Xây dựng nông thôn mới ở Kim Sơn

Huyện Kim Sơn (Ninh Bình) có tất cả 23 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó năm xã nông thôn mới nâng cao, một xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 33 thôn, xóm đạt chuẩn Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Thực tế ở huyện Kim Sơn cho thấy, yếu tố quan trọng để thực hiện xây dựng nông thôn mới là phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ và người dân xã Kim Trung, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trao đổi kỹ thuật nuôi trồng thủy sản.
Cán bộ và người dân xã Kim Trung, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trao đổi kỹ thuật nuôi trồng thủy sản.

Đảng bộ xã Xuân Chính, huyện Kim Sơn có 272 đảng viên sinh hoạt ở 18 chi bộ, trong đó có 13 chi bộ nông thôn. Thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh, năm 2020, xã Xuân Chính hình thành trên cơ sở sáp nhập hai xã Xuân Thiện và Chính Tâm. Xã có diện tích 649ha, hơn 1.774 hộ với 6.300 người. Đồng chí Nguyễn Văn Trung, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Trưởng ban phát triển thôn Cách Tâm cho biết: Hầu hết diện tích canh tác của xã nằm rải rác, cốt đất không đồng đều. Giao thông, thủy lợi nhỏ hẹp, kênh tưới kém hiệu quả, phân tán, cho nên sản xuất manh mún, năng suất thấp, thiếu khả năng cạnh tranh trên thị trường khiến nhiều người không mặn mà với nghề nông.

Xác định xây dựng nông thôn mới trước hết phải nâng cao thu nhập cho người dân, làm cho người nông dân gắn bó với quê hương, đồng ruộng, Chi bộ giao nhiệm vụ, phân công từng đảng viên phụ trách khu dân cư, nhóm gia đình, tổ liên gia, phối hợp chặt chẽ các tổ chức thành viên của Ban Công tác Mặt trận làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, bắt đầu bằng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên để việc lựa chọn, chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi đạt kết quả rõ rệt, đồng thời tổ chức tập huấn giúp nông dân sản xuất hiệu quả. Từ đó, xã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có lợi thế; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã trồng đào cảnh, dược liệu, nông nghiệp hữu cơ.

Đồng chí Trần Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm, thấy những việc làm thiết thực của cán bộ, đảng viên trước việc làng, việc xóm, nhiều chủ doanh nghiệp và người dân không những tích cực tham gia bằng những phần việc cụ thể mà còn ủng hộ hàng tỷ đồng để cùng xã cứng hóa hệ thống giao thông, thủy lợi, đầu tư sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, thu hút người lao động, góp phần tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Đồng chí Trần Xuân Trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn nhấn mạnh, quá trình cơ cấu lại lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện xác định phải nhất quán coi doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia sản xuất là chủ thể; chính quyền các cấp có nhiệm vụ định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông qua việc ban hành và thực hiện tốt các cơ chế. Cùng với đào tạo, nâng tầm đội ngũ cán bộ, huyện coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, giám sát,... trên cơ sở phân công, phân nhiệm rõ ràng nghĩa vụ và địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Tham quan nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn và trò chuyện với người dân ở xã Đồng Hướng - xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Kim Sơn, chúng tôi càng thấy rõ hiệu quả của cộng đồng trách nhiệm trong việc làng, việc xã nơi đây. Theo chia sẻ của bác Phạm Văn Cành ở xóm 5, nhiều đồng chí cán bộ huyện và xã không quản nắng mưa, thậm chí cả thứ bảy, chủ nhật vẫn “sát cánh” với người dân trên cánh đồng, trong các khu nuôi, trồng, sản xuất, mô hình kinh tế.

Đồng chí Đoàn Thị Thu Trang, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Hướng cho biết, toàn xã hiện có 12 trang trại tổng hợp và 10 doanh nghiệp đang hoạt động trong Cụm công nghiệp Đồng Hướng với các dịch vụ, nghề cơ khí, sửa chữa máy, vận tải, mộc, may dân dụng, đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2022 lên hơn 57 triệu đồng. Đồng Hướng không có hộ nghèo, hơn 91% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Đến nay, huyện Kim Sơn có 23/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó năm xã nông thôn mới nâng cao, một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 33 thôn, xóm đạt chuẩn Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân năm 2022 là 57,2 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,43%. Thời gian qua, Kim Sơn cơ cấu lại lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng phù hợp từng vùng, thích ứng biến đổi khí hậu. Trên địa bàn có các vùng sản xuất quy mô lớn chuyên canh. Huyện đã xây dựng các nhãn hiệu tập thể cho các loại cây trồng, thủy sản chủ lực, đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo đồng chí Đinh Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn, Huyện ủy phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, các đồng chí Huyện ủy viên phụ trách xã phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, định kỳ đánh giá lại các tiêu chí, xác định nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện; cùng với đó, đôn đốc Mặt trận Tổ quốc ký cam kết thi đua với các tổ chức thành viên, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát huy sức mạnh đoàn kết trong đồng bào có đạo, đoàn kết lương-giáo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; đưa nội dung xây dựng nông thôn mới vào trọng tâm trong sinh hoạt đảng.

Huyện ủy thực hiện đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý và các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, các đảng bộ và đảng ủy trực thuộc gắn với trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là căn cứ quan trọng để thực hiện công tác tổ chức cán bộ trên địa bàn.

Cùng với phân công cán bộ chủ chốt dự sinh hoạt với chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố, về cơ sở nắm bắt tình hình, đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện nhiệm vụ, Huyện ủy tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.

Thí dụ, trong việc lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới, qua nghiên cứu ý kiến hiến kế của người dân, huyện khẩn trương chỉ đạo phải bố trí diện tích đất để chôn lấp rác, diện tích đất để tập kết rác, diện tích đất để làm cống, rãnh thoát nước thải và xử lý nước thải; các xã, thị trấn có quy hoạch nơi tập kết và nơi xử lý rác có diện tích từ 500-1.000m2.

Các xã phải thành lập Ban chỉ đạo về công tác vệ sinh môi trường, các tổ vệ sinh môi trường; đa dạng các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân phân loại rác tại nhà, khuyến khích tự xử lý rác thải không độc hại tại gia đình, khu dân cư... Các phần việc đều được đông đảo nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn hưởng ứng tham gia tích cực, góp phần thay đổi nhanh chóng diện mạo nông thôn.