Nhà hát của những giấc mơ… xưa cũ
Cách đây không lâu, cổ động viên Manchester United đã chia sẻ lên mạng xã hội hình ảnh hai mảnh bê-tông mục vỡ từ trần nhà rơi xuống lối đi ở phòng chờ. Nhà hát của những giấc mơ từ lâu đã không còn giữ được vị thế như xưa. Sân vận động từng tổ chức trận chung kết Champions League năm 2003 đã bị loại bỏ khỏi danh sách tổ chức EURO 2028, thay vào đó là “ngôi nhà” của người hàng xóm ồn ào - Etihad.
“Trong nhiều năm, gia đình Glazer đã được cảnh báo về việc thiếu đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất của đội bóng. Họ đã chứng kiến sự sa sút trong 20 năm, từ một trong những sân vận động tốt nhất thế giới trở thành một trong những sân vận động thậm chí không thể lọt vào top 10 ở Anh và Ireland. Đây là mức thấp nhất mọi thời đại. Đó là một sân vận động rỉ sét. Đây là sự lơ là nghĩa vụ. Thật đáng xấu hổ”, Gary Neville, người từng lên tiếng chỉ trích việc bỏ bê Old Trafford của nhà Glazer.
Không phải tới bây giờ, các vấn đề tại sân Old Trafford mới bị lên tiếng. Trong cuộc phỏng vấn với Talk TV, siêu sao người Bồ Đào Nha Christiano Ronaldo khẳng định, sẽ rất khó để Manchester United trở lại vị thế hàng đầu trong hai hoặc ba năm tới. Tôi muốn điều tốt nhất cho câu lạc bộ và người hâm mộ xứng đáng biết sự thật. Có những vấn đề bên trong không thể giúp Manchester United vươn tới đẳng cấp cao.
Mái che ở khán đài sân Old Trafford bị dột. |
Tháng 4/2019, một phần mái của sân Old Trafford bị thổi bay vì cơn bão trước trận derby Manchester. Năm 2020, nhiều cổ động viên đội bóng đã phàn nàn về việc mái che ở khán đài sân Old Trafford bị dột khiến người hâm mộ chịu ướt khi trời mưa. Khu vực khán đài mang tên Sir Bobby Charlton được cho là đã xuống cấp trầm trọng.
Old Trafford đã từng là một trong những sân bóng hiện đại nhất thế giới. Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, ngôi nhà của MU không được chăm chút kỹ nếu so với các đối thủ tại Anh.
Một thập niên qua, MU chi 118 triệu bảng để cải tạo sân Old Trafford. Con số này kém xa sân Anfield của Liverpool (278 triệu bảng), Etihad của Man City (374 triệu bảng) hay Tottenham đã chi ra 1,4 tỷ bảng để xây dựng sân vận động mới. Bên cạnh sân Old Trafford, trung tâm huấn luyện Carrington cũng không được đánh giá cao về tính hiện đại.
“Không có gì thay đổi kể từ khi tôi rời đi. Hồ bơi, bể sục, thậm chí cả phòng tập, và những vật dụng công nghệ”, Ronaldo nhận xét. “Kể cả những đầu bếp mà tôi đánh giá cao, những con người đáng yêu. Tôi đã nghĩ mình sẽ thấy công nghệ, cơ sở hạ tầng mới. Nhưng tất cả chỉ là khung cảnh vốn đã quen thuộc từ những năm tôi 20”.
Xây sân vận động tốn kém thế nào?
Ngày những chiếc máy ủi xuất hiện tại Old Trafford và Stamford Bridge chắc chắn sẽ đến. Nhưng có lẽ viễn cảnh ấy sẽ không diễn ra trong năm tới đây. Đó là thực tế khó khăn mà cả hai câu lạc bộ sẽ phải chấp nhận.
Nhìn sang các đội bóng khác, Aston Villa, Nottingham Forest, Crystal Palace và Manchester City đang có kế hoạch tăng sức chứa khán đài mới hoặc mở rộng trong 5 năm tới. Đây cũng là kế hoạch mà Liverpool và Fulham đang triển khai.
Bramley-Moore Dock sẽ trở thành ngôi nhà có sức chứa 53.000 chỗ ngồi. |
Everton đang trong 12 tháng cuối cùng của quá trình xây dựng. Bramley-Moore Dock chả mấy chốc sẽ trở thành ngôi nhà có sức chứa 53.000 chỗ ngồi. Việc mở rộng quy mô cũng là mục tiêu của Luton Town và Bournemouth. Newcastle United cũng đang cân nhắc mọi phương án cho tương lai của St James' Park.
Việc cải tạo sân vận động giờ trở thành điều kiện cần để phát triển hơn là những lựa chọn có hoặc không. Các câu lạc bộ luôn theo dõi sát sao động thái từ những đối thủ của mình. Dẫu vậy, xây sân vận động cũng đòi hỏi khoản đầu tư khổng lồ.
