Điều trị nhắm đích mang lại cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân ung thư

NDO - Từ ước mơ chỉ sống thêm 5 năm, chị Lê Thị Dung (quê Thanh Hóa) không thể nghĩ có ngày mình lại kéo dài được sự sống thêm 16 năm dù mắc căn bệnh ung thư máu mạn tính. Điều trị nhắm đích đã mang lại cuộc đời mới cho những người bệnh như chị Dung.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Lê Thị Dung (quê Thanh Hóa) khỏe mạnh nhờ phương pháp điều trị nhắm đích.
Chị Lê Thị Dung (quê Thanh Hóa) khỏe mạnh nhờ phương pháp điều trị nhắm đích.

Cuối năm 2008, chị Dung mới 23 tuổi và vừa kết hôn được hơn 1 tháng thì nhận tin mình bị ung thư máu. Trước đó, chị thường hay bị cảm cúm 1- 2 ngày rồi tự khỏi nên chị cũng không để ý. Có lần chị còn bị đau bụng và ai cũng nghĩ là chị bị viêm ruột thừa.

Và chị chẳng thể ngờ được, lần đi khám tưởng như rất bình thường đó lại trở thành một cơn ác mộng. Kết luận ung thư máu khiến chị cảm thấy như bước hụt xuống vực sâu và khó lòng chấp nhận được sự thật.

Đang là một cô gái khỏe mạnh, tràn đầy sức sống, chị Dung phải nhập viện, bạch cầu tăng rất cao. Chị chỉ biết cố gắng điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Sau đó, chị được bác sĩ tư vấn, bệnh của chị là thể ung thư máu mạn tính (Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt – CML) và thời điểm này tại Việt Nam đã có thuốc điều trị nhắm đích. Mặc dù chi phí điều trị khá cao nhưng có các chương trình hỗ trợ thuốc cho người bệnh nên chị được điều trị kịp thời.

Năm 2010, chị đi siêu âm kiểm tra lách và bất ngờ phát hiện mình mang thai ngoài dự định. Chị vừa mừng, vừa lo vì mình đang uống thuốc, điều chị sợ nhất là thuốc có thể gây ảnh hưởng đến em bé trong bụng mẹ.

Chị buộc phải dừng uống thuốc nhắm đích. Từ Thanh Hoá, chị phải ra Hà Nội liên tục, trải qua rất nhiều lần khám, kiểm tra, hội chẩn. Mỗi lần chờ đợi kết luận từ bác sĩ, chị đều sống trong nỗi sợ hãi, bất an dài như vô tận.

May mắn là thai nhi vẫn phát triển bình thường. Tuy nhiên, sau một thời gian nghỉ thuốc, bạch cầu chị tăng cao lên tới 15.000-16.000. Chị được bác sĩ kê đơn uống thuốc hydra liều nhẹ nhất.

Sau 9 tháng thấp thỏm, lo âu, gia đình chị được đón chào một bé trai chào đời. Từ một người phụ nữ tuyệt vọng khi nghĩ mình chẳng còn hy vọng gì vào tương lai nữa, chị Dung dâng trào hạnh phúc khi lần đầu tiên được làm mẹ.

Thời gian trôi qua, chị đi khám đều đặn và điều trị theo đúng tư vấn của bác sĩ tại Khoa Khám bệnh và Điều trị ngoại trú, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Ngay cả trong dịch Covid-19, chị cũng vượt qua chặng đường dài với rất nhiều trạm kiểm soát để ra Hà Nội xét nghiệm và lấy thuốc.

Điều trị nhắm đích mang lại cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân ung thư ảnh 1

Từ tháng 10/2022, các bác sĩ của Viện đánh giá kết quả xét nghiệm của chị đã âm tính liên tục trong một thời gian dài nên chị được dừng thuốc và chỉ cần đi khám định kỳ, xét nghiệm tủy 2-3 tháng 1 lần. Với một người đã từng nhận chẩn đoán ung thư máu mạn tính và có lúc không còn hy vọng vào tương lai như chị Dung, cuộc sống hiện tại như một điều kỳ diệu.

Năm 2023, sau một thời gian dừng thuốc, chị mang thai và chào đón đứa con thứ 2 ra đời.

