Xây dựng thị trường bảo hiểm an toàn, lành mạnh

Trước đây, thị trường bảo hiểm tại Việt Nam chỉ có kênh đại lý truyền thống, thì thời gian qua đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức, điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng đã tạo ra không ít sự phức tạp, ảnh hưởng quyền lợi của khách hàng. Vấn đề này cần nhìn nhận lại sâu sắc để chấn chỉnh đúng hướng, lành mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
Xây dựng thị trường bảo hiểm an toàn, lành mạnh

Thị trường bảo hiểm Việt Nam thời gian qua đã thể hiện được vai trò, vị trí đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, cũng như một phần đem lại sự bảo vệ về tài chính, sức khỏe cho người dân. Mặc dù còn rất non trẻ so với thị trường bảo hiểm thế giới, song thị trường bảo hiểm Việt Nam đã trải qua hơn 25 năm với sự tăng trưởng cao và tương đối ổn định, trung bình 20%/năm, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2020.

Theo các số liệu báo cáo mới nhất, tính đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế với tổng số tiền ước đạt 762.580 tỷ đồng và chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86.376 tỷ đồng; tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 913.308 tỷ đồng, tăng 11,12% so với năm 2022.

Tuy nhiên, chất vấn về lĩnh vực tài chính đối với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội nêu rõ, thị trường bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề chưa lành mạnh về chất lượng hoạt động tư vấn, về dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.

Thủ tục giải quyết bảo hiểm còn gặp nhiều khó khăn, rườm rà và bất cập. Còn tình trạng nhân viên tổ chức tín dụng ép buộc người vay mua bảo hiểm hoặc tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư; còn xảy ra hiện tượng nhiều khách hàng mua bảo hiểm qua ngân hàng hủy hợp đồng ngay sau khi ký, chấp nhận mất số phí bảo hiểm đã đóng.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) và nhiều ý kiến cho biết, thời gian thực hiện hợp đồng bảo hiểm thường rất dài, trong khi đó người tư vấn thường chỉ tư vấn những mặt tốt của bảo hiểm mà chưa nói rõ những quyền hạn và trách nhiệm khi tham gia, dẫn đến tình trạng người mua bảo hiểm không nắm chắc nội dung hợp đồng và thường bị thiệt thòi. Còn tình trạng nhân viên tổ chức tín dụng ép buộc người vay mua bảo hiểm hoặc tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.

Hơn nữa, hiện nay, một số quy định của hợp đồng bảo hiểm chưa được chuẩn hóa, chưa có đầy đủ các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình tư vấn, giao kết hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm tính minh bạch, giúp người dân được tư vấn đúng, đủ thông tin, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm để lựa chọn được sản phẩm trên cơ sở tự nguyện và phù hợp nhu cầu.

Các doanh nghiệp còn buông lỏng công tác giám sát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ và quản lý chất lượng đại lý, nhân viên của đại lý tổ chức tín dụng và thiếu các chế tài đối với đại lý; chưa kịp thời giải đáp, xử lý dứt điểm các phản ánh, thắc mắc của khách hàng về hợp đồng bảo hiểm…

Nhiều ý kiến tại phiên họp thứ 31 cho rằng, để đạt được các mục tiêu lớn đề ra, thị trường bảo hiểm vẫn còn nhiều thách thức cần hoàn thiện về chất lượng nhân lực, cơ sở dữ liệu thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường quản trị rủi ro và tính minh bạch của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Đây là các vấn đề rất cần thiết, là cơ sở vững chắc để thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, phát huy vai trò là “bà đỡ”, góp phần phát triển ổn định và bền vững cho các chủ thể khác trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế; nhiều đại biểu đề nghị Bộ Tài chính cần tìm giải pháp đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp được tham gia bảo hiểm.

Công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm; thực hiện nghiêm quy định về Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhất là việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức, hay như việc bán bảo hiểm kèm theo những sản phẩm của ngân hàng. Tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Các năm tới, bên cạnh các yếu tố nền tảng như tăng trưởng kinh tế, dân số lớn, xu hướng phát triển công nghệ... thì nền tảng pháp lý được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ cho thị trường bảo hiểm phát triển hơn nữa cả về lượng và chất. Tuy nhiên, để “hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ”, thì cần các giải pháp đồng bộ từ cả phía cơ quan quản lý, sự chung tay vào cuộc thật sự của các doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và cả người tham gia bảo hiểm.