Xử lý các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải

Ô nhiễm không khí đã và đang ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở nước ta thời gian qua đến từ các hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, làng nghề và thói quen của người dân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa.
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước. (Ảnh MINH ANH)
Tình trạng ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước. (Ảnh MINH ANH)

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong những tháng đầu năm 2023, tình trạng ô nhiễm không khí tại một số địa phương, nhất là Hà Nội và các tỉnh lân cận đang có diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.

Mặt khác, do những ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt... trong không khí rất lớn đã góp phần ảnh hưởng khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi.

Dữ liệu từ vệ tinh cũng cho thấy, nhiều khu vực xuất hiện các điểm đốt ngoài trời, tập trung nhiều tại khu vực các tỉnh miền núi Đông Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang); khu vực các tỉnh Tây Bắc (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La) và các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc tự động thời gian qua cho thấy, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại một số trạm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên ở mức xấu hoặc rất xấu. Thông số bụi PM2,5 (bụi mịn) đã vượt quá quy chuẩn Việt Nam tại một số trạm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên.

Tại Hà Nội, từ đầu tháng 2/2023 đến nay, AQI trên địa bàn thành phố có tới 10 ngày ở mức kém, thậm chí có những ngày ở mức xấu. Có những ngày tình trạng ô nhiễm không khí ở trung tâm thành phố đã lên mức rất xấu với nồng độ bụi mịn nhiều trạm trên địa bàn các quận Ba Đình, Cầu Giấy… đo được ở mức cảnh báo nguy hại cao tới sức khỏe người dân. Tuy nhiên, các thông số PM10, NO2, O3, CO và SO2 về cơ bản vẫn nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam 05:2013/BTNMT.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, nhất là ô nhiễm bụi PM2,5 của Hà Nội chủ yếu là do các nguồn giao thông, xây dựng, công nghiệp; từ hoạt động đốt rác, đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa và hoạt động dân sinh.

Trong điều kiện khí tượng không thuận lợi như lặng gió, khí thải lưu cữu ở tầng thấp không phát tán được, gây ô nhiễm nghiêm trọng từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết không phải là nguyên nhân gây ô nhiễm, mà là yếu tố khách quan làm tăng hay giảm nồng độ bụi được phát tán từ các hoạt động của con người. Ngoài ra, những làng nghề nằm ở các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh hằng ngày vẫn thổi khói bụi về phía Thủ đô. Các loại khói bụi này được sinh ra từ việc đốt than, đốt củi tại các nồi hơi và lò nung.

Đáng lo ngại, xu thế bụi mịn sẽ tiếp tục dịch chuyển từ khu vực bên ngoài vào Hà Nội thời gian tới, vì từ trung tâm thành phố Hà Nội đến làng nghề của các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh chỉ khoảng 30km, nhất là vào những ngày có gió, bụi mịn không chỉ dịch chuyển vào Hà Nội nhanh, mà còn đậm đặc hơn rất nhiều.

Tiến sĩ Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Để kịp thời kiểm soát, giảm ô nhiễm và hạn chế các tác động tiêu cực do ô nhiễm không khí gây ra đối với sức khỏe người dân trên cả nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở tài nguyên và môi trường, các cơ quan chức năng tăng tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ và hệ thống quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn; thực hiện việc tính toán, công bố chỉ số chất lượng không khí chung quanh; công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử, phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố và kết nối về Bộ Tài nguyên và Môi trường để cơ quan chuyên môn theo dõi.

Trong trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường không khí có hại cho sức khỏe người dân, các đơn vị chức năng kịp thời cảnh báo cho cộng đồng được biết để phòng tránh. Mặt khác, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất, đồng thời yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn về môi trường, nhất là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn; đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về sở tài nguyên và môi trường theo quy định hiện hành.

Chính quyền các địa phương, các cơ quan chuyên môn tập trung tuyên truyền, vận động người dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch lúa để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường; khẩn trương kiểm tra thực tế, xác định và ngăn chặn kịp thời các hoạt động đốt mở trên địa bàn.

Đồng thời, có các giải pháp triệt để, tận thu tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho các mục đích khác, hạn chế tình trạng đốt gây ô nhiễm môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt sai quy định...

Chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm phát tán bụi, khí thải ra môi trường chung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình xây dựng...).

Ngành y tế và các cơ quan truyền thông đóng trên địa bàn tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp, giải pháp bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí, nhất là khi nhận được cảnh báo của các cơ quan chuyên môn để người dân thực hiện kịp thời và hiệu quả.

Bên cạnh đó, người dân thực hiện tốt các nội dung khuyến cáo ngành y tế đưa ra như: Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang bảo đảm chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách; hạn chế ra đường, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, nhất là các hộ gia đình sống gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm bởi các chất thải rắn, chất thải sinh hoạt.

Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp từ hoặc bếp ga; đồng thời tích cực trồng cây xanh trong, quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch môi trường không khí.