Xử lý hàng trăm tấn cá chết ở hồ Sông Mây

Hạn hán kéo dài đã làm hồ Sông Mây (Đồng Nai) cạn trơ đáy khiến hàng trăm tấn cá chết nổi trắng mặt hồ, bốc mùi hôi thối, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực làm việc liên tục những ngày qua để vớt, xử lý xác cá chết trên hồ, hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng Đội nuôi trồng thủy sản làm việc xuyên đợt nghỉ Lễ 30/4, 1/5 vừa qua để vớt hết số cá chết trên hồ Sông Mây.
Lực lượng Đội nuôi trồng thủy sản làm việc xuyên đợt nghỉ Lễ 30/4, 1/5 vừa qua để vớt hết số cá chết trên hồ Sông Mây.

Những ngày qua, diện tích mặt nước hồ Sông Mây giảm từ 196 ha xuống chỉ còn khoảng 2ha, nơi sâu nhất chỉ khoảng 1m nước, số lượng cá khoảng 200 tấn trong hồ đã chết gần như toàn bộ. Khu vực trên mặt hồ Sông Mây, nhiều loại cá chết nổi trắng xóa cả một vùng rộng lớn, bốc mùi hôi thối nồng nặc ra khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ông Trần Văn Nghĩa, người dân ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom cho biết: “Những ngày cao điểm nắng nóng này mùi hôi thối từ cá chết ở hồ Sông Mây bốc lên, lan ra khu dân cư. Mong cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý, chứ như này ô nhiễm môi trường quá”.

Thượng úy Lê Minh Tấn, Đội trưởng Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai, đơn vị quản lý, nuôi cá trên hồ, cho biết, số cá chết ước khoảng 200 tấn, chủ yếu là các loại rô phi, mè, trắm và cá da trơn chưa đến thời kỳ thu hoạch. Cá bắt đầu chết từ khoảng ngày 22/4 và đến ngày 28/4 chết hàng loạt do lượng nước trong hồ xuống thấp gần như trơ đáy. Nguyên nhân là do hạn hán kéo dài cho nên lượng nước bổ sung vào hồ hằng năm từ các suối tự nhiên chung quanh hồ và lượng nước mưa tự nhiên không còn.

Cũng theo Thượng úy Lê Minh Tấn, thời tiết nắng nóng, nguồn nước cạn, lượng cá trong hồ dày, dẫn đến cá thiếu oxy và chết hàng loạt. Trước thực trạng này, Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây đã làm việc xuyên đợt nghỉ Lễ 30/4, 1/5 vừa qua để thu dọn xác cá chết, hạn chế ô nhiễm môi trường: “Cán bộ, chiến sĩ đơn vị làm việc liên tục để vớt, xử lý hết số cá chết nổi trên mặt hồ. Tất cả 53 chiến sĩ, nhân viên hợp đồng làm suốt 5 ngày qua, hạn chế thấp nhất mùi hôi ra khu dân cư. Đến chiều 2/5, việc dọn xác cá trên hồ Sông Mây đã hoàn thành. Hiện nay cơ quan liên quan đang xử lý công đoạn rải vôi khử mùi hôi, bảo đảm môi trường chung quanh khu vực”, Thượng úy Tấn cho biết

Xử lý hàng trăm tấn cá chết ở hồ Sông Mây ảnh 1

Thượng úy Lê Minh Tấn trả lời phóng viên Báo Nhân Dân về nguyên nhân cá chết trên hồ Sông Mây.

Hồ Sông Mây có diện tích hơn 300 ha, nằm trên địa bàn các xã Bắc Sơn, Bình Minh, Sông Trầu và thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom), đây là hồ chứa nước tưới tiêu cho hàng trăm héc-ta lúa khu vực hai huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu. Từ năm 1994, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt nước. Thời gian qua, việc nuôi trồng thủy sản trên hồ Sông Mây theo hợp đồng giữa Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đồng Nai (Công ty thủy lợi Đồng Nai).

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Đồng Nai), qua nắm thông tin về việc cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây, bước đầu nguyên nhân được xác định do nắng nóng, thời tiết khô hạn kéo dài khiến nước hồ bị cạn. Cùng với đó, sau khi đã được thông báo về việc sẽ xả nước phục vụ sản xuất cạn lúa ở hạ nguồn và thi công Dự án cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây, đơn vị liên quan lại không tổ chức thu hoạch cá kịp thời, mật độ cá dày, cá ở hồ thiếu ô-xy thở, dẫn đến chết hàng loạt.

Dự án cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây do Công ty thủy lợi Đồng Nai làm chủ đầu tư, được phê duyệt tại Quyết định số 137/QĐ-SKHĐT ngày 24/11/2022. Dự án được khởi công đầu năm 2024, với thời gian thực hiện 15 tháng kể từ ngày khởi công. Theo tìm hiểu, trước đó vào ngày 12/9/2023, Công ty thủy lợi Đồng Nai đã có Văn bản số 924/KTTL-KHK gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai về việc dọn dẹp tài sản trong lòng hồ để phục vụ triển khai Dự án cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây; trong biện pháp thi công, sửa chữa hồ có hạng mục nạo vét lòng hồ và đập đất làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc nuôi trồng thủy sản của Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây. Do vậy, để không gây ảnh hưởng về tài sản, vật chất trong quá trình thi công dự án, Công ty thủy lợi Đồng Nai đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thu hoạch các sản phẩm nuôi trồng thủy sản và di dời máy móc, công cụ có liên quan trong phạm vi lòng hồ trước ngày 31/12/2023. Qua đó, công ty bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng tiến độ theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Xử lý hàng trăm tấn cá chết ở hồ Sông Mây ảnh 2

Đơn vị thi công dự án cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây đang huy động nhiều máy móc, nhân lực khẩn trương đẩy nhanh tiến độ.

Hiện nay, ở khu vực chân đập hồ Sông Mây, đơn vị thi công dự án cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây đang huy động nhiều máy móc, nhân lực khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Ông Trung Tuấn Anh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đồng Nai (đơn vị thi công) cho biết, sau 4 tháng kể từ ngày khởi công, đến nay công trình đã thi công được khoảng 50%, trong đó, nhiều hạng mục phức tạp cơ bản đã hoàn thành.

Dự kiến, trước mùa mưa năm nay sẽ hoàn thành 80% khối lượng công trình. Theo ông Trung Tuấn Anh, việc xả nước do bên chủ đầu tư là Công ty thủy lợi tỉnh Đồng Nai điều tiết nước tưới cho vùng hạ lưu công trình, đơn vị thi công không can thiệp được: “Công trình thủy lợi chủ yếu chỉ thi công một mùa khô, bởi mùa mưa ngập nước gần như không triển khai được. Vì vậy, tranh thủ thời tiết nắng nóng, đơn vị huy động nhân lực, máy móc làm việc liên tục để đẩy nhanh tiến độ”, ông Trung Tuấn Anh nói.