Xuân trong gia đình giáo sư Nguyễn Lân Dũng

NDO -

NDĐT- Là một gia đình giàu truyền thống, có nhiều giáo sư, tiến sĩ vào hàng đông nhất Việt Nam, GS-NGND Nguyễn Lân Dũng cho biết, đại gia đình của mình đón Tết rất giản dị, vui vẻ và đầm ấm. Nhưng đó cũng là dịp rất quan trọng để kính nhớ tổ tiên, gia đình đoàn tụ, hỏi thăm, chúc sức khỏe đến từng người.

Niềm vui xuân trong đại gia đình.
Niềm vui xuân trong đại gia đình.

Xuân vui là chính

Suốt cả năm bận rộn, mấy ngày Tết, GS Nguyễn Lân Dũng nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình và con cháu. Trong những ngày chuẩn bị đón Tết, ông và cả đại gia đình đều không làm gì quá rườm rà, lãng phí. Quan điểm của ông và các thành viên khác là làm sao để đón Xuân vui vẻ nhất, tiết kiệm nhất.

Là người của công chúng, thường giúp đỡ nhiều bà con trồng hoa nên ít khi ông phải mua sắm hoa. Trước Tết, ông thường được bà con tặng một cành đào Xích thố thật đẹp, hoặc một cành mai trắng dạng Bonsai. Cũng có năm, ông nhận được một cành đào phai bè bạn gửi từ Lạng Sơn về. Trong ngôi nhà nhỏ nhưng ấm cúng của mình, GS Dũng cho biết ông chỉ cần mua thêm một bình hoa viôlet, có xen ít hoa thược dược hoặc lay-ơn để tạo sự trang nhã, là đã đủ thấy Xuân ngập tràn rồi.

Về đồ ăn thức uống, vị giáo sư 77 tuổi cho biết, theo như truyền thống, người Việt Nam đón Tết không bao giờ thiếu thịt mỡ, dưa hành, câu đối. Tuy nhiên, ở thành phố, nhiều gia đình quá chật hẹp, việc dùng câu đối không phải bao giờ cũng thích hợp. Nó thích hợp với những ngôi nhà ở miền quê hơn. Bánh chưng là món không thể thiếu, bởi hình ảnh chiếc bánh chưng xanh góp phần làm nên cái Tết truyền thống đặc sắc. Năm nào gia đình cũng đặt loại ngon nhất, dù chỉ cần vài chiếc thôi.

Từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 12 là thời gian các báo chí chuẩn bị cho mùa báo Xuân, rất nhiều người đặt bài GS Nguyễn Lân Dũng, nhưng ông chỉ có thể chọn viết cho vài tờ báo thân tình nhất, và không phải vì nhuận bút cao hay thấp. Ở những bài viết đó, ông dành tâm huyết viết ra những bài có nhiều thông tin đặc sắc mà theo ông là cần cho độc giả báo Xuân.

Thêm nữa, ông đặc biệt có thú mua báo Tết, năm nào trong phòng khách cũng có đủ mọi tờ để mọi người trong gia đình, khách đến nhà cùng thưởng thức. Cùng với mục đích có một tờ báo xuân đặc sắc, GS Nguyễn Lân Dũng mong các tờ báo thay đổi nội dung ấn phẩm báo Tết, tránh có quá nhiều trang quảng cáo mà thực tế người xem đâu có quan tâm.

Giữ gìn nề nếp truyền thống

Năm hết Tết đến, người Việt ta thường nhớ về tổ tiên. Đại gia đình cố GS Nguyễn Lân cũng vậy.

“Trước Tết, đại gia đình chúng tôi đi tảo mộ các cụ đôi bên nội, ngoại. Đêm giao thừa, thường thì gia đình con trai tôi sau khi đi giao thừa sẽ về xông nhà cho chúng tôi. Điều đó thể hiện cho niềm vui và cầu may mắn và sức khỏe cho cả năm”, GS Nguyễn Lân Dũng tâm sự.

Vào sáng mồng Một, gia đình ông vui xuân bên ngoại (cố GS Nguyễn Văn Huyên) với nghi thức từng người “báo công” trước bàn thờ bố mẹ, ông bà. Sau đó đến tiết mục “lì xì” cho cả nhà. Tất cả mọi người từ già đến trẻ ai đã đi làm hoặc về hưu thì tùy theo thu nhập của mình mà mừng tuổi cho tất cả mọi người. Ai đi học hay công tác tại nước ngoài cũng được chia phần như những người khác. Không khí thật vui vẻ và hứng thú. Sau đó rồng rắn đi thăm mấy nhà họ hàng gần đó như nhà GS Di, GS Tùng...

Trưa mùng Hai, đại gia đình cố GS Nguyễn Lân tập trung về bên nội ở khu tập thể Kim Liên, với hơn 50 con cháu, chắt và ăn chung với nhau một bữa cơm đầu Xuân rồi cùng sang sân trường tiểu học gần đấy để chụp ảnh chung. Vì quá đông người, đại gia đình có lúc phải nhờ thêm gian nhà hàng xóm và mời họ cùng chung vui. Để đỡ nhiêu khê, các gia đình chia ra, mỗi hộ nhận mang một vài thứ đồ đã làm sẵn đến để góp chung. Gia đình ở tại chỗ phụ trách món canh nóng.

Ngày mùng Hai là ngày truyền thống của đại gia đình lớn dòng họ Nguyễn Lân, một dịp để con cháu đứng trước bàn thời tổ tiên, báo cáo về những gì đã làm được trong một năm qua. Không khí trang trọng đó nhắc nhở cháu con phải giữ gìn truyền thống hiếu học của gia đình mà con cháu chủ yếu đã theo nghề làm thầy (thầy giáo và thầy thuốc).

Những người trong đại gia đình nói rằng, tổ chức như vậy sẽ tạo không khí đầm ấm, mà chỉ ngày Tết, ngày giỗ mới có dịp họp mặt thật sự đông đủ. Như thế cũng tránh việc anh em phải đến từng nhà nhau, có khi vất vả đi đường mà không gặp được ai. Ngay cả việc ăn uống, cũng nên tổ chức gọn nhẹ, vui là chính. Sau khi công việc này hoàn tất thì là đến tiết mục “lì xì”. Tiền “lì xì” cho con trẻ theo truyền chỉ là tiền lẻ, không có mệnh giá lớn, với ý nghĩa chúc tiền bạc sẽ sinh sôi và đem lại may mắn cho cả nhà.

Từ mùng ba, trong những năm gần đây gia đình thường tổ chức du xuân ở nước ngoài. Các nước gần Việt Nam như Thái-lan, Trung Quốc, Singapore… là những điểm đến thường được lựa chọn.

GS Nguyễn Lân Dũng nói: “Quanh năm vất vả, để dành được ít kinh phí, chỉ có dịp đó là có cơ hội được cùng con cháu giao lưu, du xuân”.

Gia đình của GS Nguyễn Lân Dũng đã đón mùa xuân vui vẻ. Và hơn thế, niềm vui còn được nhân lên nhiều bởi những thành tích mà các con, cháu ông đạt được. Đó là những món quà mà ông trông đợi nhất.