Xây dựng hệ thống dự phòng “2 lớp” trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng

NDO -

Khoảng 11 giờ ngày 24/4, trong lúc bảo trì trên mái ta-luy bên đường đoạn qua huyện Gia Lâm (Hà Nội), một công nhân sơ ý đã để lưỡi máy cắt làm đứt tuyến cáp quang cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, khiến hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) tê liệt và làm giao thông tại các trạm thu phí ùn tắc nhiều giờ.

Ùn tắc tại các trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Ùn tắc tại các trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Sáng 25/4, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý và khai thác cao tốc Hà Nội-Hải Phòng Đỗ Văn Thuần cho biết, khoảng 11 giờ ngày 24/4, trong lúc bảo trì, cắt cỏ trên mái ta-luy bên đường đoạn qua huyện Gia Lâm (Hà Nội), một công nhân sơ ý đã để lưỡi máy cắt làm đứt tuyến cáp quang cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, khiến hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) tê liệt và làm giao thông tại các trạm thu phí ùn tắc nhiều giờ.

Mặc dù tuyến cáp quang đi ngầm, nhưng có thể do lâu ngày mưa gió gây xói lở sụt lún đã khiến tuyến cáp bị lộ ra mặt đất. Cáp quang bị đứt, dữ liệu từ các trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không truyền về trung tâm điều hành của tuyến cao tốc này và không thể kết nối với hệ thống xử lý của nhà cung cấp dịch vụ ETC.

Vì thế, các phương tiện dán thẻ ETC phải chuyển sang trả phí bằng tiền mặt. Khoảng 15 giờ cùng ngày, các đơn vị đã hoàn thành khắc phục sự cố, nối lại tuyến cáp quang, hệ thống thu phí ETC trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trở lại hoạt động bình thường.

Ông Đỗ Văn Thuần cho biết, do sự cố xảy ra vào ngày cuối tuần, lượng phương tiện lưu thông trên tuyến rất lớn, lên hơn 50 nghìn lượt phương tiện, tăng hơn ngày bình thường hơn 10 nghìn lượt, đơn vị quản lý khai thác đã huy động tối đa nhân lực để xử lý, khắc phục sự cố.

Trên thực tế, trước khi đưa tuyến đường vào khai thác, công ty  đã xây dựng kịch bản và tình huống này cũng được đưa ra để có phương án xử lý. Trong quá trình chuẩn bị triển khai thí điểm chỉ thu phí ETC trên tuyến, công ty đã xây dựng phương án làm thêm một đường cáp quang dự phòng và một đường truyền không dây để hệ thống ETC (hệ thống dự phòng hai lớp) hoạt động thông trong mọi tình huống.

Hệ thống này đang chuẩn bị triển khai thi công, kịp thời sử dụng khi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ thu phí ETC từ đầu tháng 6-2022. Ngoài ra, đơn vị quản lý tuyến đường sẽ tăng cường, bổ sung đầu tư hệ thống mạng 4G để hệ thống thu phí không bị gián đoạn.

Vụ trưởng Khoa học Công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Tô Nam Toàn cho biết, Tổng cục đã chỉ đạo đơn vị khai thác tuyến đường rà soát lại tình trạng kỹ thuật của thiết bị trên tuyến và dự phòng các phương án như bố trí thêm phương án cáp quang dự phòng, duy trì 3 đường kết nối, 2 đường cao và 1 đường không dây bảo đảm duy trì liên tục hệ thống.

Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km, trong đó 6 km chạy qua Hà Nội, 26 km qua Hưng Yên, 40 km qua Hải Dương và 33 km qua Hải Phòng. Điểm đầu giao cắt với đường vành đai 3 thuộc phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội), điểm cuối dự án tại cảng Ðình Vũ (quận Hải An, TP Hải Phòng).

Dự án có tổng vốn đầu tư 45.487 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD) do Vidifi đầu tư. Tuyến cao tốc hoàn thành năm 2015, là cao tốc đầu tiên trên cả nước có 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, với nhiều trang thiết bị giám sát an toàn theo công nghệ mới, hiện đại.