Xây dựng thương hiệu “Cà-phê Đăk Hà” vươn tầm quốc tế

Sau nhiều nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, năm 2019, sản phẩm “Cà-phê Đăk Hà” tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là sự khẳng định về uy tín, chất lượng cà-phê Đăk Hà, tạo nền tảng quan trọng để sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Cà-phê Đăk Hà” khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Chế biến cà-phê chất lượng cao tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà-phê Nguyên Huy Hùng.
Chế biến cà-phê chất lượng cao tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà-phê Nguyên Huy Hùng.

Huyện Đăk Hà hiện có hơn 15 nghìn ha cà-phê. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00079 cho cà-phê Đăk Hà đối với bốn loại sản phẩm: cà-phê nhân, cà-phê rang, cà-phê bột và cà-phê tỉnh Kon Tum.

Thay đổi nhận thức và tư duy canh tác

Từ ngày tham gia Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Công bằng Pô Kô Farms, gia đình ông Phan Tiến Dũng tại thôn Đăk Bình, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hợp tác xã đề ra là theo hướng hữu cơ, bền vững trên toàn bộ diện tích cà-phê.

Trước đây, nông dân chủ yếu sản xuất cà-phê để bán quả tươi, nên phụ thuộc hoàn toàn vào giá thành của các đầu mối thu mua, hiệu quả kinh tế của vườn cây chưa cao.

“Khai thác, bảo vệ được thương hiệu sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Cà-phê Đăk Hà” có chỗ đứng bền vững trên thị trường thì người được hưởng lợi nhiều nhất chính là nông dân. Vậy nên, mỗi người dân đều phải có trách nhiệm với chủ trương xây dựng thương hiệu “Cà-phê Đăk Hà vươn tầm quốc tế” theo chủ trương, nghị quyết của Huyện ủy”, ông Dũng khẳng định.

Tương tự gia đình ông Dũng, gia đình ông A Hiếu tại thôn Kon Gung, xã Đăk Mar, nhiều năm nay cũng tuân thủ nghiêm túc việc thu hái cà-phê bảo đảm tỷ lệ quả chín hơn 95% theo khuyến cáo của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương.

Ông Hiếu chia sẻ, trước đây gia đình ông và nhiều hộ dân trong thôn chủ yếu thu hái cà-phê tươi, không chú trọng đến chất lượng thành phẩm, cứ đến mùa là thu hái ồ ạt. Tuy nhiên, khi tham gia hợp tác xã, được tập huấn kiến thức về xây dựng thương hiệu cà-phê dựa trên chỉ dẫn địa lý, ông nhận ra cái lợi lâu dài của việc canh tác cà-phê bền vững. Do vậy, gia đình ông cùng một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn mạnh dạn chuyển hướng từ sản xuất truyền thống sang sản xuất cà-phê đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm cà-phê của các thành viên được hợp tác xã đứng ra bao tiêu với giá thành cao hơn thị trường. Ngoài ra, các hộ còn được hưởng nhiều chế độ phúc lợi từ lợi nhuận của hợp tác xã.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà-phê Nguyên Huy Hùng tại thị trấn Đăk Hà là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà-phê trên địa bàn huyện. Để xây dựng thương hiệu cũng như tạo dựng uy tín cho sản phẩm, doanh nghiệp chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu sạch, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp đã liên kết các hộ sản xuất cà-phê với nòng cốt là các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Công bằng Pô Kô Farms với tổng diện tích gần 200 ha. Toàn bộ diện tích này áp dụng quy trình sản xuất cà-phê sạch.

Ông Đặng Đình Lập, Giám đốc Hợp tác xã cho hay, hiện tại hợp tác xã đang sản xuất theo tiêu chuẩn Thương mại công bằng FLO (Fairtrade Labelling Organizations International). Khi đi theo hướng này, không chỉ người sản xuất có lợi nhuận, thu nhập tăng cao mà hợp tác xã còn có thêm các khoản phúc lợi phục vụ cho cộng đồng xã hội. Nhờ vậy, số lượng thành viên tham gia hợp tác xã ngày càng tăng.

“Đến nay, hợp tác xã có hơn 110 thành viên. Khi áp dụng chỉ dẫn địa lý “Cà-phê Đăk Hà”, chúng tôi gặp rất nhiều thuận lợi. Một là quản lý được tổng thể vườn cây mà hợp tác xã đang canh tác trên địa bàn huyện. Thứ hai, là khách hàng quốc tế cũng dựa trên chỉ dẫn địa lý này để xem các hình ảnh, quy trình chế biến, từ đó tin tưởng vào chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Qua đó, bảo đảm được đầu ra cho sản phẩm và thu nhập cho các thành viên”, ông Lập cho biết.

Xây dựng thương hiệu Cà-phê Đăk Hà vươn tầm quốc tế

Theo bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà-phê Nguyên Huy Hùng, chính từ việc tuân thủ các yêu cầu khắt khe trong quy trình canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và chế biến, gắn với khai thác chỉ dẫn địa lý “Cà-phê Đăk Hà” là yếu tố quan trọng giúp sản phẩm của doanh nghiệp có chất lượng vượt trội. Năm 2020, sản phẩm cà-phê rang xay DakMark của Công ty cà-phê Nguyên Huy Hùng được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia. Dựa trên mục tiêu nâng cao giá trị thông qua việc bảo hộ các sản phẩm cà-phê chế biến sâu, một số sản phẩm của doanh nghiệp được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Thụy Sĩ…

Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Đăk Hà Đinh Văn Hùng cho biết, sau khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Cà-phê Đăk Hà”, huyện đã phối hợp các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất cà-phê trên địa bàn về các quy định đối với việc quản lý, bảo vệ và khai thác hiệu quả chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Trong đó, yêu cầu các chủ thể sản xuất, chế biến cà-phê mang chỉ dẫn địa lý phải tuân thủ theo đúng các quy trình kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến theo các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

Trên cơ sở khai thác giá trị của chỉ dẫn địa lý “Cà-phê Đăk Hà”, các doanh nghiệp, hợp tác xã có sự liên kết chặt chẽ với nhà khoa học, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để tiếp nhận thông tin, kỹ thuật canh tác bền vững. Các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất cà-phê bền vững ngày càng phát triển số lượng thành viên và hoạt động hiệu quả.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà Hà Tiến cho biết, cà-phê được huyện Đăk Hà xác định là loại cây trồng chủ lực, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Sau 5 năm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Cà-phê Đăk Hà”, cộng đồng doanh nghiệp và trực tiếp là người nông dân đã chủ động đầu tư hệ thống thiết bị, ứng dụng công nghệ cao vào các khâu sản xuất, chế biến sản phẩm cà-phê theo hướng bền vững, gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Đến nay, toàn huyện Đăk Hà có 17 cơ sở chế biến cà-phê thành phẩm, với nhiều sản phẩm, trong đó, có 21 sản phẩm cà-phê được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao, một sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Doanh số xuất khẩu cà-phê ra thị trường quốc tế khoảng 500 tấn cà-phê nhân; các sản phẩm từ cà-phê bột tiêu thụ trong nước khoảng 335 tấn với nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài lựa chọn, tin dùng. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc định vị thói quen tiêu dùng cà-phê có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng, xây dựng thương hiệu “Cà-phê Đăk Hà” vươn tầm quốc tế.