Bắc Kạn hiện là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 5 sao cấp quốc gia. Điều đó cho thấy hiệu quả từ cách xây dựng thương hiệu bắt đầu từ triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với từng sản phẩm. Thí dụ như các sản phẩm từ củ nghệ là minh chứng điển hình cho việc xây dựng thương hiệu bài bản của địa phương này. Thay vì làm manh mún, không thương hiệu, Bắc Kạn đã khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư liên kết trồng và chế biến củ nghệ.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành (thành phố Bắc Kạn) Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết, nhờ hỗ trợ của tỉnh, đơn vị đã đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại công suất lớn vào sản xuất. Cùng với đó sản phẩm đã được chứng nhận an toàn thực phẩm, có đầy đủ bao bì, mã vạch theo quy định, được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Không những vậy, đơn vị đã xây dựng được thương hiệu bằng quy trình sản xuất hiện đại, bảo đảm chất lượng nên các sản phẩm từ củ nghệ nếp đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố lớn và dành cho xuất khẩu.
Trong thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Mỗi chuỗi giá trị gắn với một sản phẩm cụ thể được đầu tư từ cây, con giống cho tới hướng dẫn kỹ thuật và xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá, kết nối tiêu thụ cho sản phẩm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, thực hiện Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể, tính đến hết ngày 30/10/2024, toàn tỉnh đã có 34 dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được triển khai; trong đó, có 16 dự án chăn nuôi, 15 dự án trồng trọt, ba dự án dược liệu với tổng kinh phí hơn 32 tỷ đồng.
Thống kê sơ bộ, qua thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia, tính đến ngày 31/10/2024, trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện 110 dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; trong đó có 64 dự án mô hình liên kết thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 30 dự án mô hình liên kết thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và 16 mô hình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tổng kinh phí được phê duyệt thực hiện gần 120 tỷ đồng, với 4.400 hộ dân được hưởng lợi.
Hiện nay, tỉnh có 221 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có bốn sản phẩm OCOP 5 sao, 18 sản phẩm OCOP 4 sao, 199 sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài ra, tỉnh cũng nỗ lực định vị và bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm mang tính đặc hữu. Tỉnh có bốn sản phẩm gồm: Miến dong; hồng không hạt; quả quýt; vịt bầu cổ xanh đã được cấp chỉ dẫn địa lý và năm sản phẩm gồm: Gạo nếp khẩu nua lếch; chè shan tuyết Bằng Phúc; khẩu nua Pái Chợ Đồn; gạo bao thai Chợ Đồn; gạo nếp Tài Ba Bể được cấp nhãn hiệu tập thể.
Với các sản phẩm khi đã có thương hiệu, bao bì, nhãn mác, tỉnh tiếp tục hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ. Theo Sở Công thương, tỉnh đã tổ chức cho các chủ thể quản lý đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, triển lãm tại nhiều tỉnh, thành phố, như: Tuần lễ quảng bá văn hóa, bán hàng đặc sản ở Novaworld Phan Thiết tại phố đi bộ Miami, Novaworld Phan Thiết (Bình Thuận); hội chợ Công thương vùng Tây Bắc-Điện Biên năm 2024; hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu thành phố Hà Nội và khu vực phía bắc năm 2024 tại thành phố Hà Nội; chương trình Ngày hội hàng hóa vì người tiêu dùng năm 2024…
Theo Giám đốc Sở Công thương Hà Sỹ Thắng, nỗ lực quảng bá, kết nối tiêu thụ nông, lâm sản, tỉnh đã có được thành công bước đầu trong xúc tiến thương mại. Hàng trăm sản phẩm nông sản, OCOP đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trên cả nước. Cùng với đó, thông qua các hợp đồng được ký kết góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hoạt động xúc tiến thương mại thật sự trở thành cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng với mục tiêu nâng giá trị sản phẩm, chia sẻ lợi ích và phát triển bền vững.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các chủ thể kinh tế nâng cấp, hoàn thiện về sản phẩm, tập trung đổi mới và cải thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật, mở rộng vùng nguyên liệu; nâng cao chất lượng sản phẩm... Tập trung rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống. Nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại.