 1, Điều 99 của Luật Đất đai năm 2024 và theo Điều 4, Nghị định số 88/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Dự toán tổng kinh phí bồi thường dự án, đoạn qua địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 7.100 tỷ đồng (tăng 1.832,7 tỷ đồng so với dự toán)”, ông Võ Trung Trực thông tin thêm.
Dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT) đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 760/QĐ-TTg ngày 2/8/2024 về phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án được phân chia thành bốn dự án thành phần. Giai đoạn 1, dự án có quy mô 4 làn xe; Giai đoạn 2 quy mô 6-8 làn xe. Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài với tổng chiều dài khoảng 51 km. Trong đó, điểm đầu kết nối với đường vành đai 3, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc huyện Củ Chi; điểm cuối giao với Quốc lộ 22 (khoảng Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 19.617 tỷ đồng.
Hai huyện và thị xã đã thông báo thu hồi đất
Những ngày qua, tại Tây Ninh, việc triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài đang được các sở, ngành, địa phương gấp rút thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch thực hiện dự án thành phần 4: “Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh”, với tổng mức đầu tư 5.270 tỷ đồng. Trong đó, đến ngày 20/8/2024, Ủy ban nhân dân các huyện Gò Dầu, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng là ba địa phương bị ảnh hưởng dự án đã thông báo thu hồi đất đến các hộ dân và tổ chức có đất thu hồi (đạt tỷ lệ 100%) nhằm thực hiện dự án. Bà Nguyễn Thị Ngọc (ngụ huyện Gò Dầu) đề đạt: “Chúng tôi kiến nghị Nhà nước thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai năm 2024. Giá bồi thường về đất phải phù hợp và sát với giá thị trường, bảo đảm người dân có đủ điều kiện tạo lập đất khác tương ứng để sản xuất ổn định cuộc sống”. Bà Ngọc và hầu hết hộ dân thuộc diện thu hồi đất cũng yêu cầu chính quyền huyện sớm công khai bản đồ giải tỏa cũng như tổ chức cắm ranh giải phóng mặt bằng để người dân biết; đề nghị Nhà nước quan tâm đến việc tái định cư cho những hộ gia đình bị giải tỏa trắng, không còn nhà ở, đất ở.
Theo thống kê, trên địa bàn thị xã Trảng Bàng có 1.652 thửa đất với 749 hộ bị ảnh hưởng, huyện Gò Dầu có 1.157 thửa đất với 859 hộ bị ảnh hưởng, huyện Bến Cầu có 237 thửa đất với 108 hộ bị ảnh hưởng. Các địa phương này đã thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh Tây Ninh cũng hoàn thành công tác lập dự toán đo đạc để tiến hành thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo ghi nhận tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, ngoài ý kiến của người dân, chính quyền một số xã, thị trấn còn kiến nghị khi thực hiện dự án đường cao tốc, nên nghiên cứu để tạo lập các đường gom dân sinh, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Đặc biệt, các địa phương cũng rất quan tâm vấn đề tái định cư. Đơn cử, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thị xã Trảng Bàng đã quy hoạch và trình Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư quy mô 10,7 ha để phục vụ tái định cư cho các dự án trên địa bàn thị xã nói chung và đủ bố trí tái định cư cho dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài nói riêng. Việc xây dựng hạ tầng khu tái định cư, địa phương này phấn đấu hoàn thành vào cuối quý II năm 2025.
Với vị trí, vai trò quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội cũng như góp phần nâng cao năng lực giao thông cho cả hai địa phương và vùng Đông Nam Bộ, công tác xúc tiến đền bù, tái định cư được người dân kỳ vọng thực hiện công khai, minh bạch, làm sao bảo đảm cao nhất quyền lợi của người dân trong vùng dự án, đúng luật định. Qua đó thúc đẩy tiến độ khởi công, hoàn thành cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, tuyến cao tốc trọng điểm quốc gia như lộ trình đã đặt ra ■