Xử lý nghiêm hành vi nuôi, nhốt hổ trái phép

NDO -

Các cơ quan có trách nhiệm bằng nhiều biện pháp, đã và đang tăng cường xử lý nghiêm các hành vi nuôi nhốt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) trong đó có loài hổ.

Các cá thể hổ do Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ, được Vườn quốc gia Pù Mát chăm sóc, sức khỏe tiến triển tốt. (Ảnh: SVW)
Các cá thể hổ do Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ, được Vườn quốc gia Pù Mát chăm sóc, sức khỏe tiến triển tốt. (Ảnh: SVW)

Tuy vậy, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đến nay vẫn còn rất phức tạp, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan bảo vệ pháp luật và ý thức của cộng đồng xã hội.

Nhiều vi phạm vẫn diễn ra

Ngày 4/8, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với các đơn vị liên quan bắt quả tang một số cơ sở nuôi nhốt hổ trái phép trên địa bàn xã Đô Thành, huyện Yên Thành, thu giữ 17 cá thể hổ trưởng thành.

Trước đó, ngày 1/8, lực lượng công an tỉnh này cũng đã thực hiện thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 7 cá thể hổ con trái phép từ huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh sang Nghệ An để tiêu thụ. Ngay sau đó, hổ đã được bàn giao cho Vườn quốc gia Pù Mát chăm sóc. Đây là 2 trong số nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến loài hổ được lực lượng công an khám phá, xử lý tại tỉnh Nghệ An trong thời gian gần đây.

Xử lý nghiêm hành vi nuôi, nhốt hổ trái phép -0
Thu giữ hổ nuôi, nhốt trái phép ngày 4/8/2021 tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành ( Nghệ An). 

Theo Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), trong nhiều năm nay, Nghệ An được coi là một điểm nóng về buôn bán ĐVHD trái phép, đặc biệt tại các huyện Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu. Tình trạng buôn bán ĐVHD ở các địa phương này diễn ra ngày càng phức tạp và các đối tượng vô cùng manh động.

Theo thống kê, từ năm 2010 đến 2020, đã có khoảng 23% trong tổng số gần 800 đối tượng bị kết án liên quan đến tội phạm về ĐVHD trên cả nước là các đối tượng đến từ Nghệ An hoặc Hà Tĩnh. Đặc biệt, hoạt động nuôi nhốt hổ trái phép đã được báo chí nhiều lần phản ánh vẫn còn tiếp tục diễn ra tại địa phương nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Ngoài ra, tại một số địa phương khác, tình trạng nuôi nhốt, vận chuyển, tàng trữ và buôn bán hổ trái phép vẫn còn diễn ra, với nhiều hình thức tinh vi, xảo quyệt.

Tính đến hết năm 2020, các cơ quan chức năng đã phát hiện có 343 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt tại Việt Nam. Trong đó, 284 cá thể đang bị nuôi nhốt tại 21 trang trại và sở thú tư nhân. Số còn lại thuộc sở hữu của các vườn thú và các trung tâm cứu hộ của Nhà nước.

Hầu hết số lượng hổ tại các cơ sở gây nuôi hổ tư nhân đều có nguồn gốc bất hợp pháp. Không ít các cơ sở gây nuôi hổ hợp pháp đã sử dụng để làm “bình phong” cho các hoạt động bất hợp pháp.

Cũng trong năm 2020, tổ chức ENV đã ghi nhận 2.907 vụ việc vi phạm ĐVHD. Trong các vi phạm, hành vi quảng cáo, rao bán trái phép ĐVHD chiếm phần lớn với 1.956 vụ việc; tiếp theo là 863 vụ việc nuôi nhốt trái phép, trong đó riêng loài hổ là 390 vụ việc.

Trước đó, từ đầu năm 2019 đến tháng 6/2020, tổ chức này cũng đã ghi nhận hơn 650 vụ việc vi phạm liên quan đến hổ, trong đó có rất nhiều vụ vận chuyển các cá thể hổ còn sống vận chuyển từ các cơ sở nuôi nhốt trái phép và các cá thể hổ đông lạnh trên đường đi tiêu thụ.

Quản lý tốt đi đôi với xử lý nghiêm

Dư luận đã đặt câu hỏi: hành vi nuôi, nhốt hổ trái phép không khó phát hiện, nhưng tại sao tại một số địa phương, các vụ việc vẫn liên tục tái diễn. Phải chăng có sự “thỏa hiệp” giữa đối tượng nuôi, nhốt với các cá nhân có trách nhiệm, hay có sự buông lỏng quản lý, xử lý không nghiêm minh của các cơ quan có liên quan và chính quyền sở tại?!

