Xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế vì tương lai và thịnh vượng

Tại Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ về sự chuẩn bị, kế hoạch hành động triển khai xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều lợi thế để hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế. (Ảnh ANH THẾ)
Khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều lợi thế để hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế. (Ảnh ANH THẾ)

Khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ tài chính

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên bày tỏ: Sự kiện này là niềm vui lớn, tiếp thêm năng lượng tích cực, góp phần quan trọng giúp thành phố thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Trung ương giao trước mắt và lâu dài.

Nghị quyết số 24-NQ/TW và Nghị quyết số 31-NQ/TW đặt ra nhiệm vụ, giải pháp cho Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Trong đó, có quy định phải có cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm). Việc thành lập Trung tâm này là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn chiến lược của Trung ương, sự cam kết mạnh mẽ và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, cùng sự đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp thành phố trong việc xây dựng một hệ sinh thái tài chính minh bạch, hiệu quả và bền vững. Trung tâm không chỉ là nơi tập trung các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán hay đầu tư mà còn là nơi hội tụ của tri thức, công nghệ và sự kết nối toàn cầu.

Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Đây sẽ là động lực mạnh mẽ, nơi thu hút nguồn vốn với chi phí cạnh tranh để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm tài chính công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp phát triển. Trung tâm Tài chính quốc tế không chỉ là dự án phát triển kinh tế mà còn là sự khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính”.

Xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế là bước đi chiến lược để kết nối sâu hơn với dòng chảy tài chính thế giới, thu hút nguồn lực và thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Trung tâm này không chỉ hướng tới một nơi tập trung hoạt động tài chính mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, dẫn dắt lĩnh vực công nghệ tài chính với xu hướng kinh tế xanh và bền vững. Sự thành công của Trung tâm không chỉ phụ thuộc vào các chính sách mà còn là sự đồng lòng của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tập trung huy động, bố trí nguồn lực

Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thành lập tổ chức bộ máy và chỉ đạo chuẩn bị nhiều nhiệm vụ quan trọng cần thiết trước mắt cũng như lâu dài cho công việc này. Đây là cam kết chính trị để hiện thực hóa chỉ đạo của Trung ương và Thủ tướng Chính phủ. Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm cao nhất thực hiện nghiêm Kết luận của Bộ Chính trị, kế hoạch triển khai của Chính phủ một cách nhanh chóng, quyết liệt, khẩn trương phối hợp với bộ, ngành Trung ương thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Cụ thể, trên cơ sở Quyết định thành lập Ban chỉ đạo của Trung ương, thành phố sẽ thành lập Ban Chỉ đạo địa phương để điều phối công tác tổ chức thực hiện tại thành phố, có các nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Theo đó, thành phố quy hoạch không gian phát triển của Trung tâm Tài chính, tổ chức nghiên cứu quy hoạch, bố trí khu vực Trung tâm Tài chính theo kế hoạch. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng quy hoạch gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bảo đảm không gian phát triển mở rộng và đồng bộ; ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Ngoài ra, thành phố tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ quản lý, vận hành của Trung tâm, đào tạo nhân lực phát triển, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, nhất là trong lĩnh vực tài chính và công nghệ. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, các định chế tài chính lớn... phát triển thị trường tài chính an toàn, lành mạnh, bền vững.

Cùng với đó, thành phố tập trung bố trí nguồn lực, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển Trung tâm. Huy động các nguồn lực trong đó có ngân sách, hỗ trợ quốc tế, nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân, nguồn vốn cộng đồng và xã hội. Đồng thời, chủ động làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị về thành lập Trung tâm. Thành phố tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm, lắng nghe, tiếp thu thêm nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Hiện tại, thành phố có nhiều tổ chức tư vấn để có bước đi thích hợp, tiên tiến, hiện đại và phù hợp với điều kiện thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo thành phố nhận định: Quá trình xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế là kết quả của tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, tâm huyết, trí tuệ của nhiều tập thể và cá nhân để có một sản phẩm khá công phu, bài bản, khoa học và chất lượng. Tuy nhiên, đây chỉ mới là bước đầu, mọi việc phía trước còn rất nhiều thử thách. Đối với Việt Nam, đây là việc mới, khó và nhiều phức tạp. Vì thế, Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan phải xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong tổ chức thực hiện đề án quan trọng này. “Đây không chỉ là việc riêng của Thành phố Hồ Chí Minh hay thành phố Đà Nẵng mà là trách nhiệm và thành quả của cả nước...” , đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị có Thông báo số 47-TB/TW về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Tiếp đó, ngày 31/12/2024 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP phê duyệt kế hoạch hành động triển khai xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, Chính phủ phân công 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 12 bộ, ngành và các địa phương chủ trì triển khai, gắn với các sản phẩm đầu ra để hình thành khung pháp lý. Các nhiệm vụ tập trung vào năm trọng tâm gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút nhân tài quốc tế, thúc đẩy đổi mới tài chính, hội nhập quốc tế và bảo vệ an ninh tài chính.