Thực tế, cả Manchester United và Chelsea đều không thể hy vọng biến đổi Old Trafford hay Stamford Bridge nếu không chi trả số tiền tương đương 1 tỷ bảng Anh. Chính xác 1,26 tỷ USD là chi phí để Spurs xây dựng ngôi nhà mới trong năm 2019. Đội bóng Real Madrid cũng phải bỏ ra tới 847 triệu USD để hoàn thành việc xây dựng lại sân vận động Santiago Bernabeu có sức chứa 85.000 chỗ ngồi.
Với Everton, dự án của họ dự kiến sẽ tiêu tốn từ 550 triệu đến 760 triệu bảng. Số tiền đó dù chỉ bằng một nửa chi phí của Spurs nhưng lại tương đương gấp đôi doanh thu hằng năm của câu lạc bộ vùng Merseyside.
Nếu chỉ muốn đầu tư từng phần, khán đài Riverside được xây dựng lại của Fulham với sức chứa 8.650 người đã tiêu tốn hơn 120 triệu bảng. Trong khi đó, khán đài chính mới có sức chứa 13.500 chỗ ngồi của Crystal Palace được dự đoán sẽ có giá 150 triệu bảng Anh.
Vào những năm 1990, khán đài phía bắc của Old Trafford, sau đó được đổi tên theo Sir Alex Ferguson, được cho là có giá chưa đến 19 triệu bảng khi bị dỡ bỏ. Sunderland, Southampton, Leicester City và Derby County có thể xây dựng những ngôi nhà mới khá lớn từ đầu với giá dưới 35 triệu bảng Anh.
Sân Emirates mang đến sự cổ vũ tinh thần cực lớn cho các cầu thủ Arsenal. |
Ngay cả sân vận động Emirates của Arsenal, được hoàn thành vào năm 2006 và được đánh giá cao, cũng có giá chỉ bằng 40% so với chi phí mà đối thủ phía bắc London là Tottenham cần để chi trả cho sân vận động của họ thời điểm 13 năm sau. Năm 2011, chi phí xây dựng sân nhà Brighton & Hove Albion còn thấp hơn giá họ bán Moises Caicedo cho Chelsea mùa hè này.
Hơn cả một sân chơi vào mỗi cuối tuần
Christopher Lee, giám đốc điều hành tại Populous, công ty kiến trúc có 40 năm kinh nghiệm trong việc thiết kế các sân vận động và đấu trường thể thao trên toàn thế giới , bao gồm cả Wembley, nhận định, vấn đề cốt lõi là chi phí và doanh thu mà nó có thể tạo ra là bao nhiêu?
Không chỉ là khoản đầu tư lớn về thời gian và tiền bạc đơn thuần, sân vận động giờ sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời cho những người hâm mộ. Dù lạm phát và chi phí xây dựng đang ở mức cao nhất, mức độ kỳ vọng và sự hoàn thiện của các sân vận động cũng khác nhau rất xa. Vấn đề không chỉ là về sức chứa hay số lượng khán giả tới sân, các câu lạc bộ giờ mong muốn sở hữu một sân chơi đẳng cấp.
Nhà hàng bên trong sân vận động mới của Spurs. |
Hãy nhìn vào sân vận động Bolton Wanderers (hoàn thành năm 1997) với sàn bê-tông, tường chắn gió, cửa chớp lăn chẳng khác nào một khu công nghiệp đơn thuần. Bây giờ, sân vận động mới của Spurs còn sành điệu hơn bất kỳ quán bar nào bạn tìm thấy ở London.
Không còn những sân vận động và khán đài được thiết kế đơn giản, trống trải chỉ dành cho những buổi chiều thứ bảy nữa. Giờ đây, sân nhà của một câu lạc bộ bóng đá cần phải là động lực tạo ra doanh thu. Spurs muốn nó trở thành một sân vận động hoạt động bảy ngày một tuần, có nhiều môn thể thao, nhiều sự kiện, nơi mà khoản đầu tư xứng đáng với kỳ vọng.
Tottenham, câu lạc bộ dù không có nổi một danh hiệu lớn trong suốt 15 năm, giờ “đè bẹp” Manchester United với tư cách là câu lạc bộ Anh có doanh thu trong ngày thi đấu lớn nhất, chủ yếu nhờ vào thiết kế của sân vận động có sức chứa 62.000 người của họ. Ngoài việc tổ chức các trận đấu quốc tế NFL (giải bóng bầu dục Mỹ) và các buổi hòa nhạc lớn, hàng loạt các tiện ích ấn tượng bên trong sân sẽ thu hút người hâm mộ đến xem trận đấu sớm hơn và ra về muộn hơn.
Số tiền kiếm được nhanh chóng tăng hơn gấp đôi kể từ khi Spurs rời White Hart Lane vào năm 2017, với doanh thu hằng năm tăng từ 48 triệu bảng lên 108 triệu bảng. Lợi thế ngoài sân cỏ của những đội bóng lớn như Liverpool, Arsenal, Manchester City hay Chelsea giờ đã bị đánh bại.
Trường hợp tương tự cũng được ghi nhận với Arsenal năm 2006. Doanh thu trận đấu đã tăng từ 44 triệu bảng khi đá ở Highbury lên 90,6 triệu bảng khi xây sân nhà mới tại Emirates. Rõ ràng, khoản đầu tư vỏn vẹn 400 triệu bảng khi ấy đã mang lại lợi nhuận rất cao.
