Nâng cao chất lượng, tích cực quảng bá hoạt động văn hóa

Bên cạnh những cố gắng phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực tập trung phát triển văn hóa sao cho xứng tầm với vị trí, vai trò của một thành phố đầu tàu của cả nước. Nhiều chính sách, giải pháp, hoạt động thiết thực được triển khai đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa thành phố trong những năm gần đây.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở Khát vọng hòa bình của Nhà hát Kịch thành phố.
Cảnh trong vở Khát vọng hòa bình của Nhà hát Kịch thành phố.

Năm 2024, thành phố có thêm năm công trình được xếp hạng là di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp thành phố, đó là: Chợ Bến Thành, Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo; trụ sở Ủy ban nhân dân Quận 1; trụ sở Cục Hải quan; mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty-Thừa vụ lang họ Trần.

Tính đến thời điểm này, thành phố có 193 di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng; trong đó, có hai di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích cấp quốc gia, 133 di tích cấp thành phố. Ngoài ra, thành phố có hơn 130 công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử-văn hóa, tăng 30 công trình so với giai đoạn trước đó. Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Những năm qua, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao đã có nhiều giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; cùng với Hội Di sản văn hóa thành phố thực hiện việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc và đã đạt được một số kết quả tiêu biểu. Điển hình như di tích cấp quốc gia trụ sở Hội đồng nhân dân-Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những điểm tham quan được đông đảo du khách trong và ngoài nước yêu thích. “Đối với việc đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích, giai đoạn từ năm 2020-2022, nguồn vốn đầu tư tu bổ từ ngân sách nhà nước khoảng 90 tỷ đồng; giai đoạn năm 2023-2024 là khoảng 580 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ đầu tư tu bổ bằng nguồn ngân sách nhà nước năm 2023-2024 so với năm 2020-2022 tăng hơn 600%”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Trần Thế Thuận cho biết thêm.

Hoạt động của hệ thống bảo tàng được quan tâm, phát huy, đã góp phần phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng lãm, tìm hiểu của người dân thành phố và du khách trong và ngoài nước; tăng cường chuyên môn hóa, đầu tư trang thiết bị chuyên dụng để bảo quản, phục chế hiện vật; công tác sưu tầm ngày càng đi vào chiều sâu; thường xuyên tổ chức triển lãm, trưng bày hiện vật, kết hợp giữa triển lãm giới thiệu, quảng bá văn hóa với giáo dục truyền thống, lịch sử. Công tác nghiên cứu, khảo sát và lập hồ sơ di tích, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo vật quốc gia được tăng cường; thành lập và duy trì tốt hoạt động Hội Cổ vật, Hội Di sản văn hóa thành phố.

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, hằng năm, thành phố duy trì tổ chức gặp gỡ giới văn nghệ sĩ tiêu biểu; thường xuyên nắm chắc nguyện vọng của văn nghệ sĩ để kịp thời động viên, chỉ đạo, định hướng hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật. Nhiều hội nghị chuyên đề về văn hóa, văn học, nghệ thuật được tổ chức, cùng với đó là công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức văn học, nghệ thuật và lý luận phê bình văn học, nghệ thuật cho đội ngũ văn nghệ sĩ được thành phố quan tâm thường xuyên.

Một trong những sự kiện văn hóa nổi bật của thành phố trong năm vừa qua chính là lần đầu thành phố tổ chức Liên hoan sân khấu với chủ đề “Khát vọng phương nam”. Liên hoan đã thu hút 19 đơn vị sân khấu với 24 vở diễn đa dạng về sắc màu nghệ thuật, nội dung được đánh giá đã đem đến những cảm xúc sâu đậm trong lòng khán giả cũng như thể hiện sức sống bền bỉ của nghệ thuật kịch nói trong đời sống văn hóa của người dân thành phố.

Với một đô thị lớn, dân cư đông và có thị trường sôi động, đa dạng như Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh các đơn vị nghệ thuật công lập hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ thì tại liên hoan lần này cho thấy sức sống mạnh mẽ của các đơn vị doanh nghiệp tham gia lĩnh vực sân khấu nhiều nhất nước là một yếu tố rất đặc thù. “Thành phố luôn mong muốn tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, những không gian nghệ thuật, xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích sức sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố luôn quan tâm chú trọng xây dựng Liên hiệp trở thành “ngôi nhà” chung của các văn nghệ sĩ, thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động văn nghệ sĩ thành phố nắm rõ, hiểu rõ những quan điểm chỉ đạo của Đảng về văn học nghệ thuật.

Bên cạnh đó, thành phố cần có quan điểm nhất quán trong việc quan tâm phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ; xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ tâm huyết, vững vàng về bản lĩnh chính trị; duy trì và phát huy một cách đồng bộ các giải pháp phát triển văn học nghệ thuật thành phố phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, kết hợp truyền thống với hiện đại, phấn đấu cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của thành phố, của đất nước.