Theo đại diện Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quảng Nam, khối lượng rác thải trong đợt bão số 4 ở 10 huyện, thị xã và thành phố Tam Kỳ khoảng 27.000m3. Những vùng bị ngập lụt, môi trường bị ô nhiễm nặng do rác thải, cây cối hoa màu chết bị ngâm trong nước lâu ngày, xác chết của một số loài động vật, gia súc, gia cầm, bãi thu gom, tập kết xử lý chất thải rắn… bị cuốn chung vào nguồn nước.
Trong khi đó, các công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải bị phá hủy làm cho rác và nước thải tồn đọng từ hệ thống chuồng trại chăn nuôi tràn trực tiếp ra môi trường. Tại thành phố Đà Nẵng, với lượng mưa hơn 500mm liên tục trong 6 giờ, đã hứng chịu ngập lụt sâu trên diện rộng. Đến sáng 15/10, thành phố bắt đầu giảm mưa sau một ngày hứng chịu mưa lớn dồn dập.
Nước trên nhiều tuyến phố bắt đầu rút dần, nhưng hậu quả của trận ngập lụt là vô cùng lớn. Khắp các tuyến phố tràn ngập rác thải, bùn non. Việc khắc phục hậu quả và bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định đời sống nhân dân được tiến hành khẩn trương. Ông Nguyễn Hoàng Dương, ở khu dân cư thuộc phường Hòa Khánh Nam cho biết: "Nhận thức rõ về tình trạng ô nhiễm môi trường sau mưa lũ, nên ngay sau khi lũ rút, khu phố đã vận động bà con nhân dân dọn dẹp vệ sinh bùn đất và kiểm kê vật dụng ngập nước để có hướng sửa chữa, ổn định cuộc sống".
Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội-Chi nhánh Miền Trung (Urenco 15) đã huy động toàn bộ nhân lực, phương tiện gồm gần 300 công nhân cùng hơn 50 phương tiện xe máy thiết bị (xe tải, máy xúc, xe cuốn ép, xe rửa đường...) tập trung tổng vệ sinh trên địa bàn được giao quản lý, nhất là tại quận Liên Chiểu, nơi phải gánh chịu hậu quả nặng nề như: Tuyến đường Mẹ Suốt, khu vực dân cư đường Hoàng Văn Thái, Phạm Như Xương, khu dân cư đường Tôn Đức Thắng... thuộc phường Hòa Khánh Nam; tuyến đường Âu Cơ, khu dân cư đường Âu Cơ, khu công nghiệp Hòa Khánh... thuộc phường Hòa Khánh Bắc; tuyến đường Tôn Đức Thắng, khu dân cư đường Tô Hiệu, Hoàng Thị Loan... thuộc phường Hòa Minh. Urenco 15 tập trung thu gom, vận chuyển hết bùn đất, rác, đất thải, phế thải cồng kềnh phát sinh sau mưa bão trên các tuyến phố, với khối lượng thực hiện bình quân hơn 400 tấn/ngày; phun nước sạch rửa đường, hè phố sau khi đã được tổng vệ sinh sạch sẽ; sẵn sàng huy động nhân lực, vật lực tăng cường phục vụ các yêu cầu đột xuất, phát sinh khi có yêu cầu của thành phố.
Trong thời gian cao điểm khắc phục hậu quả sau mưa bão, Urenco 15 đã thực hiện chế độ điều hành sản xuất 24/24 giờ, từ lãnh đạo đến các tổ sản xuất thực hiện chế độ điện thoại 24/24 giờ, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt; thiết lập chế độ báo cáo liên tục 2 giờ/lần về Trung tâm điều hành sản xuất công ty tại Hà Nội để thông tin, báo cáo, có biện pháp chỉ đạo kịp thời để sớm bảo đảm ổn định đời sống và các hoạt động của người dân ở thành phố Đà Nẵng.
Thực tế cho thấy, không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, sau lũ người dân còn phải đối mặt ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Nguyên nhân là do khi bão, lụt xảy ra trên diện rộng, các mầm bệnh dễ lây lan theo nguồn nước...
Ngoài ra, do quá mệt mỏi trong thời gian bão lụt, khiến sức đề kháng của con người giảm, là điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản của các vật chủ và trung gian truyền bệnh, khiến cho các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, thương hàn... rất dễ lây lan ở cộng đồng. Trong khi ở vùng bão lũ, các dịch vụ vệ sinh sẵn có nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Tổng cục Môi trường đã có Công văn gửi sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố khu vực miền trung yêu cầu rà soát, đánh giá và dự báo các khu vực trên địa bàn có nguy cơ xảy ra sự cố do ảnh hưởng của thiên tai; lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục ô nhiễm môi trường theo các kịch bản trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra; hướng dẫn triển khai các biện pháp thu gom rác thải, bùn đất bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm như: Các bãi chôn lấp rác thải; các kho hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; khu vực bệnh viện, trạm xá, khu dân cư tập trung... Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước tại các khu vực dân cư như: Xử lý các nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt; xử lý rác thải; phân gia súc, gia cầm, xác súc vật bị chết... nhất là thực hiện ngay vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh nguồn nước, môi trường tại các hộ gia đình và các khu vực cộng đồng dân cư. Tại những nơi bị ảnh hưởng của bão lụt, "nước rút đến đâu làm vệ sinh tới đó".