Không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, các thanh thiếu niên này còn sẵn sàng đe dọa người đi đường, nếu không vừa ý. Thời điểm các đối tượng này tụ tập, gây rối thường khoảng sau 23 giờ hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau, nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần và dịp diễn ra các trận bóng đá có đội tuyển Việt Nam thi đấu...
Trong sân đá bóng, ngoài sân “tổ lái”
Vừa qua, khi hiệp 2 trận đấu giữa đội tuyển bóng đá Việt Nam và Ma-lai-xi-a đang diễn ra thì ngoài Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, một số thanh niên cầm cờ, đeo băng-rôn, quấn cờ vào người,… thi nhau chạy xe máy tốc độ cao, lạng lách, nẹt pô gây náo loạn cả tuyến đường Lê Quang Đạo. Còn tại khu vực trước sân vận động luôn có khoảng 10 đối tượng xăm trổ đầy mình, thi nhau “bốc đầu” xe máy (đi một bánh), “đá lửa” (gạt chân chống xuống đường)... Đầu tiên chỉ một đến hai người biểu diễn “chim mồi”.
Sau đó khoảng 5 đến 10 người khác liên tiếp thực hiện các động tác nguy hiểm này. Một số người tham gia giao thông phải dừng lại, đỗ sát vào lề đường để tránh. Chị Lê Thị Hồng, ở đường Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), chia sẻ: “Mỗi khi đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam thi đấu ở đây thì xuất hiện rất nhiều thanh niên ngổ ngáo, chạy xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng,… với lý do cổ vũ đội tuyển. Một số người cao tuổi ở đây từng nhắc nhở các thanh niên này nhưng đáp lại là những câu mạt sát tục tĩu, thậm chí đe dọa hành hung…”. Cùng bức xúc như chị Hồng, chị Nguyễn Thị Lan, ở phường Dương Nội, quận Hà Đông cho biết: Thi thoảng sau 9 giờ tối, ở khu đô thị Dương Nội thường có nhiều thanh thiếu niên tụ tập “làm xiếc trên xe”, bấm còi, nẹt pô inh ỏi,… gây mất ANTT khu dân cư. Khổ nhất là những tiếng nẹt pô xe máy rất to, khiến các cháu nhỏ giật mình, quấy khóc.
Anh N.H.H, ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Do công việc đặc thù, tôi thường xuyên phải về nhà lúc nửa đêm. Hằng ngày trên đường về nhà, khi đi qua các tuyến phố Bà Triệu, Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Giải Phóng,… tôi thường xuyên chứng kiến các nhóm thanh niên xăm trổ, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng. Thỉnh thoảng, họ còn đem theo dao, kiếm,… gây náo loạn khu phố. Mỗi khi có các đội thanh niên ngổ ngáo đi như vậy, nhiều người tham gia giao thông buộc phải đỗ vào sát lề đường để tránh va chạm, gây tai nạn…”.
1 giờ 38 phút ngày 11-10-2019, tại khu vực trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, đường Giải Phóng, một tốp thanh niên với khoảng 10 xe máy Dream, Wave chạy tốc độ rất cao về phía đường Lê Duẩn, kèm theo những pha “bốc đầu”, vê ga ầm ĩ... 2 giờ sáng, tại ngã tư Quang Trung - Trần Hưng Đạo, một tốp xe máy khoảng 20 chiếc đang đi hàng ba, hàng tư. Bỗng có ba lái xe đột ngột tăng tốc độ, “bốc đầu” như những chú ngựa bất kham, bỏ lại sau lưng vô vàn tiếng la ó, huýt sáo cổ vũ.
