Bài 1: Chiêu trò biến xe hợp đồng thành xe khách trá hình
Tình trạng xe hợp đồng chạy vòng vo đón, trả khách, rồi chạy theo một tuyến cố định đang bùng phát mạnh tại các địa phương. Các nhà xe với nhiều chiêu trò tinh vi, cạnh tranh không lành mạnh, đã hình thành những “xe dù, bến cóc”, gây cản trở giao thông và bức xúc dư luận.
Ngang nhiên “đội lốt” tuyến cố định
Sau một hồi vòng vo tùy tiện đón rước khách, chiếc xe Ford loại 16 chỗ ngồi mang phù hiệu xe hợp đồng, biển kiểm soát 29B-137.33, quay lại số 5 phố Nguyễn Văn Tố, phường Cửa Đông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) “vợt” thêm một khách nữa rồi mới phóng đi Lạng Sơn. Vừa qua cầu Chương Dương, tôi thấy lái xe tên Cường rút một tấm biển đề chữ mầu đỏ “Hà Nội - Lạng Sơn” ốp vào kính phía trước tay lái. Đây là một thủ đoạn giúp xe hợp đồng 29B-137.33 trà trộn, “đội lốt” xe khách tuyến cố định, nhằm “vợt, bắt” khách, kiếm lời trên đường thuận lợi hơn. Khi xe chuẩn bị qua trạm cảnh sát giao thông. Lái xe vội vàng cất luôn tấm biển để không bị bắt lỗi là xe khách trá hình, hay còn gọi là “xe dù”.
Nhằm xác định rõ hơn hành vi “đội lốt” nêu trên của xe 29B-137.33, khi trả tiền vé đi Lạng Sơn có mức giá 100.000 đồng như lái xe thông báo, tôi yêu cầu lái xe xuất vé. Không đắn đo, lái xe 29B-137.33 đưa cho tôi hai tấm vé ghi rõ hành trình Mỹ Đình - Tân Thanh, giá vé 130.000 đồng/lượt. Hành vi này trái với quy định tại Điều 7, Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 10-9-2014, quy định rõ: “… Xe hợp đồng không được bán vé, không xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức; lái xe hợp đồng bắt buộc phải mang theo bản chính, hoặc bản sao hợp đồng vận tải, kèm danh sách họ, tên, số điện thoại của hành khách, có xác nhận của đơn vị vận tải (trừ xe phục vụ đám cưới, đám tang)...”.
Ngoài ra, việc lái xe trực tiếp thu giá vé tuyến Hà Nội - Lạng Sơn 100.000 đồng/lượt/khách không trùng khớp với giá ghi trên vé giấy đưa cho hành khách, cho nên có thể khẳng định đây là loại xe không có hợp đồng vận chuyển hành khách, không có danh sách hành khách. Nói đúng nghĩa, đó là xe khách trá hình, “xe dù”...
Với thủ đoạn nêu trên, tại tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi còn phát hiện nhiều xe 16 chỗ mang phù hiệu hợp đồng khác núp bóng xe khách tuyến cố định, như các xe mang biển kiểm soát: 30S-6036, 29B-03995… chạy tuyến Hữu Nghị Quan - Tân Thanh - Lạng Sơn - Mỹ Đình và ngược lại.
Theo ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh hiện có 220 xe vận chuyển hành khách theo hình thức hợp đồng thường xuyên hoạt động. Lạng Sơn có hơn 50 xe, số xe hợp đồng còn lại phần lớn mang biển số Hà Nội và một số tỉnh. Loại xe này thường “núp”, đỗ tại các điểm du lịch, bãi xe. Khi vắng bóng lực lượng tuần tra, kiểm soát là vòng vo bắt khách vô tội vạ ở chợ Tân Thanh, chợ đêm Kỳ Lừa, ngã tư Mỹ Sơn, thị trấn Đồng Đăng, cửa khẩu Tân Thanh, quốc lộ 1A và nhiều tuyến đường khác, gây mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Ngọc Thiều cho biết: Tháng 8-2016, lực lượng thanh tra Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn xử lý 182 trường hợp xe khách vi phạm, trong đó có nhiều xe hợp đồng bị tước phù hiệu vì không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, không gửi báo cáo trước khi thực hiện hợp đồng, xe hợp đồng “đội lốt” xe khách tuyến cố định kiếm lời.
Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn, Nghiêm Xuân Hải thừa nhận: Xe hợp đồng trá hình xe khách tuyến cố định hoạt động tại Lạng Sơn diễn biến rất phức tạp. Sở đã có văn bản gửi Sở GTVT một số tỉnh đề nghị phối hợp chấn chỉnh hoạt động của xe hợp đồng nhằm hạn chế xe vi phạm trước khi tới Lạng Sơn. Hiện tại, loại xe khách trá hình này vẫn có biểu hiện gia tăng, khó quản lý.
Xác minh tại một số địa phương khác, trên một số tuyến đường bộ, chúng tôi thấy rõ hơn xe hợp đồng biến tướng thành xe khách chạy tuyến cố định ngày càng nhiều, thủ đoạn tinh vi hơn. Các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh đua nhau đầu tư mua xe Ford loại 16 chỗ ngồi, đề chữ Limousine. Sau đó, họ thay đổi thiết kế nội thất, chuyển từ 16 ghế xuống chín ghế, trong đó, có bốn ghế thiết kế kiểu salon cho đúng nghĩa Limousine là chiếc xe hơi to sang trọng.
Chiêu thức làm giảm số ghế hành khách hỗ trợ cho một số đơn vị không cần cung cấp thông tin cho ngành chức năng biết về hành trình, địa điểm đón trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng, số lượng hành khách xe hợp đồng. Lý do đơn giản là vì Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 10-9-2014, chỉ quy định loại xe ô-tô có tải trọng thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải mới phải thông báo các thông tin nêu trên tới Sở GTVT, nơi cấp giấy phép kinh doanh. Cách lách luật như vậy, kèm thêm thủ đoạn thiết lập hợp đồng vận chuyển, lập danh sách hành khách qua tổng đài… tạo cơ hội cho một số đơn vị, hộ kinh doanh xe hợp đồng vụ lợi khi tổ chức vận tải hành khách theo một tuyến cố định.
Thậm chí, có đơn vị quy định rõ tần suất xe, điểm đón khách (bến đi), điểm trả khách (bến đến), tổ chức bán vé, giống như xe khách tuyến cố định, mà vẫn “qua mặt” ngành chức năng dễ dàng. Thí dụ, Công ty TNHH X.E Việt Nam tổ chức cho các xe hợp đồng mang biển kiểm soát 29B-60075, 20B-01272 chạy tuyến Hà Nội - Ninh Bình và ngược lại; giá vé là 130.000 đồng được quy định trả trực tiếp cho lái xe. So vé xe khách tuyến cố định Hà Nội - Ninh Bình là 70.000 đồng/khách, thì xe hợp đồng của đơn vị này “móc túi” hành khách được 60.000 đồng/khách.
Một đơn vị khác quảng cáo “Thương hiệu mới của người Thành Nam”, là Công ty TNHH vận tải hành khách Long Giang (Nam Định), cũng có biểu hiện hoạt động vận tải hành khách chuyên tuyến Nam Định - Hà Nội và ngược lại, bằng xe Ford Limousine. Giá vé tuyến Nam Định - Hà Nội là 100.000 đồng/khách; tại Hà Nội, xe hợp đồng của đơn vị này đón khách trong nội thành có bán kính 10 km, đón khách tại các bệnh viện, chợ Đồng Xuân… Trên tuyến đường bộ Hà Nội - Lào Cai, nhiều xe hợp đồng cũng biến tướng chạy tuyến cố định. Các xe dạng này sử dụng chiêu bắt khách dọc đường, sau đó lấy họ, tên khách rồi điền vào danh sách khách vận chuyển theo hợp đồng đã lập sẵn, hoặc ghi khống họ, tên vào danh sách hành khách để dễ đối phó với cảnh sát giao thông…
Nhức nhối tại các “bến cóc”
Khu vực đầu ngõ 553 đường Giải Phóng, phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội), hiện nay biến thành “bến cóc” của các xe hợp đồng có các biển kiểm soát: 36B-02211, 36B-02275, 36B-02236, 36B-02200, 36B-0223, 36B-02277… Từ sáng sớm đến tối, khu vực này luôn được các lái xe hợp đồng tận dụng từng mét vỉa hè, lề đường làm nơi dừng, đỗ, đón, trả khách, mặc dù phương tiện tham gia giao thông rất đông. Số xe nêu trên thuộc đơn vị du lịch lữ hành Vĩnh Quang (Thanh Hóa). Do có văn phòng đại điện tại 571 đường Giải Phóng, gần ngõ 553 Giải Phóng, cho nên họ lấy luôn ngõ này làm “bến cóc”, đón rước khách Hà Nội đi Thanh Hóa - Sầm Sơn và ngược lại, đúng như hành trình xe khách tuyến cố định, mà không thấy các cơ quan chức năng TP Hà Nội vào cuộc xử lý.
Cách đó không xa, cùng trên tuyến đường Giải Phóng là “bến cóc” của các xe trung chuyển biển số 30A-58629, 29B-13720 thuộc nhà xe Hà Sơn - Hải Vân và một số nhà xe khác như: Sao Việt, Công ty TNHH vận tải hành khách Long Giang. Tại khu vực ngõ 15 Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) và tuyến đường dẫn bên hông siêu thị Big C Thăng Long (Cầu Giấy) cùng một số điểm gần khu vực Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội)… đã trở thành “lãnh địa” đón, trả khách tùy tiện của Công ty TNHH X.E Việt Nam.
Nhà xe Dòng Hiền chạy tuyến Hà Nội - Quảng Bình - Quảng Trị lại chọn điểm đối diện với số nhà 242, đường mới, khu đô thị Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) làm “bến cóc”... Đây là những “bến cóc” mới bùng phát theo xe hợp đồng, xe du lịch biến tướng, đội lốt xe khách tuyến cố định ở TP Hà Nội. Chưa kể nhiều xe hợp đồng trá hình mang biển kiểm soát các tỉnh Nam Định, Nghệ An, Thái Bình... ngang nhiên đón trả khách, gây cản trở giao thông trên tuyến đường Phạm Hùng, trước cổng bến xe Mỹ Đình; hoặc “tụt tạt” qua các “bến cóc” trên đường Hàm Nghi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) để bắt khách.
Theo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), tại TP Hồ Chí Minh, đến nay còn 27 điểm được coi là “bến cóc”, mặc dù ngành chức năng của thành phố liên tục tổ chức rà soát hoạt động vận tải hành khách, lắp đặt hệ thống biển báo cấm dừng, cấm đỗ, chấn chỉnh “xe dù, bến cóc”. Trước đó, tháng 3-2016, TP Hồ Chí Minh có 103 điểm phát sinh “bến cóc”, trong đó có 82 điểm tổ chức bán vé trái quy định, với hàng trăm lượt xe khách cạnh tranh không lành mạnh, vòng vo đón, bắt khách, ảnh hưởng tới an ninh trật tự ở một số khu vực nội thành...
Thủ đoạn lập “bến cóc” của một số doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, xe du lịch thường là: Lợi dụng văn phòng đại diện, chi nhánh, đại lý để đỗ, dừng xe, tổ chức bán vé, đưa đón hành khách có quy mô, mà không chấp hành các quy định kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; không tuân thủ quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; hoặc lợi dụng sự bao che của chính quyền một số xã, phường để tận dụng các bãi đất thuê, các cây xăng, điểm đậu, đỗ xe ngày chẵn, ngày lẻ phía trước các khu du lịch, trên trục quốc lộ, trong một số khu dân cư, rồi tập kết đón, rước khách bằng xe trung chuyển; hoặc sử dụng đội ngũ xe ta-xi, xe ôm, làm “cò”, tạo nên cảnh bát nháo rất khó kiểm soát, gây bức xúc dư luận.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh khẳng định: Xe khách trá hình, “xe dù, bến cóc” thật sự là vấn nạn trong kinh doanh vận tải hành khách, nhất là trong lúc Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đang quyết liệt chỉ đạo “siết chặt kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện ô-tô”. Từ những việc nêu trên, qua thông tin bạn đọc phản ánh tới cơ quan báo chí, chúng tôi còn thấy vấn nạn này không chỉ bùng phát tại các đô thị lớn, mà còn xảy ra tại nhiều địa phương khác như Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Lào Cai... Xe khách trá hình, “xe dù, bến cóc” ngang nhiên hoạt động, gây nhiều bức xúc vì sự cạnh tranh không lành mạnh rất cần được các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý.
(Còn nữa)