Với Fulham, khán đài mới sẽ được hoàn thiện với một khách sạn, câu lạc bộ sức khỏe và hồ bơi trên sân thượng. |
Với Fulham, khán đài mới sẽ được hoàn thiện với một khách sạn, câu lạc bộ sức khỏe và hồ bơi trên sân thượng. Khán đài chính được xây dựng lại của Palace sẽ bao gồm một bảo tàng cũng như mở rộng thêm 8.000 chỗ ngồi. Việc chuyển nhượng cầu thủ cũng mang đến rất nhiều tiền, nhưng nguồn thu từ sân vận động mới là điều khiến bạn trở thành một doanh nghiệp khác biệt.
Ở White Hart Lane cũ, người hâm mộ Spurs chi trung bình 1,75 bảng. Tới sân vận động mới, tấm vé bây giờ có giá 16 bảng và hãy nhân con số này với khoảng 50 nghìn khán giả tới sân. Mỗi trận đấu sẽ mang về hàng triệu bảng Anh.
Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế
Dù sức chứa 74.000 chỗ ngồi của Old Trafford vẫn có thể giúp Manchester United duy trì khoản lợi nhuận trước các đối thủ, nhưng việc danh tiếng đang giảm sút, chỗ ngồi chật hẹp và tình trạng mái nhà dột khiến câu lạc bộ sẽ phải tính đến chuyện xây dựng sớm hơn.
Các kiến trúc sư của Populous, những người đứng sau cả Emirates và Sân vận động Tottenham Hotspur, đã được bổ nhiệm làm nhà quy hoạch tổng thể cho việc tái phát triển Old Trafford cùng với Legends International vào năm ngoái. Nhiều phiên bản cải tạo khác nhau của Old Trafford và cả diện mạo của một công trình mới đã được vẽ nên. Tất cả đều tập trung vào việc tạo ra trải nghiệm tuyệt vời cho người hâm mộ.
Nhiều phiên bản cải tạo khác nhau của Old Trafford đã được vẽ nên. |
Với Manu, Chelsea và Newcastle, việc nghiên cứu dự án xây dựng thường mất tới 12 tháng và tiêu tốn từ hai đến ba năm trước khi quá trình thiết kế và phê duyệt kết thúc với việc chỉ định một nhà thầu chính. Chỉ khi đó việc xây dựng mới có thể bắt đầu.
“Chi phí từ thời điểm đó được định hình bởi nhiều yếu tố. Khoảng 10 đến 15 năm trước, nếu không tính đến lạm phát, mỗi ghế sẽ có giá từ 2.500 đến 4.000 bảng. Bây giờ, bất kỳ ai mong muốn đạt được mức độ hiếu khách như Spurs và mong muốn trở thành sân vận động tốt nhất thế giới đều đang xem xét chi phí tối thiểu là 10.000 bảng một chỗ ngồi”, Nick Marshall, đồng sở hữu và giám đốc của KSS, khẳng định.
Trong thời buổi suy thoái kinh tế, lạm phát là nguyên nhân chính khiến giá chi phí nguyên vật liệu và lao động tăng mạnh. Những thứ bạn sử dụng nhiều nhất trong sân vận động là bê-tông và thép. Sân xây càng cao, chi phí càng lớn.Đặc biệt, giá thép đắt hơn khoảng 50% so 10 năm trước. Chi phí bê-tông cũng biến động mạnh trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, nếu bạn vay tiền để xây sân vận động trong thời điểm này, tiền lãi phải trả chắc chắn sẽ khiến bất cứ giám đốc tài chính nào cũng phải đổ mồ hôi. Với Spurs, khoản lãi 2,6% ở thời điểm đó chỉ bằng chưa đầy một nửa so mức 5,25%, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Rõ ràng, đây không phải thời điểm tối ưu để đầu tư.
Thế nhưng, nhìn vào những thành công của Spurs và Arsenal, Manchester United và Chelsea đang ra sức khởi động lại các dự án xây dựng ngôi nhà mới của họ. Sân vận động vẫn là tâm điểm của bất kỳ câu lạc bộ nào, nơi sẽ thu hút hàng nghìn khán giả hát vang trước thời điểm diễn ra các cuộc so tài.
Hơn tất cả, sân vận động giống như tòa thị chính, là trái tim nơi lưu giữ nhịp đập cảm xúc của những người hâm mộ.
Theo báo cáo, sân vận động SoFi tiêu tốn 5,5 tỷ USD khi hoàn thành vào năm 2020. Sân nhà của các đội Los Angeles Rams và Los Angeles Chargers NFL có sức chứa 70.000 chỗ ngồi và mới tổ chức Super Bowl vào năm 2022.
Sân vận động Allegiant ở Las Vegas, sân MetLife (sân nhà của New York Jets và New York Giants) và sân vận động Mercedes-Benz ở Atlanta đều là những khoản đầu tư khổng lồ tiêu tốn tới hơn 1 tỷ USD.