Cuối năm 2020, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã tiến hành một cuộc khảo sát tại tỉnh Nghệ An, nơi được coi là “điểm nóng” trong việc nuôi nhốt, vận chuyển hổ trái phép với kết quả hơn 96% trong tổng số 1.111 người dân được khảo sát mong muốn các cơ quan bảo vệ pháp luật quyết liệt đấu tranh hơn nữa để chấm dứt tình trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) bất hợp pháp tại địa phương. Ngoài ra, gần 97% những người được phỏng vấn mong muốn áp dụng pháp luật công bằng và nghiêm minh đối với tất cả các đối tượng vi phạm, không nên có trường hợp ngoại lệ trong việc xử lý các tội phạm về ĐVHD.

Xử lý nghiêm hành vi nuôi, nhốt hổ trái phép -0

Hiện nay, quy định pháp luật liên quan đến hành vi nuôi nhốt, tàng trữ, vận chuyển và buôn bán trái phép ĐVHD đã cơ bản hoàn thiện. Cùng với Bộ Luật hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Lâm nghiệp,  Luật Đa dạng sinh học…, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quản lý thực vật, động vật nguy cấp, quý, hiếm cũng đã được phổ biến, tuyên truyền sâu rộng để các cơ quan bảo vệ pháp luật thực thi và người dân thực hiện.

Mặc dù có những thay đổi tích cực về pháp lý, ý thức của người dân được nâng cao hơn, nhưng thực tế hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo vệ ĐVHD quý hiếm. Do đó, cần phải có những giải pháp cấp bách, quyết liệt hơn nữa để chấm dứt tình trạng này. Cần thắt chặt quản lý các cơ sở nuôi hổ tư nhân và cho hổ sinh sản không kiểm soát. Những cá thể hổ này không có giá trị trong bảo tồn ĐVHD quý hiếm, nguy cấp.

Cần đóng cửa những cơ sở tư nhân nuôi hổ, đồng thời, nghiêm cấm cho hổ sinh sản dưới mọi hình thức nếu như không có giá trị hoặc phục vụ mục tiêu nghiên cứu khoa học, giáo dục và bảo tồn. Bên cạnh đó, cần siết chặt hơn việc cấp giấy phép nuôi thương mại ĐVHD; thu hồi giấy phép đối với các cơ sở nuôi hổ không có đầy đủ bằng chứng hợp pháp; xử lý nghiêm minh đối với các cán bộ địa phương tham nhũng, bao che, cấu kết cho hoạt động nuôi thương mại hổ trái phép.

Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kiểm soát, quản lý và chấm dứt tình trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép trên địa bàn. Tăng cường đấu tranh với tội phạm trên Internet về buôn bán ĐVHD, bằng các biện pháp đóng cửa những trang thông tin điện tử có chứa các thông tin rao bán, quảng cáo, hoặc mua bán ĐVHD; tăng cường theo dõi và chặn những trang cá nhân trên mạng xã hội được các đối tượng dùng để rao bán ĐVHD trong đó có loài hổ.

Theo Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN và PTNT) Nguyễn Hữu Thiện, trong thời gian qua, lực lượng kiểm lâm đã nỗ lực, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản; trong đó có công tác quản lý ĐVHD nguy cấp, quý hiếm.

Trong thời gian tới, Cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động nuôi các loài ĐVHD trong đó có các loài nguy cấp, quý, hiếm; hoàn thiện pháp luật về ngăn chặn, xử lý để tạo sự răn đe; tăng cường tuyên truyền việc thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

Xử lý nghiêm hành vi nuôi, nhốt hổ trái phép -0
 

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) Nguyễn Văn Thái cho biết, sau khi nhận các cá thể hổ từ cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An về Vườn quốc gia Pù Mát để chăm sóc, hiện tại hổ sức khỏe tiến triển rất tốt. Tuy nhiên, Vườn không có sự chuẩn bị bảo đảm cho hổ không phải tự nhiên, hoang dã sinh sống do đó, về lâu dài vẫn phải tìm cách di chuyển chúng đến nơi mới, tốt hơn.

SVW đang làm việc với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hiện có một Trung tâm cứu hộ rộng 7 ha, có thể bảo đảm cho hổ và các loài động vật bán hoang dã. Tất cả các cá thể hổ gây nuôi đều không thể thả về tự nhiên do chúng không có bản năng hoang dã, sức khỏe cũng như cảm giác săn mồi kém. Do vậy, việc xây dựng các Trung tâm cứu hộ bảo đảm đủ điều kiện để chăn, thả ĐVHD sau giải cứu là rất cần thiết.

Hiện nay SVW đã triển khai chương trình bảo vệ sinh cảnh ở Vườn quốc gia Pù Mát. Đây là nơi ghi nhận hổ cuối cùng ở Việt Nam từ năm 1998. Gần đây, qua nhiều đợt điều tra bẫy ảnh, nhưng đã không ghi nhận hình ảnh hổ nữa. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng hổ bị tuyệt chủng ở Việt Nam là rất cao. Do đó, công tác quản lý, bảo tồn hổ cũng như các loài ĐVHD quý hiếm khác hiện nay ở Việt Nam đang trở nên cấp bách hơn lúc nào hết.