Xuân Ðiện Biên và chiến sĩ biên phòng

Nhưng mùa xuân này níu gọi tôi lại là một Ðiện Biên khác: Một Ðiện Biên không ở giữa lòng chảo, Ðiện Biên ở phía tây, Ðiện Biên giữa điệp trùng núi non và các chiến sĩ biên phòng. Chẳng mấy chốc mây mù trên bầu trời Nội Bài đã nhanh chóng thay bằng những đám mây bông xếp kề nhau, bằng phẳng dưới cánh máy bay. Năm mươi phút đã đáp xuống sân bay Mường Thanh và chỉ vài cây số là đến Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh. Nhưng đấy là nơi ghé chứ chưa phải là nơi đến, dù mùa xuân nơi đây chẳng vô tình khi cành đào trước Trường mẫu giáo Him Lam như cố níu mắt con người. Vâng, mùa xuân đã về chạm Ðiện Biên phố khi tôi theo xe ô-tô ngược đường phía tây để tìm đến Ðiện Biên rừng.

Chiếc xe U-oát trận mạc quen thuộc với các phóng viên thời chiến hăm hở ngược dốc, xem thường đoạn đường chưa đầy bốn chục cây số đến đồn Tây Trang. Hơn 25 năm trước, năm 1983, lần đầu tôi đến thăm đồn này cùng một số nhà văn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hồi ấy, trong một tối trò chuyện, anh em ở đồn cho biết hổ đã bắt mất bảy con bò của đồn. Có đêm hổ vào tận chuồng, cắn chết bò, vứt xác qua thành chuồng cao hơn hai mét rồi tha vào rừng. Chuyện đó bây giờ nhắc lại giống như chuyện cổ tích, vì đã từ lâu, từ "hổ" đã mất hẳn trong câu chuyện ở Tây Trang. Sau lần thứ nhất đó, cứ dăm, bảy năm tôi lại một lần đến đồn Tây Trang, và mỗi lần đến đều thấy có những thay đổi, nhất là "cơ ngơi" của đồn. Những năm làm phóng viên của Văn nghệ Quân đội, tôi từng đến thăm chừng dăm chục đồn biên phòng và nhận ra rằng, các đồn biên phòng của ta hầu hết có cách xây dựng giống nhau, đó là trên một ngọn đồi được san phẳng, ba dãy nhà tạo thành hình chữ U quay ra phía cổng, đáy chữ U là hội trường, nơi ở và làm việc của Ban chỉ huy, trung tâm sân đồn là cột cờ mà trên đỉnh luôn tung bay lá cờ Tổ quốc. Có những đồn khi khách đi xe lên thăm, mắt đã nhìn thấy lá cờ trên sân đồn, thế mà xe còn chạy vòng vèo mấy giờ nữa mới đến nơi. Ðồn Tây Trang không thế. Hầu như lá cờ xuất hiện cùng một lúc với nhà cửa và sân đồn.

Trung tá, Ðồn phó Lê Bá Long dẫn tôi đi thăm cơ ngơi. Về xây dựng, anh tự hào đồn Tây Trang ở ba điểm: nhà cửa đàng hoàng, sân rộng và vị trí đồn rất đẹp về phong thủy! Ðàng hoàng thì thấy rõ rồi, đáy chữ U là ngôi nhà hai tầng khá đầy đủ tiện nghi như văn phòng cơ quan cấp huyện; hai bên thành chữ U là hai dãy nhà theo kiểu doanh trại quân đội điển hình. Ấn tượng nhất là cái sân rộng quá cỡ, mà nhẩm tính phải xấp xỉ một ha. Còn hợp phong thủy là sao? Ðồn phó Long nói rằng, đó là lời của nhiều khách lên thăm đã nhận xét khi thấy phía trước cổng đồn có hai ngọn núi cao nằm về hai phía tả, hữu như hai trụ cổng thiên nhiên, còn phía sau lại một ngọn núi vững chãi cho đồn tựa lưng vào. Sống với các chiến sĩ biên phòng tôi nhận ra rằng, họ thích nói về thuận lợi của đơn vị mình được hưởng, chứ ít khi nói đến khó khăn. Như khi tôi hỏi về tăng gia cải thiện, Ðồn phó Long nói:

- Mùa rét, mùa khô rau hơi hiếm vì nhiệt độ thấp và thiếu nước tưới, chứ các mùa khác thì rau trồng, ăn không hết, ở đây chẳng biết bán cho ai.

Tôi dạo thăm khu vườn ven suối của đồn thấy nhiều vạt cải sương muối táp cháy lá, nước tưới hiếm hoi phải chắt từng gáo... Thế mà trong bữa ăn, vẫn đầy đĩa là rau cải luộc ngọt lừ, nước chấm hòa bột quả mắc-khén thay ớt, vừa ăn vừa hít hà chống cái rét vùng cao như có mũi kim xuyên thủng áo bông.

Ngày Tết của lính biên phòng thường được tổ chức sớm để một số cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn sống cùng dân, đồng thời cũng để chia tay số anh em về quê nghỉ Tết. Có khi đó còn là bữa liên hoan đón một số vợ của cán bộ nghỉ Tết lên thăm chồng. Nguyễn Ðức Quỳnh kể rằng, Tết năm ngoái, vợ con anh ở Thái Bình lên ăn Tết cùng anh đúng kỳ rét hại, nắm bồ kết mang theo mấy hôm mới có dịp gội đầu. Quỳnh bảo, lính biên phòng và giáo viên vốn có duyên nợ với nhau, nên đã có nhiều "ông đồn" lấy "bà giáo" như anh em vẫn đùa. Tết năm ngoái có đến bốn, năm "bà giáo" lên đồn, mùi bồ kết nướng làm thơm đậm một vùng biên cương. Hai năm nay mùa xuân miền bắc rét đậm, miền núi Ðiện Biên nhiều ngày rét hại, lại đúng vào dịp Tết. Bốn căn phòng "gia binh" cửa sổ buộc chặt, thế mà nửa đêm gió kéo đứt dây buộc, đập rầm rầm, làm cho mấy "bà giáo" bật dậy không biết có chuyện gì xảy ra, hoảng hốt hỏi chồng. Gió, một trong ba "đặc sản" của Tây Trang đấy! "Ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang" đã có tự ngàn xưa rồi mà.

Hai thứ đầu đã biến mất, riêng gió thì vẫn còn vẹn nguyên, có khi tưởng nó có thể bê nguyên cả ngôi nhà đi. "Có cứng mới đứng đầu gió" cũng là thành ngữ. Các chiến sĩ biên phòng ở đây như lim, như nghiến đã quen gió rồi, nên những âm thanh dữ dội do gió gây ra chẳng làm họ trở giấc đêm, không như các "bà giáo" quá ngạc nhiên, sau chuyến thăm chồng trở về trường, gió ở Tây Trang thành "chuyện lạ bốn phương". Ðấy là đồn biên phòng Tây Trang, độ cao 1.100 m đã thế, thì trạm cửa khẩu, bình độ 1.600 m còn gió đến mức nào? Lúc đầu lên thăm trạm cửa khẩu định hỏi chuyện này, thế nhưng khi Trung úy, Trạm trưởng Lê Minh Tú ra bắt tay chào đón vui vẻ, thì sự tươi trẻ của các chiến sĩ ở đây lại dẫn tôi đến một chuyện khác. Trong hội trường trang trí đón Giao thừa của Trạm, Trung úy Tú chỉ cành đào to, cao vừa hé nụ, giới thiệu:

- Cành đào này của các bạn Lào mang sang tặng đấy. Tết bên nước bạn vào giữa tháng Tư Dương lịch, lúc ấy đào đã thành quả cả rồi, hơn nữa, bên bạn không có phong tục cắm hoa đào. Biết anh em bên mình cần một cành đào cắm Tết, trong khi đào bên mình mỗi năm mỗi hiếm, thế là các bạn Lào mang tặng cành đào này.

Tôi đến gần để chiêm ngưỡng "cành đào hữu nghị" và thầm nghĩ ở chợ hoa Hà Nội khó tìm được một cành đào phai nào đẹp thế này. Trạm trưởng Tú cho hay, về lý thuyết, cán bộ Trạm cũng như anh em thay nhau trực và nghỉ Tết, nghĩa là một năm trực Tết ở đơn vị, một năm ăn Tết ở quê, nhưng trên thực tế, anh em vẫn đón Tết ở Trạm nhiều hơn. Tết ở Trạm không "hoành tráng" như Tết ở Ðồn. Tết ở Trạm cửa khẩu là Tết cạnh cột mốc, Tết hữu nghị của anh em Việt - Lào.

- Thế là vào Tết ta, các bạn ở Trạm cửa khẩu bên Lào cũng sang chia vui? Tôi hỏi, và Trạm trưởng Tú sôi nổi trả lời:

- Tết bên ấy, bạn mời mình. Tết bên mình, mình mời bạn. Ăn uống, hát hò, vui lắm. Anh em mình sang ăn Tết, khoái nhất là món cá nướng và cá nấu măng. Ta cũng có cá nướng, cá nấu măng nhưng không có được mùi vị ngon như thế!

- Còn bạn thì khoái món gì bên ta?

- Bánh chưng! Bên Lào rất nhiều nếp, nhưng quen đồ xôi thôi, không nấu bánh chưng. Bạn ăn, khen bánh ngon, hỏi cách thức nấu, không biết về có thực hiện không, vì bạn Lào vốn quen nấu nướng đơn giản...

