Xây dựng thêm phòng học, đáp ứng số lượng học sinh tăng mạnh

Năm học 2023-2024, dự báo số học sinh vào lớp 6 sẽ tăng mạnh so với những năm học trước. Ngành giáo dục và đào tạo và chính quyền các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đang đầu tư xây mới, sửa chữa trường, lớp để đáp ứng nhu cầu học tập.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ thực hành môn Tin học tại Trường tiểu học Ðan Phượng, huyện Ðan Phượng. (Ảnh THIÊN TÚ)
Giờ thực hành môn Tin học tại Trường tiểu học Ðan Phượng, huyện Ðan Phượng. (Ảnh THIÊN TÚ)

Theo ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội), năm học 2023-2024, số học sinh vào lớp 6 của Hà Nội tăng rất nhiều tại hầu hết quận, huyện, thị xã. Thành phố sẽ có 188.429 học sinh lớp 6, tăng gần 38.000 em, học sinh lớp 1 tăng khoảng 11.600 em, học sinh lớp 10 tăng khoảng 1.000 em so với năm học 2022-2023.

Chỉ tính riêng quận Hà Ðông, số học sinh vào lớp 6 trong năm học tới đã lên hơn 12.000 học sinh, cao hơn số lượng tuyển cả ba lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10) của quận Hoàn Kiếm (chỉ có hơn 8.400 học sinh tuyển mới ba lớp đầu cấp học). Thống kê của 30 quận, huyện, thị xã, cho thấy số học sinh lớp 6 vào trường so với khối lớp 9 ra trường tăng thêm 59.158 học sinh. Tức là phải có thêm 1.315 phòng học để đáp ứng nhu cầu.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Hà Ðông cho biết, năm học 2023-2024, Hà Ðông dự kiến có hơn 117.000 học sinh các cấp và là quận có số lượng học sinh đông nhất thành phố. Tình trạng tăng mạnh học sinh đầu cấp cũng được quận dự tính trước để có phương án bố trí đủ điều kiện trường lớp. Với việc tăng hơn 5.000 học sinh vào lớp 6 so với số học sinh lớp 9 ra trường, quận dự kiến cần bổ sung thêm 116 phòng học cho lớp 6 trên địa bàn quận.

Quận Hoàng Mai nhiều năm nay vẫn là điểm nóng về tuyển sinh do tập trung nhiều khu đô thị, chung cư mới, dân số cơ học tăng nhanh. Năm học mới 2023-2024, số học sinh vào lớp 1 của quận cũng tăng 3.086 em so với số học sinh lớp 5 ra trường, cần thêm 88 phòng học. Số học sinh vào lớp 6 so với số học sinh lớp 9 ra trường tăng 3.482 học sinh, dẫn đến thiếu 77 phòng học. Tương tự, quận Nam Từ Liêm có số học sinh chênh lệch giữa lớp 6 và lớp 9 là 3.351 em, thiếu 74 phòng học, huyện Chương Mỹ cũng chênh 3.199 em giữa hai khối lớp này và thiếu 71 phòng học, quận Bắc Từ Liêm chênh 3.099 học sinh giữa hai khối lớp này và thiếu 69 phòng học.

Trước dự báo về số học sinh sẽ tăng mạnh trong năm học mới, dẫn đến thiếu phòng học nếu không kịp thời bổ sung, xây mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội đề nghị phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã có phương án tham mưu với ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai bổ sung phòng học, đồng thời có phương án hợp lý để đáp ứng nhu cầu này. Ðược biết, một trong những địa phương có mức đầu tư lớn về trường, lớp hiện nay là huyện Ðan Phượng. Theo bà Bùi Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Ðan Phượng, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện đặc biệt quan tâm tới ngành giáo dục và đào tạo. Ðiều này thể hiện rõ trong quy hoạch mạng lưới trường lớp của huyện với mục tiêu mỗi xã có ít nhất hai trường cho mỗi cấp học. Ðặc biệt, diện tích trường học dành cho học sinh được tính trung bình từ 16 đến 18m2/học sinh. Những trường không đủ yêu cầu diện tích sẽ được di chuyển sang địa điểm mới. Ðến nay Ðan Phượng đã có tám trường được di chuyển, xây mới. Huyện cũng dành khoản kinh phí lớn để các trường bổ sung, sửa chữa phòng học, cơ sở vật chất. Quận Bắc Từ Liêm đang có chủ trương đầu tư xây mới Trường trung học phổ thông Tây Tựu, xây thêm phòng học, mua sắm thiết bị với các trường trung học cơ sở Thượng Cát, Xuân Ðỉnh, Minh Khai với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng ■