Xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu

Thời gian gần đây, tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên liên tiếp xảy ra tình trạng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu treo bảng hết xăng dầu, tạm dừng bán hàng đột ngột dẫn đến nguồn cung khan hiếm, thiếu hụt cục bộ khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.

Đoàn công tác liên ngành của tỉnh Đắk Nông kiểm tra thực tế tại cửa hàng xăng dầu tạm dừng hoạt động trên địa bàn.
Đoàn công tác liên ngành của tỉnh Đắk Nông kiểm tra thực tế tại cửa hàng xăng dầu tạm dừng hoạt động trên địa bàn.

Đây là thời điểm mùa khô, nông dân Tây Nguyên đang tập trung tưới nước cho hàng trăm nghìn héc-ta cây công nghiệp và cây ăn quả. Tình trạng thiếu nhiên liệu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng nông sản.

Thiếu cung cục bộ

Công ty TNHH một thành viên xăng dầu Quyết Độ có 13 cửa hàng bán lẻ trong hệ thống thuộc hai huyện Krông Nô và Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông), mỗi ngày bán ra thị trường khoảng 23 m3 xăng dầu. Tuy nhiên, khoảng hơn một tháng nay do thiếu hụt nguồn cung từ các doanh nghiệp đầu mối nên nhiều cửa hàng trong hệ thống buộc phải tạm đóng cửa từ trước Tết Nguyên đán, hoặc bán cầm chừng. Ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc công ty cho biết, công ty chấp nhận bù lỗ trực tiếp chiết khấu âm 160 đồng/1 lít xăng dầu do giá bán ra thấp hơn giá nhập vào, nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay có tiền cũng không mua được xăng dầu. Các xe vận chuyển của công ty đã nằm chờ hơn 3 ngày tại một doanh nghiệp đầu mối ở tỉnh Bình Dương nhưng vẫn chưa thể mua được hàng. Trong khi đó tại Đắk Nông, người dân, doanh nghiệp liên tục điện thoại đề nghị công ty cung cấp xăng dầu để kịp tưới nước cho cây trồng.

Tương tự, Công ty TNHH xăng dầu Đạt Thành có 4 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các huyện Đắk Glong, Đắk R’Lấp và thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), bán ra thị trường một tháng khoảng 200 m3. Gần hai tháng nay, do nguồn xăng dầu nhập vào thường xuyên bị thiếu hụt, giá xăng nhập vào phải chiết khấu âm 250 đồng/1 lít khiến doanh nghiệp thua lỗ, một số cửa hàng phải tạm dừng bán do không nhập được hàng. Ông Lương Tiến Nhẫn, Giám đốc công ty cho biết, gần hai tháng nay, công ty đã phải bù lỗ trực tiếp do chiết khấu âm khoảng 1 tỷ đồng. Mặc dù lỗ nhưng công ty vẫn nhập hàng nhằm bảo đảm nhu cầu cho người tiêu dùng, nhất là nông dân phục vụ nhu cầu tưới nước trong mùa khô, nhưng không thể mua được hàng.

Ông Nguyễn Văn Tám ở thôn Quyết Thắng, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, hiện nay gia đình đang tập trung tưới nước đợt 2 cho 1,5 ha cà-phê. Tuy nhiên, cùng với việc giá xăng dầu liên tục tăng cao, những ngày gần đây nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn còn ngừng bán hàng. Theo ông Tám, đối với cây cà-phê từ nay đến hết mùa khô còn phải tưới nước thêm 3 đến 4 đợt nữa. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, khan hiếm, không mua được để bơm nước tưới thì không chỉ cà-phê bị ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng mà các loại cây trồng khác cũng có nguy cơ thất bát...

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng các tỉnh Tây Nguyên, việc thiếu hụt nguồn cung chỉ diễn ra cục bộ, nhất là với khối doanh nghiệp thương mại và cửa hàng bán lẻ, còn đối với khối doanh nghiệp quốc doanh, quân đội thì nguồn cung xăng dầu vẫn bảo đảm. Đến thời điểm này, tại hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, hoạt động kinh doanh xăng dầu vẫn diễn ra ổn định; chưa phát hiện tình trạng khan hiếm, găm hàng chờ tăng giá. Các cơ quan chức năng cũng chưa ghi nhận đại lý, cửa hàng trên địa bàn các tỉnh trên thông báo đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. 

Chúng tôi có mặt tại Cửa hàng xăng dầu của Công ty cổ phần Vận tải Gia Lai, phường Phù Đổng (thành phố Pleiku) vào chiều 10/2. Lượng khách đến đây đổ xăng, tiếp dầu vẫn diễn ra bình thường. Ông Vũ Phước Hải, Cửa hàng trưởng cho biết, không có tình trạng chen lấn, mua bán do những thông tin trái chiều trong những ngày qua. Trước, trong và sau Tết do nhu cầu đi lại của người dân nhiều nên doanh số bán hàng tăng cao, hoạt động kinh doanh thông suốt. Trong những ngày tới, cửa hàng cam kết bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng, không để xảy ra tình trạng khan hàng, găm hàng hoặc tạm ngừng hoạt động.