Theo Nam “trố”, một dân đua xe chuyên nghiệp, để có một chiếc xe có khả năng tăng tốc độ nhanh trong khoảng thời gian ngắn, các “tay lái” thường tìm đến các thợ sửa xe máy lành nghề, giỏi “độ xe” (nâng cấp xe máy). Trong vai một tay đua muốn “độ xe” để đi “bão đêm”, tôi được một người bạn giới thiệu gặp Minh “sứt”, ở quận Thanh Xuân chuyên “độ xe”. Minh “sứt” năm nay mới ngoài 30 tuổi, có dáng người thấp bé, nước da bánh mật. Minh kể: Cũng vì say mê, khám phá động cơ xe máy mà trong một lần chạy thử chiếc xe Dream Thái vừa độ từ 100 lên 150 cm3, tôi bị tai nạn giao thông (TNGT). May mắn là chỉ xây xát nhẹ và sứt hai chiếc răng cửa. Sau vụ tai nạn, mọi người gọi luôn biệt danh này. Minh “sứt” cho biết, có nhiều cách nâng cấp, cải thiện tốc độ cho một chiếc xe máy. Tuy nhiên, dân “tổ lái” thường lựa chọn cách độ như thay trục của pít-tông trong máy bằng trục khác dài hơn. Ngoài ra, các thợ sửa xe còn móc cổ pô, loại bỏ các vách ngăn âm bên trong để thoát hơi tốt hơn giúp tăng tốc độ cho xe. Một đặc điểm dễ nhận thấy ở các xe của những “quái xế” là chân trống luôn mòn vẹt; tiếng pô nổ khác thường; đuôi chắn bùn dưới biển số xe luôn bị cụt lủn; yếm xe, gương chiếu hậu được tháo rời…
Quyết liệt ngăn chặn
Qua tìm hiểu, sau năm 2001 tại các tuyến phố của Hà Nội không còn xảy ra tình trạng đua xe máy và cổ vũ đua xe trái phép. Tuy nhiên, thời gian gần đây tại một số tuyến phố thường xuất hiện nhiều thanh niên nam, nữ điều khiển xe máy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng gây mất ANTT, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT. Đây là hành động bột phát, đua đòi của một nhóm thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 14 đến 20. Các đối tượng hoạt động thường sau 23 giờ hằng ngày. Địa điểm tụ tập thường là khu vực hầm Kim Liên (quận Đống Đa), hoặc các quận Long Biên, Hoàng Mai… Sau đó, một số ít đối tượng ở các nhóm, hội sẽ điều khiển từ một đến hai xe máy đi chậm theo các tuyến phố Đại Cồ Việt - Phố Huế - Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng - Lê Thái Tổ - Bà Triệu - Nguyễn Du - Giải Phóng và quay về Đại Cồ Việt để nắm bắt quy luật hoạt động các tổ công tác 141. Sau đó, các đối tượng sẽ tự nhập thành đoàn, nhóm chạy xe máy lòng vòng qua các tuyến đường rồi tự động giải tán. Phương tiện các đối tượng ưa sử dụng thường là các xe Dream, Wave,… không biển số, che biển số và có độ, chế để tăng tốc độ khi cần… Vừa qua, hai đối tượng là Đặng Viết Tuấn, ở Hà Tĩnh và Phạm Ngọc Hoàng, ở Hà Nội bị Công an quận Hoàn Kiếm khởi tố về hành vi đua xe trái phép ở khu vực hồ Hoàn Kiếm. Gần đây nhất, tại khu vực đường Giảng Võ - Trần Huy Liệu (quận Đống Đa), Tổ công tác Y14/141 (Công an TP Hà Nội) đã phát hiện, khống chế đưa 12 đối tượng điều khiển xe máy chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng về Công an phường Cát Linh xử lý theo quy định. Để chuẩn bị cho những chuyến “bão đêm” trước đó các đối tượng này thường tổ chức tập luyện; chia sẻ kinh nghiệm thoát các chốt 141; kỹ năng đối phó khi gặp tình huống xấu,… tại các khu đô thị ở quận Hà Đông như Dương Nội, Thanh Hà, đường Lê Văn Lương kéo dài…
Không chỉ chạy xe máy tốc độ cao, hò hét, bấm còi inh ỏi, các đối tượng còn tụ tập gây rối trật tự công cộng tại một số khu vực. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do sự nhận thức về các quy định pháp luật của các thanh thiếu niên còn hạn chế; thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình và nhà trường. Một số quán nước, cửa hàng ăn uống mở sau 23 giờ dễ trở thành nơi tụ tập các hội, nhóm tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT... “Mặc dù xử lý các thanh thiếu niên dưới 18 tuổi hay đủ 18 tuổi dưới bất kỳ hình thức, mức độ nào đối với hành vi gây rối trật tự công cộng cũng khiến những người làm cha, làm mẹ như chúng tôi cảm thấy xót xa. Bởi các cháu còn quá trẻ chưa ý thức được việc làm sai trái của mình,…”- Thượng tá Lê Khắc Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Hà Nội chia sẻ.
