Xử lý ô nhiễm môi trường sông Phú Lộc

Chịu tác động mạnh mẽ bởi quá trình đô thị hóa và tình trạng xả thải trực tiếp ra sông, hơn năm năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường sông Phú Lộc (Đà Nẵng) đã trở thành vấn đề “nóng”, gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân. Các ngành chức năng thành phố đã vào cuộc để xử lý nhưng vẫn loay hoay chưa có lời giải cuối cùng.

Bờ kè cửa sông Phú Lộc đang được gia cố.
Bờ kè cửa sông Phú Lộc đang được gia cố.

Sông Phú Lộc bắt nguồn từ thôn Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), chảy qua phường Hòa Minh đổ ra vịnh Đà Nẵng thuộc quận Thanh Khê. Trên thực tế, đây là dòng sông tiếp nhận nước thải của các hệ thống kênh nhánh đổ vào B12, B18, B24, khu vực Yên Thế - Bắc Sơn, mương Khe Cạn. Tuy nhiên, phần lớn các kênh mương này chưa có hệ thống thu gom nên lượng nước thải vẫn được xả trực tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Ngoài ra, nước thải rỉ ra từ bãi rác Khánh Sơn, nước của các cơ sở sản xuất, trung tâm y tế trên địa bàn quận Thanh Khê cũng ảnh hưởng đến môi trường sông Phú Lộc. Ước tính, mỗi ngày có khoảng năm nghìn m3 nước thải ô nhiễm từ nhiều nguồn đổ ra sông.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm trên, cuối năm 2009, Đà Nẵng triển khai công trình cải tạo môi trường sông Phú Lộc, với tổng vốn đầu tư 110 tỷ đồng và 301.500 đô-la Mỹ từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới cộng với vốn đối ứng địa phương. Theo đó, sông Phú Lộc đã được nạo vét dòng, khơi thông và gia cố bờ kè hai bên sông, mở đường giao thông ven bờ; thu gom nước thải, thoát nước; thi công hệ thống chiếu sáng và xây dựng cảnh quan. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn không được cải thiện là bao. Có nhiều thời điểm, sông ô nhiễm nặng, đen ngòm, người dân thì kêu cứu, còn cá dưới sông thì chết trắng bãi bờ. Vì quá bức xúc, không thể chịu nổi mức độ ô nhiễm nặng nề, đầu tháng 5-2015, người dân tại các tổ dân phố 105, 108, 109, 110, phường Thanh Khê Tây tự ý đổ đá, đất, xi-măng để chuẩn bị bịt miệng cống không cho nước thải của Trạm xử lý nước thải đổ ra cửa sông Phú Lộc vì mùi quá hôi thối. Chính quyền địa phương và các ngành liên quan lại tức tốc họp nóng với dân để giải thích và lại “hứa”. Sau đó chừng vài ngày, do ô nhiễm nặng mà hàng tấn cá chết trắng nổi đầy sông Phú Lộc.

Nhiều người dân sống ven sông Phú Lộc rất bức xúc vì đang phải sống chung với mùi hôi thối. Ông Nguyễn Văn Thảo (tổ 25, phường Thanh Khê Tây) cho biết, cửa sông Phú Lộc là nơi ngư dân neo đậu thuyền thúng, ghe nhỏ. Tuy nhiên, do nước sông quá ô nhiễm nên mỗi khi lội ra đẩy thuyền, nhiều ngư dân bị nổi mụn đầy người. Bên cạnh đó, còn nhiều hộ gia đình không chịu nổi mùi hôi đã bán nhà đi nơi khác. Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP Đà Nẵng Mai Mã cho rằng: Cửa sông Phú Lộc tiếp giáp với vịnh Đà Nẵng là nguồn tiếp nhận lượng nước thải sau xử lý của Trạm xử lý nước thải Phú Lộc. Tuy nhiên, công nghệ Trạm xử lý nước thải Phú Lộc đang áp dụng hiện nay là công nghệ xử lý sinh học kỵ khí, chi phí vận hành thấp nên nước thải sau khi xả ra môi trường vẫn còn mùi hôi. Mức độ ô nhiễm tại hạ lưu sông Phú Lộc là rất lớn.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, UBND thành phố Đà Nẵng vừa có quyết định phê duyệt dự án Cải tạo môi trường kênh thoát nước sông Phú Lộc trên địa bàn quận Thanh Khê với tổng mức đầu tư gần 126 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian hai năm (2015-2016). Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông công chính điều hành. Theo đó, Dự án sẽ triển khai đóng 142 chiếc cọc nhồi xuống đáy và xây dựng sàn bê-tông cốt thép trên mặt kênh Phú Lộc. Phủ xanh cây bóng mát và cây bụi trên diện tích 3.768 m2, tạo sân thể thao, sân chơi trẻ em, bãi đỗ xe, sân bãi, đường dạo… Bố trí đèn chiếu sáng trang trí cho sàn cảnh quan dọc theo các đường dạo và chiếu sáng dưới sàn.

Tuy nhiên, chiều 31-7, tại cuộc họp đánh giá tác động môi trường của dự án “Cải tạo môi trường kênh thoát nước sông Phú Lộc”, do Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng tổ chức, dự án gặp nhiều ý kiến không tán thành vì “không thể đổ sàn bê-tông làm nắp đậy mặt sông”. Mặt khác, sông Phú Lộc nhưng trong dự án lại gọi là kênh là không hợp lý. Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cho rằng, không thể làm một công trình đổ bê-tông đắp mặt sông lại được. Vì như vậy sẽ thu hẹp diện tích tiếp xúc ánh nắng mặt trời của dòng nước, quá trình hiếu khí bị suy giảm nên sinh ra mùi hôi thối. Phân tích kỹ về vai trò của dòng sông, ông Nguyễn Văn Chung công tác tại Liên hiệp các Hội KHKT TP Đà Nẵng cho rằng, dự án nên tập trung làm sạch dòng sông Phú Lộc và giữ nguyên mặt nước hiện có chứ không đổ sàn bê-tông cốt thép để hình thành công viên, vườn hoa và sân chơi trẻ em ở đoạn cuối dòng sông.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng Nguyễn Điểu, không thể nói đơn giản chóng vánh để xử lý được ngay ô nhiễm sông Phú Lộc. Dự án chưa hợp lý thì cần tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp để trình lãnh đạo thành phố xem xét lại. Theo quan sát của phóng viên hiện tại cửa sông Phú Lộc, các đơn vị thi công đang triển khai làm đê chắn sóng, ngăn cát phía ngoài vịnh, còn bên trong, đơn vị thi công đang tiến hành đóng cọc gia cố bờ kè. Nhiều người dân vẫn bơi thuyền thúng từ biển vào sau một đêm đi biển. Nước sông đen ngòm, bèo nổi váng mặt sông. Trong khi chờ chính quyền thành phố đưa ra phương án cuối cùng để “hồi sinh" sông Phú Lộc, thì hiện nay, mỗi ngày, người dân vẫn phải sống và đối mặt với dòng sông đen, không khí ô nhiễm nghiêm trọng.