“Khi phát hiện bệnh từ 16 năm trước, em không dám nghĩ mình sống được đến như bây giờ. Lúc sinh con đầu lòng, em chỉ ước mình sống được 5 năm, chăm sóc con đến khi con biết tự lo cho mình và đi học. Nhờ các bác sĩ và nhờ có thuốc nên em đã được thay da đổi thịt, được sống như một người bình thường. Hiện tại, em không dám ước mơ gì hơn nữa. Em luôn sống thật lạc quan, ăn uống, tập thể dục thể thao đều đặn.

Em tin rằng càng ngày sẽ càng có những loại thuốc tốt và luôn tin tưởng vào bác sĩ. Mong các cô chú, các anh chị hãy cố gắng, tin vào khoa học, hãy cố gắng sống thật vui vẻ, lạc quan, đừng nghĩ ung thư là chấm hết thì mọi chuyện sẽ ngày càng tốt đẹp hơn”, chị tâm sự.

Thạc sĩ, bác sĩ Tống Thị Hương, Phó trưởng khoa Khám bệnh và Điều trị ngoại trú, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết: Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt (Chronic myeloid leukemia – CML) hay còn gọi ung thư máu mạn tính dòng bạch cầu hạt, là bệnh về máu phổ biến. Bệnh chiếm khoảng 5-6% các bệnh về máu tại Việt Nam. Bệnh tiến triển qua 3 giai đoạn là mạn tính, tăng tốc và chuyển cấp (bạch cầu cấp – lơ xê mi cấp).

Trước đây, giai đoạn mạn tính của lơ xê mi tủy mạn thường kéo dài 3-5 năm, rồi chuyển thành lơ xê mi cấp. Nhưng hiện nay, với việc điều trị nhắm đích bằng các thuốc ức chế hoạt tính tyrosin kinase và ứng dụng ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài, tiên lượng người bệnh lơ xê mi tủy mạn được cải thiện mạnh mẽ.

Thuốc điều trị nhắm đích đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh bạch cầu (ung thư máu), đặc biệt ở một số phân nhóm nhất định nơi xác định được các bất thường về di truyền hoặc phân tử cụ thể. Những loại thuốc này được thiết kế để can thiệp vào các phân tử hoặc con đường cụ thể chịu trách nhiệm cho sự phát triển và tồn tại của các tế bào ung thư bạch cầu.

Trong quá trình điều trị nhắm đích, người bệnh cần đi khám, làm xét nghiệm định kỳ và dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ để đạt được đáp ứng tốt nhất. Người bệnh không nên tự dừng thuốc hay tự giảm liều thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ điều trị.

Điều trị nhắm đích mang lại cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân ung thư ảnh 2

Việc tuân thủ điều trị nghiêm ngặt cùng với liệu pháp nhắm đích đã giúp cho hầu hết người bệnh CML giai đoạn mạn tính hiện nay có tuổi thọ gần như bình thường”.

Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt (CML) thường được biết đến là bệnh lý ở người cao tuổi, tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ nhất định gặp ở những phụ nữ trẻ, đang trong độ tuổi sinh đẻ. Việc quản lý tình trạng mang thai trên người bệnh CML là một thách thức, do những tác động của các thuốc ức chế tyrosine kinase (TKIs) tới mẹ và thai nhi.

Phụ nữ đang dùng thuốc điều trị nhắm đích không nên có thai còn nam giới có thể có con bằng cách dừng dùng thuốc 1-2 tháng ở thời điểm thụ thai.

Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt (CML) là một bệnh ác tính hệ tạo máu, đặc trưng bởi sự tăng sinh các tế bào dòng bạch cầu hạt có biệt hóa trưởng thành. Từ năm 1975 đến năm 1977, tỷ lệ sống tương đối sau 5 năm của người bệnh CML chỉ là 24%.

Sự ra đời của liệu pháp điều trị nhắm đích (TKIs) đã mang đến cuộc sống gần như bình thường cho người bệnh CML với tỷ lệ sống sau 10 năm khoảng 90%. Tuy nhiên, lợi ích lâu dài này phụ thuộc rất nhiều vào sự tuân thủ điều trị của người bệnh. Việc tuân thủ điều trị kém được coi là trở ngại lớn trong việc điều trị thành công cho người bệnh CML hiện nay.

Nguyên nhân gây bệnh CML là do bất thường di truyền chuyển đoạn giữa nhiễm sắc thể số 9 và nhiễm sắc thể số 22. Chính vì vậy, các nhà khoa học trên thế giới đã lấy ngày 22/9 là Ngày Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt Thế giới.