14 đồn biên phòng của Ðiện Biên đều nằm trên địa bàn dân cư có đời sống kinh tế - văn hóa còn nghèo, hiện có tới hơn 55% số hộ đói nghèo. Ðó là 23 xã biên giới, hầu hết tiếp giáp với nước Lào, gồm 15 dân tộc, bà con người Mông là đông nhất. Nghèo đói thường đi liền các tập tục lạc lậu như di canh, di cư, lén lút tái trồng cây thuốc phiện, tỷ lệ người nghiện ma túy cao... Biên phòng tỉnh đã cử 23 đội tăng cường cho 23 xã biên giới, đồng thời cử nhiều đội công tác đến các làng bản để vận động nhân dân định canh, định cư, phá bỏ cây thuốc phiện, cai nghiện ma túy, nạo vét kênh mương, khắc phục các hậu quả thiên tai. Xin được nêu một vài con số mà bộ đội biên phòng Ðiện Biên đã giúp dân trong năm 2008, do Trung tá Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng ban Vận động quần chúng, cung cấp: 717 ngày công lao động sản xuất và khắc phục thiên tai; tu sửa và làm mới 88 km đường giao thông nông thôn; sửa 7,7  km kênh mương; vận động được 1.010 hộ định canh định cư; khai hoang phục hóa 38,8 ha lúa nước; phá được 4,476 ha trồng cây thuốc phiện; vận động cai nghiện 252 đối tượng...

Hàng trăm chiến sĩ biên phòng thuộc các Ðội Vận động quần chúng và Ðội Tăng cường từ các đồn biên phòng đến với dân, vai mang đủ tư trang, gạo, thịt hộp, cá khô. Khi đến địa bàn thì cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Gạo và thực phẩm góp vào với các gia đình, dân ăn ngô, mình cũng ăn ngô, còn gạo mang theo có khi chỉ dành cho người già, trẻ con và người ốm. "Ðồng cam cộng khổ" với dân, để dân yêu rồi dân tin, mình nói điều hay lẽ phải và làm việc thật sự, bà con mới làm theo. Mùa đông năm 2007, đợt rét hại trên 23 xã đã làm chết gần 1.000 con trâu, bò, ngựa. Năm nay, các chiến sĩ biên phòng đã đến từng hộ vận động dự trữ thức ăn cho gia súc, đồng thời che chắn quanh chuồng ngăn gió lùa, đốt lửa sưởi cho gia súc khi nhiệt độ xuống thấp... Nhờ vậy, mà đợt rét hại năm nay, số gia súc bị chết không đáng kể, đồng bào thấy kết quả cụ thể, càng tin ở các anh hơn.

Sống trong địa bàn nhiều người dân còn nghèo, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Ðiện Biên có những chính sách hết sức cụ thể để "nhường cơm, sẻ áo" giúp dân. Ðể có quỹ ủng hộ người nghèo, mỗi sĩ quan trong một năm tự nguyện đóng góp từ bốn đến sáu ngày lương. Nhờ vậy, có tiền xây dựng giúp dân được 35 ngôi nhà và một trường tiểu học. Tết năm nay nhân dân xã Nà Hì (huyện Mường Nhé) có một niềm vui lớn: Trường tiểu học số 2 Nà Hì vừa được bộ đội biên phòng xây dựng. Hai lớp học rộng rãi không còn lo mưa dột, gió lùa..., lại có cả những bộ bàn ghế gỗ thay cho những bàn ghế làm bằng thân tre đóng chặt xuống nền nhà. Xe biên phòng chở sáu mươi bộ bàn ghế, đi qua hai trăm km từ Mường Lay đến Ðồn biên phòng 413 Nà Hì thì hết đường. Hơn 12 km từ đồn đến trường tiểu học, bộ đội cùng nhân dân khênh vác lội suối, trèo đèo, men theo vách đá dựng..., xong chuyến này đến chuyến khác, ngày nọ tiếp ngày kia, cố sao cho đến sau kỳ nghỉ Tết, mấy chục em học sinh có lớp mới, bàn ghế mới. Bộ đội biên phòng Ðiện Biên giúp dân biết bao việc, mà sao hình ảnh những người lính khênh vác bàn ghế học sinh lội suối, xuyên rừng lại ghi đậm nét trong tôi đến vậy?

Buổi chiều trước khi về Hà Nội, trở lại thành phố Ðiện Biên, tôi lại bắt gặp cành đào trước Trường mẫu giáo Him Lam nở xòe cánh thắm. Leo lên đỉnh đồi D thăm lại tượng đài chiến thắng, gặp khá đông người chụp ảnh, đi bộ và tập thể dục trong không khí thanh bình. Họ là khách du lịch, họ là cư dân thành phố Ðiện Biên. Tôi tự hỏi, không biết những người ấy và nhiều người nữa có biết rằng, ngoài Ðiện Biên này ra, còn có một Ðiện Biên khác đầy khắc nghiệt của chiến sĩ biên phòng?

VƯƠNG TRỌNG