Tại tỉnh Đắk Lắk, chỉ có 19/457 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thiếu hụt nguồn cung tạm dừng bán hàng, các doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh còn lại vẫn hoạt động bình thường. Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) chiếm tỷ trọng khoảng 55% tổng sản lượng tiêu thụ trên địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, với 127 cửa hàng bán lẻ trực thuộc và nhượng quyền. Trung bình một tháng cung ứng ra thị trường 21.500 m3 xăng dầu. Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên Nguyễn Thái Bình cho biết, vừa qua nhu cầu mua xăng dầu tăng 50%, trong những tháng cao điểm mùa khô ở Tây Nguyên hiện nay tăng khoảng 25%. Có thời điểm mỗi lít xăng, dầu bán ra lỗ 1.000 đồng, nhưng công ty vẫn bảo đảm nguồn cung và chỉ đạo các cửa hàng bán lẻ, các cửa hàng nhượng quyền duy trì hoạt động, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng trên địa bàn.

Tăng cường kiểm soát 

Theo thống kê, đến hết ngày 10/2, tại một số tỉnh Tây Nguyên như Đắk Nông, Đắk Lắk và Lâm Đồng đã có 39/1.052 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm dừng bán hàng. Cơ quan chức năng các tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát thị trường để kịp thời chấn chỉnh và xử lý trường hợp, nếu vi phạm.

Cụ thể, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông đã tiến hành kiểm tra, làm việc và đo tồn kho thực tế tại các cửa hàng tạm ngưng. Ghi nhận đến 15 giờ ngày 10/2, đã có 7 trong số 16 cửa hàng xăng dầu ngưng hoạt động kinh doanh ngày 9/2 đã hoạt động trở lại. Còn lại 8 cửa hàng ngưng bán do không có hàng để bán. Một số cửa hàng vẫn hoạt động nhưng có nhiều nơi thiếu xăng, có nơi thiếu dầu, có nơi bán cầm chừng. Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Đắk Nông Võ Công Tuấn cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa phát hiện các doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu trên địa bàn găm hàng chờ tăng giá trục lợi; việc một số cửa hàng tạm dừng đột ngột là vì hết hàng; nguyên nhân do các thương nhân phân phối không cung cấp hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ. Cũng theo ông Tuấn, việc thiếu hụt nguồn cung chỉ xảy ra đối với các doanh nghiệp và cửa hàng ngoài quốc doanh, còn khối doanh nghiệp quốc doanh vẫn hoạt động bình thường. 

Tại Đắk Lắk, qua kiểm tra 19 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa có 16 cửa hàng do hết hàng, 3 cửa hàng nghỉ bán do nhân viên bị bệnh, chủ cửa hàng là F1 và 1 cửa hàng do hư cần bơm. Những cửa hàng đang hoạt động, cơ bản thực hiện tốt quy định của Nhà nước về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, theo chủ các doanh nghiệp, họ đang phải bán cầm chừng, mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường bị lỗ trực tiếp do chênh lệch giá so với nhập vào từ 1.000-1.500 đồng. Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Ngọc Dương cho biết, ngay từ những ngày cuối tháng 1/2022, Sở đã nhận được thông tin của một số đơn vị về tình hình thiếu hụt nguồn cung tại các cửa hàng bán lẻ. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp kinh doanh hiện đang phải bù lỗ giá bán dẫn đến một số cửa hàng tạm thời đóng cửa. Mặt khác, do giá xăng dầu nhập vào cao hơn giá bán ra thị trường, càng bán càng lỗ và đang khan hiếm nguồn cung, các thương nhân phân phối không mua được hàng từ các doanh nghiệp đầu mối nên xảy ra khan hiếm xăng dầu cục bộ.

Đối với 12 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm dừng hoạt động tại Lâm Đồng, lực lượng chức năng của tỉnh đã thành lập đoàn và đang tiến hành kiểm tra, rà soát, nắm tình hình chung đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu và các đầu mối cung ứng theo chỉ đạo của Bộ Công thương và tỉnh Lâm Đồng. Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng Hoàng Trọng Hiền cho biết, việc 12 cửa hàng xăng dầu đóng cửa có thể do hết hàng, thiếu nguồn cung; hoặc càng bán càng lỗ, do giá đầu vào bằng giá bán, không có chiết khấu, lỗ chi phí vận hành. Còn việc có hay không tình trạng “găm hàng” chờ điều chỉnh giá thì khó có thể xảy ra, vì lượng hàng trữ tại cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không đáng kể. Nếu bị phát hiện đóng cửa trái quy định, mức xử phạt cao gấp nhiều lần lợi nhuận. Tuy nhiên cũng theo ông Hiền, đây mới chỉ là nhận định ban đầu, sau khi kiểm tra thực tế, nếu việc đóng cửa hàng trái quy định, sẽ xử lý nghiêm. Ngày 10/2, Cục Quản lý thị trường Lâm Đồng đã phát hiện một cửa hàng xăng dầu tại huyện Lâm Hà tự nâng giá bán và ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng...

Để hoạt động kinh doanh xăng dầu sớm bình ổn trở lại, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng các tỉnh Tây Nguyên trong việc tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu, các bộ, ngành trung ương cần sớm có chỉ đạo đồng bộ, kịp thời, nhằm bảo đảm điều phối nguồn cung từ các doanh nghiệp đầu mối, tránh tình trạng thiếu hụt như hiện nay.