Trao đổi với Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Công an TP Hà Nội), chúng tôi được biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ) Thủ đô đã xử lý, phân loại và bàn giao cho các đơn vị nghiệp vụ nhiều đối tượng có các hành vi nêu trên để tiếp tục xử lý theo quy định, trong đó có khoảng 45% số đối tượng đang ở độ tuổi dưới 18. Trước tình hình nêu trên, lực lượng CSCĐ đã chủ động phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) thành phố, Phòng CSHS thành phố và công an các quận, huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến đường, các khu vực dễ xảy ra tình trạng tụ tập, điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng. Đồng thời bố trí lực lượng hóa trang bám theo các đoàn xe để ghi nhận đặc điểm đối tượng, phương tiện để công khai kiểm tra, bắt giữ bảo đảm ATGT; cung cấp thông tin các đối tượng vi phạm cho công an địa phương, nơi đối tượng cư trú để có biện pháp giáo dục và phòng ngừa; tích cực ghi hình, chụp ảnh các cung đường, vị trí dừng nghỉ của các đối tượng để kịp thời xử lý…
Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội tuyên truyền (Phòng CSGT TP Hà Nội) cho biết thêm: Để tăng cường công tác bảo đảm TTATGT trên các tuyến phố, nhất là công tác đấu tranh phòng, chống đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, lãnh đạo Phòng CSGT tăng từ 15 tổ công tác 141 lên 30 tổ. Tăng cường số cán bộ, chiến sĩ CSGT ứng trực tại các tuyến phố trung tâm sau 22 giờ hằng ngày. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh tại các trường. Vận động các phụ huynh ký cam kết với nhà trường không để các học sinh sử dụng xe máy khi tham gia giao thông. Tổ chức tuyên truyền về tác hại, hình thức xử phạt các hành vi đua xe trái phép trên hệ thống truyền thanh, báo chí... Mặc dù triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, nhưng khi thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ vẫn gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc như khi phát hiện lực lượng chức năng, đối tượng thường tăng ga xe máy, bỏ chạy với tốc độ cao, nếu truy đuổi, sẽ gây nguy hiểm cho mọi người tham gia giao thông và bản thân đối tượng. Các thiết bị ca-mê-ra cố định ghi hình tại các tuyến phố ở trạng thái động, thiếu ánh sáng nên hình ảnh không được rõ nét, khó nhận dạng đối tượng. Thẩm quyền xử phạt của các đơn vị nghiệp vụ còn hạn chế, chưa xử lý triệt để được các lỗi vi phạm. Chế tài xử phạt đối với những đối tượng vi phạm này vẫn còn chưa đủ sức răn đe…
Cùng chung quan điểm về việc xử phạt chưa tương xứng đối với các vi phạm này, Luật sư Phạm Đắc Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Phồn Thịnh (Hà Nội), cho rằng: Theo Điều 34 về xử phạt người đua xe trái phép, cổ vũ đua xe trái phép, thuộc Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì phạt tiền từ một triệu đồng đến hai triệu đồng đối với hành vi tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép; Phạt tiền từ bảy triệu đồng đến tám triệu đồng đối với người đua xe mô-tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép… Theo Điều 266, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào đua trái phép xe ô-tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng… Nếu làm chết ba người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ba người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
“Việc các thanh thiếu niên chạy xe máy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng trong điều kiện người tham gia giao thông đông sẽ gây nguy hiểm cho mọi người chung quanh và cho chính người điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó, hiện nay các xe máy 50 cm3 nhưng thực chất máy móc được thiết kế lớn hơn, thậm chí 70 đến 80 cm3. Để ngăn chặn triệt để tình trạng này, các bố mẹ, thầy cô giáo phải là tấm gương sáng trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Các cơ quan báo chí, truyền thông phải nêu rõ trách nhiệm của bố mẹ, cá nhân người điều khiển xe máy. Xử phạt điểm một số cá nhân vi phạm và công khai trên báo chí để nâng cao trách nhiệm người tham gia giao thông”.
KHUẤT VIỆT HÙNG
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia