Câu chuyện sân cỏ

Man United và sự ám ảnh từ quá khứ

Bất kỳ một đội bóng nào cũng đều cần có lịch sử, cần quá khứ để tạo nên truyền thống. Nhưng có đôi khi, sự ám ảnh của quá khứ lại giết chết tương lai. Manchester United dường như đang đi trên con đường đó.
0:00 / 0:00
0:00
Thời gian là thứ Man Utd lãng phí để tự làm mình tụt lại phía sau.
Thời gian là thứ Man Utd lãng phí để tự làm mình tụt lại phía sau.

1. Những ngày tháng ê chề, khốn khổ tiếp tục kéo Man Utd vào vũng lầy không lối thoát. Các chuyên gia cứ phân tích chuyên môn và đúng hết cả thôi. Bởi khi thất bại, trói vào bất kỳ lý do gì cũng đúng cả. Nhưng có một thứ mà ít ai để ý, vì ai cũng nghĩ đó chẳng phải nguyên nhân. Năm 2016, khi Zlatan Ibrahimovic đến Man Utd, một câu chuyện đã xảy ra mà đến giờ người ta mới nhớ lại, mới suy ngẫm và đưa vào hệ thống nguyên nhân khiến Man Utd cứ mãi rệu rã.

Zlatan có thể là một gã ngạo mạn, khó ưa, đầy khiếm khuyết với cái tôi cao đến mức khó chấp nhận. Nhưng không ai phủ nhận rằng, anh là một huyền thoại, một cầu thủ đầy kinh nghiệm, thông minh và đủ tự tin để nói thẳng, nói thật những gì mình suy nghĩ. Sau ba tháng thi đấu ở Man Utd, khi được hỏi về những trải nghiệm ở CLB mới, Zlatan chẳng ngại ngần nói rằng: “Tôi đã nghĩ và nói với mọi người rằng, Zlatan đến đây để tạo ra một chương mới, một câu chuyện của tôi với đội bóng. Nhưng ở đây, họ nói quá nhiều về quá khứ. Tất cả chỉ nghĩ về lịch sử mà họ đã trải qua. Đúng là có thể họ có quá nhiều thứ và rồi họ chẳng thể giải quyết được hiện tại và dĩ nhiên là cả tương lai nữa”.

2. Năm 2016, khi Zlatan đến Man Utd, trang Twitter của CLB mới hoạt động được ba năm, trong khi trang Twitter của Chelsea đã cực mạnh, với những dòng Tweet đầu tiên từ năm 2009. Vị trí Giám đốc thể thao của Man Utd cũng xuất hiện gần đây. Những điều đó cho thấy, Man Utd suy nghĩ và hành động chậm so với thời đại. Và không thể không nói đến việc, những người thuộc về Man Utd đang rơi vào cơ chế tâm lý điển hình của thời đại ngày nay, đó là sự lý tưởng hóa quá khứ, nó khiến người ta cảm giác về sự ngọt ngào, đẹp đẽ hơn là hiện tại đầy nhấp nhô. Đúng là Man Utd đã trải qua một quá khứ tuyệt vời và ngự trị trên đỉnh cao thế giới. Từ đó, những tiêu chuẩn rất cao đã ám ảnh Man Utd, nhất là vào lúc hiện tại của họ đang dần xám xịt. Liệu chăng Man Utd đang bị bôi tối đen bởi vì cái bóng quá khứ lộng lẫy, kéo dài và đầy vinh quang?

Với nhiều CĐV Man Utd, mọi điều tồi tệ bắt đầu vào năm 2005, khi gia đình Glazer chính thức sở hữu đội bóng. Thậm chí các CĐV đã biểu tình đòi tống cổ những người Mỹ khỏi CLB, đồng thời họ còn lập ra một CLB mới coi như thay thế cho Man Utd mà với họ như là “đã chết”. Năm 2013, khi Sir Alex nghỉ hưu, những giá trị lịch sử của đội bóng bắt đầu được nhắc đến nhiều và tương lai của họ cũng theo đó mà tan biến. Man Utd phản ứng với sự ra đi của Sir Alex đơn giản chỉ là sự sao chép tất cả những gì có thể từ ông. Mọi thứ lỗi thời. Khi Sir Alex nghỉ hưu tức là ông đã hiểu ra rằng, bóng đá thế giới đang và sẽ tiếp tục thay đổi. Sự dư thừa về truyền thống sẽ dẫn đến sự cổ hủ. Sự có mặt của David Moyes là sự kế thừa để tạo hiệu ứng Sir Alex. Và biểu trưng của điều đó là cách Man Utd ký hợp đồng dài tới... 6 năm với Moyes, điều khá vô lý trong bóng đá hiện đại. Và bên cạnh Moyes là Ryan Giggs, một biểu tượng lịch sử.

Man United và sự ám ảnh từ quá khứ ảnh 1
Khi Sir Alex nghỉ hưu, những giá trị lịch sử được nhắc đến nhiều.

Một năm sau, Moyes bị sa thải, Louis van Gaal thay thế và ông vẫn giữ lại Giggs nhằm không cắt đứt với quá khứ. Man Utd tiếp tục sa lầy. Tháng 6/2016, Mourinho xuất hiện. Một nhân cách khác biệt, thay đổi toàn bộ hệ thống “hoài cổ” của Man Utd, loại bỏ tất cả những nhân vật cũ thuộc về lịch sử của Man Utd. Và thời Mourinho, Man Utd có League Cup, có Europa League. Dù không lừng lẫy như quá khứ, nhưng Man Utd đã thoát khỏi bi kịch, có danh hiệu. Nhưng sự độc tài và xóa bỏ lịch sử của Mourinho đã khiến ông phải ra đi. Khi Mourinho bị sa thải, Man Utd đưa một người khác lên thay và đó là Solskjaer, cũng là một huyền thoại quá khứ, bất kể ông là một HLV không có nhiều kinh nghiệm. Khi bổ nhiệm Solsa làm HLV chính thức sau thời gian tạm quyền, trang chủ Man Utd viết câu đầu tiên: “Solskjaer ghi 126 bàn sau 366 lần ra sân cho United từ 1996 đến 2007”. Nó như thể thành tích ấy đủ để đưa ông làm HLV Man Utd. Thời gian Solsa nắm quyền cũng là lúc Man Utd trở lại sự hoảng loạn.

3. Sự thay đổi một lần nữa lại đến với sự có mặt của chiến lược gia gạo cội người Đức Ralf Rangnick. Nhưng lạ một cái, người ta không hiểu ông là gì khi ở đây. HLV, nhà quản lý hay chuyên gia, một cố vấn? Và kết cục, những cuộc cách mạng mà Rangnick hứa hẹn sẽ làm tại Old Trafford đổ bể nhanh chóng. Ông đi không kèn, không trống. Rồi một kế hoạch mới lại được tiến hành với Erik Ten Hag. Nhưng cách mà Man Utd vận hành vẫn cũ kỹ và dựa vào những công thần thế hệ 1992. Nó khác hoàn toàn với Man City, với những người nước ngoài, những người chẳng liên quan gì đến lịch sử hay quá khứ của CLB. Ferran Soriano và Txiki Beguiristain là những nhà quản lý bóng đá hàng đầu thế giới, làm việc cùng Pep Guardiola, một người được ủng hộ để làm tất cả những gì mới nhất, cách mạng nhất ở nửa xanh thành Manchester. Và đến giờ, sau tròn 1 thập kỷ loay hoay với quá khứ, mọi sự thay đổi có vẻ như đã quá muộn với Man Utd.

Man United và sự ám ảnh từ quá khứ ảnh 2

Ảnh trong bài: Getty Images

Thời gian là thứ Man Utd lãng phí để tự làm mình tụt lại phía sau, mặc dù thế hệ 1992 cũng đã tự mình thay đổi cho phù hợp với thời đại, cụ thể là Beckham. Những gì Beckham làm ở Inter Miami là cách làm mà chính Man Utd cần tham khảo, thay vì cứ mãi dựa vào lý thuyết được gọi nôm na là “DNA của Man Utd”, điều mà làm gì còn tồn tại ở thời điểm này.

Để có tương lai, bất kỳ ai cũng cần tôn trọng quá khứ, trân trọng lịch sử, nhưng đôi khi sự sùng bái những gì đã qua, sự ám ảnh của truyền thống quá lẫy lừng và lấy nó làm thước đo cho hiện tại, lại có thể trở thành cái bẫy cho tương lai!