Xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

NDO -

Sáng 11/2, tại Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an đã tổ chức hội thảo khoa học “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở-Lý luận và thực tiễn”. Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân thừa ủy quyền của Bộ trưởng Công an chủ trì hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tham dự hội thảo có các đại biểu là lãnh đạo, các nhà khoa học, cán bộ thực tiễn đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương trong và ngoài lực lượng Công an Nhân dân.

Báo cáo tại hội thảo nêu rõ, tính đến tháng 12/2021, toàn quốc đã thành lập 17.538 ban, tổ bảo vệ dân phố với 72.362 thành viên; 64.332 đội dân phòng với 636.342 đội viên; 89.045 công an xã bán chuyên trách.

Thời gian qua, lực lượng bảo vệ dân phố đã nắm tình hình và cung cấp cho lực lượng Công an 486.778 nguồn tin có giá trị, giúp điều tra, khám phá nhiều vụ án, triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm, phục vụ phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; hòa giải trên 122.409 vụ việc mẫu thuẫn, tranh chấp trong xã hội…

Lực lượng Công an xã bán chuyên trách trước khi hoàn thành việc bố trí Công an xã chính quy đã phát hiện 17.020 vụ, bắt giữ 26.082 người phạm tội quả tang; 1.452 đối tượng truy nã… Lực lượng dân phòng phát huy vai trò hỗ trợ lực lượng Công an trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và thực hiện một số nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Có thể nói, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đã góp phần quan trọng thực hiện yêu cầu “an ninh chủ động”, ngăn ngừa các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia từ sớm, từ xa.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ các vấn đề: nhận thức về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và lịch sử quá trình hình thành của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; làm rõ quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; đánh giá thực tiễn vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trong tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự tại một số địa bàn; chỉ ra những bất cập, vướng mắc, khó khăn trong tổ chức, hoạt động, nhất là về chính sách, pháp luật, điều kiện bảo đảm đối với hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; đề xuất quan điểm định hướng, nhiệm vụ, giải pháp kiện toàn, sắp xếp lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Đặng Sỹ Lộc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng cho biết, vấn đề bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là đặc biệt quan trọng, góp phần tạo ra môi trường ổn định phát triển sản xuất, phát triển kinh tế; là một trong những thước đo chất lượng cuộc sống, sự ấm no, hạnh phúc cuộc sống của người dân. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Tại các vụ việc điểm nóng liên quan đến an ninh trật tự xảy ra trong thời gian qua cho thấy bài học thực tiễn về việc cần phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Nếu Luật Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng phát huy vai trò của lực lượng này. Họ chính là nòng cốt, hạt nhân cho phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc; góp phần bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ cơ sở.