Xây dựng xã hội học tập suốt đời

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cách làm hay, sáng tạo để xây dựng xã hội học tập, tạo mọi điều kiện thuận lợi đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân thành phố…
0:00 / 0:00
0:00
Trao học bổng Lương Ðịnh Của cho con hội viên nông dân nghèo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Trao học bổng Lương Ðịnh Của cho con hội viên nông dân nghèo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố, Quận 10, đầu tư thư viện sách với diện tích gần 100m2, với 25 máy vi tính có kết nối internet để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Tại đây có nhiều loại sách tham khảo, học tập, bồi dưỡng nâng cao, sách hướng dẫn nghiên cứu khoa học, tâm lý các lứa tuổi… với 12.520 bản. Ðể bổ sung nguồn tư liệu, trường đã dành kinh phí mua sách, báo và phần mềm thư viện điện tử hơn 31 triệu đồng trong năm học 2019-2020; gần 30 triệu đồng trong năm học 2020-2021. Thư viện còn tổ chức nhiều chuyên đề giới thiệu sách, kết hợp tổ bộ môn tổ chức các chuyên đề như hội thi "Lớn lên cùng sách"; hội thi "Văn hay chữ tốt"; hội thi "Ðại sứ Văn hóa đọc". Thư viện đã thu hút học sinh đến đọc sách, tham khảo, học tập khoảng 200 lượt mỗi ngày mở cửa.

Mỗi lớp học của trường đều có một tủ sách với rất nhiều đầu sách có giá trị, phù hợp lứa tuổi. Hiện nhà trường đã xây dựng được 40/40 thư viện lớp học; mỗi tủ sách lớp học có khoảng 15 đầu sách. Ðể làm phong phú tủ sách, nhà trường đã vận động cán bộ, giáo viên và cha mẹ học sinh quyên góp xây dựng tủ sách tại các lớp học.

Cô Ðoàn Thị Nụ, Phó Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố cho biết, nuôi dưỡng và phát triển sở thích đọc sách của học sinh trong môi trường học đường sẽ đem lại cho các em nhiều lợi ích như: giúp phát triển kỹ năng đọc, tạo thói quen đọc. Trường đặc biệt lưu tâm tới yếu tố: Biết vận dụng những nội dung đã đọc vào cuộc sống của mỗi người đọc để có thể cải thiện được chính cuộc sống của họ, nhất là trong bối cảnh việc xử lý, cập nhật thông tin quá nhiều như hiện nay.

Cũng theo cô Ðoàn Thị Nụ, thế hệ trẻ hiện nay bị văn hóa nghe, nhìn lôi cuốn mạnh hơn là văn hóa đọc. Ai cũng biết "nghe, nhìn" nặng về tính thông tin và giải trí nhưng nhẹ về tính giáo dục và tri thức. Văn hóa đọc thì ngược lại. Văn hóa nghe, nhìn và văn hóa đọc bổ sung cho nhau, không loại trừ nhau. Ở các nước có nền giáo dục lành mạnh, văn hóa đọc sẽ giành lại được vị trí của mình. Việc phát triển và lan tỏa văn hóa đọc đến từng học sinh cũng là một cách giáo dục hữu hiệu. Sự học không chỉ dừng lại ở trường phổ thông mà phần rất quan trọng là tự học; trong việc tự học, đọc sách là quan trọng nhất…

Qua 15 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã góp phần tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức, tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh của thành phố. Thực tế, các mục tiêu xây dựng mô hình "Dòng họ học tập", "Ðơn vị học tập", "Cộng đồng học tập" có sự phát triển rõ nét với tỷ lệ đạt được khá cao.

Ðến nay, mạng lưới trường lớp ở các cấp học, bậc học trên địa bàn thành phố đã được phủ khắp các quận, huyện và thành phố Thủ Ðức với 2.355 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông; 1.791 cơ sở giáo dục thường xuyên, 310 trung tâm học tập cộng đồng. Tính đến cuối năm 2020, toàn bộ các địa phương cấp quận ở thành phố củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục bậc trung học. Ở bậc mầm non, tất cả các phường, xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt tỷ lệ 100%; bậc tiểu học, tất cả các phường, xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 với 100% trẻ em 6 tuổi ra lớp; bậc trung học đạt chuẩn phổ cập theo chuẩn của thành phố đạt 100%...

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Dương Trí Dũng cho rằng, để thực hiện mục tiêu khuyến khích học tập suốt đời trong bối cảnh hiện nay, thành phố cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực tìm kiếm và áp dụng những mô hình có tính đột phá để khuyến khích xã hội học tập trong kỷ nguyên số. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của con em thành phố, kể cả cư dân không có hộ khẩu thành phố; tăng cường năng lực tiếng Anh cho người dạy và người học; phát triển, ứng dụng nền tảng số dạy và học trực tuyến với các tính năng tiên tiến hỗ trợ học tập cá thể hóa và tăng cường trải nghiệm. Cùng với đó, kết nối nền tảng dạy học trực tuyến với nền tảng quản trị nhà trường và mạng IoT, thiết lập hệ sinh thái chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục...