Huyện Tuần Giáo tập trung nguồn lực phát triển cây cà-phê

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong hai khâu đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tuần Giáo (Điện Biên) khóa XXI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ngoài cây mắc-ca, huyện xác định cây cà-phê là cây chủ lực thứ hai .
0:00 / 0:00
0:00
Quả cà-phê chè sau khi thu hái được phơi dưới ánh nắng nhẹ để bảo đảm chất lượng.
Quả cà-phê chè sau khi thu hái được phơi dưới ánh nắng nhẹ để bảo đảm chất lượng.

Cây cà-phê có tuổi thọ từ 15-20 năm, trồng 1 lần cho thu hoạch trong nhiều năm; công chăm sóc, chi phí chăm sóc thấp, kỹ thuật chăm sóc khá đơn giản. Ngoài lấy quả cây còn có tác dụng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

Cây cà-phê đã được trồng tại huyện Tuần Giáo từ những năm 2000. Qua nhiều giai đoạn phát triển, cây cà phê đã khẳng định sự phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện và có tiềm năng phát triển, năng suất trung bình 7-8 tấn quả tươi/ha (sản lượng bình quân đạt 4.000 tấn quả tươi/năm). Với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg, trừ các chi phí, lợi nhuận bình quân đạt 50-60 triệu đồng/năm, gấp 10 lần trồng ngô. Để bảo đảm đầu ra cho cây cà-phê, Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Cà-phê Việt Bắc cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cà-phê của người dân huyện Tuần Giáo theo giá thị trường nhưng không thấp hơn 10.000 đồng/kg hoặc 0,4 USD/kg (tùy theo giá trị nào cao hơn) đến năm 2050.

Do đó, Tuần Giáo xác định hướng xác định cây cà-phê là cây trồng chủ lực thứ hai để phát triển kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Huyện Tuần Giáo tập trung nguồn lực phát triển cây cà-phê ảnh 1
Nông dân huyện Tuần Giáo thu hoạch, sơ chế cà-phê.

Sau khi được Ban Thường vụ Huyện ủy nhất trí chủ trương, UBND huyện Tuần Giáo đã tích cực nghiên cứu, tập trung nguồn lực để phát triển cây cà-phê; đồng thời chỉ đạo các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thấy được hiệu quả kinh tế, các chính sách hỗ trợ phát triển cây cà-phê, quyết tâm chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để thoát nghèo, vươn lên làm giàu; tổ chức cho người dân đi học tập, trao đổi kinh nghiệm trồng cây cà-phê…

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuần Giáo Hà Cầm Hồng, diện tích trồng mới năm 2024 đạt 1.032,7ha, gấp 5 lần so với năm 2023, nâng tổng diện tích cà-phê của huyện lên 1.578,71ha, diện tích cho thu hoạch ước đạt 491,9ha, sản lượng ước đạt 700 tấn. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ triển khai thực hiện 3 dự án với diện tích 123ha, đến nay cây trồng sinh trưởng phát triển tốt tỷ lệ sống bình quân đạt hơn 96%, người dân tự phát triển 909,7ha.

Hiện tại quả cà-phê trên địa bàn huyện được người dân thu hái thủ công theo hình thức chọn lọc quả chín, sau thu hái người dân bán trực tiếp quả tươi cho thương lái với giá bình quân 15.000-18.000 đồng/kg.

Huyện Tuần Giáo tập trung nguồn lực phát triển cây cà-phê ảnh 2
Doanh nghiệp cà-phê quốc tế Hồng Kỳ sản xuất cà-phê niên vụ năm 2024.

Ủy ban nhân dân huyện Tuần Giáo đã chủ động phối hợp, làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên quyết định công nhận cho 663 cây đầu dòng cây cà-phê chè Catimor của huyện là cơ sở để huyện Tuần Giáo chủ động về nguồn giống bảo đảm chất lượng. UBND huyện cũng đang tích cực mời gọi, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư liên kết bao tiêu sản phẩm, xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn huyện. Định hướng xây dựng các điểm thu mua, sơ chế tại các xã và xây dựng nhà máy chế biến tại Quài Cang (khu vực Nhà máy chế gỗ rừng việt Tây Bắc rộng 2,3ha, có công suất chế biến 120 tấn quả tươi/ngày), có thể bao tiêu, chế biến cho khoảng 1.500ha cà-phê cho thu hoạch (gấp 3 lần diện tích hiện có); sau này khi diện tích vượt 1.500ha sẽ thể mở rộng nhà máy.

Qua quá trình triển khai cũng cho thấy một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Lãnh đạo một số xã chưa quan tâm đúng mức, chưa thường theo dõi việc triển khai thực hiện dẫn đến chưa kịp thời, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành. Một số hộ gia đình tự phát triển cà-phê chưa tuân thủ các quy trình kỹ thuật trong trồng cà-phê như: đào hố không đủ kích thước và khoảng cách, phân bón còn hạn chế, chưa quan tâm, chăm sóc, tưới nước cho cây…Tại hầu hết các xã, các hộ dân chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật cắt tỉa cành răm dẫn đến năng suất, sản lượng thấp.

Các diện tích trồng đều chưa chủ động được nước tưới, phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện khí hậu thời tiết. Hầu hết các diện tích đều chưa được người dân trồng cây che bóng, không thực hiện phát cỏ, tạo thảm cỏ giữ ẩm cho cây mà dãy cỏ trơ đất, làm cho đất bị rửa trôi, nhanh bạc mầu. Người dân chủ yếu quan tâm đến năng suất, sản lượng, chưa tập trung vào nâng cao chất lượng quả, duy trì, phát triển ổn định cho cây. Việc tiêu thụ chủ yếu dựa vào thương lái, chưa có khu vực sơ chế, sấy khô tập trung để bảo đảm ổn định giá và gia tăng giá trị sản phẩm.

Với mục tiêu xây dựng Tuần Giáo trở thành vùng nguyên liệu cà-phê, năm 2025 huyện quyết tâm trồng hơn 2.000ha cà-phê, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động và trở thành nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình, giúp người dân Tuần Giáo thoát nghèo bền vững.

Để bảo đảm quy định và thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, Ủy ban nhân dân huyện Tuần Giáo đã trình và được Ban Thường Huyện ủy nhất trí về chủ trương thực hiện xã hội hóa phát triển cây cà-phê và phương án hỗ trợ nhân dân gieo ươm cà-phê trồng năm 2025. Theo đó, sử dụng nguồn xã hội hóa để phát triển cây cà-phê.

Huyện hỗ trợ các vật tư thiết yếu cho người dân gồm hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật ngâm xử lý hạt giống, vôi dùng ngâm hạt giống, túi bầu, lân bột 15% dùng để trộn đất đóng bầu; cán bộ kỹ thuật hướng dẫn để người dân tự gieo ươm, trồng, chăm sóc. Người dân tự thực hiện đất đóng bầu, công làm đất, công chăm sóc từ lúc tra hạt vào bầu cho đến khi cây đủ điều kiện đưa ra vườn cây, tự chăm sóc, làm cỏ, mua phân bón cây hàng năm và chăm sóc cây cà-phê theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

Người dân được thụ hưởng toàn bộ sản phẩm do mình làm ra. Quy mô diện tích theo nguyện vọng, đề xuất của nhân dân trên địa bàn các xã, thị trấn nhưng phải bảo đảm có đủ nhân lực, vật lực… để trồng, chăm sóc bảo vệ cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Ưu tiên phát triển tại các khu vực có thổ nhưỡng khí hậu phù hợp như các xã Tỏa Tình, Tênh Phông, Quài Tở, Chiềng Sinh, Quài Cang, Pú Nhung, Quài Nưa, Mùn Chung, Mường Mùn…

Một trong những điểm nhấn trong công tác tuyên truyền là tổ chức thực hiện lồng ghép tuyên truyền nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Ngày hội đại đoàn kết tại tất cả 162 bản của 18 xã với 17.728 người (đại diện hộ gia đình) tham gia. Qua tuyên truyền nhận thức, niềm tin vào con đường tái cơ cấu ngành nông nghiệp của bà con tiếp tục được củng cố, nâng lên; tích cực hơn trong việc chú trọng chăm sóc, bảo vệ diện tích mắc-ca, cà-phê đã trồng và đăng ký diện tích trồng mới mắc-ca, cà-phê năm 2025. Tính đến đầu tháng 12 năm 2024, đã có gần 3.900 hộ đăng ký trồng cà phê năm 2025 với diện tích 2.339,5ha, đạt 117% kế hoạch.

Huyện Tuần Giáo tập trung nguồn lực phát triển cây cà-phê ảnh 3
Sản phẩm cà-phê của người dân huyện Tuần Giáo được bảo đảm đầu ra.

Huyện Tuần Giáo tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có phát triển cây cà-phê tại địa phương.