Thay đổi để thích ứng
Chương trình GDPT mới được xây dựng tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Giáo viên cần nắm rõ những điểm khác biệt của chương trình mới với chương trình hiện hành để triển khai hiệu quả. Cô giáo Tô Thị Như Quỳnh, giáo viên Trường THPT số 3 TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) chia sẻ: Giáo viên phải chịu khó đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và trang bị những kiến thức tổng hợp của nhiều bộ môn; tiếp cận các phương pháp dạy học hiện đại, các mô hình dạy học mới như tích hợp, đổi mới kiểm tra đánh giá năng lực học sinh... Bên cạnh đó, để dạy học theo hướng phát triển năng lực đạt hiệu quả, giáo viên cần thiết lập giáo án bao gồm các hoạt động hướng tới mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm, định hướng cho học sinh theo những hoạt động mà giáo viên xây dựng nên. Muốn vậy, giáo viên cần được tham gia các lớp tập huấn để tham khảo các nguồn học liệu trên in-tơ-nét và học hỏi từ đồng nghiệp.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh (GD và ĐT) Điện Biên Nguyễn Văn Kiên cho biết, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, thời gian qua, Sở đã chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn, các trường học chú trọng lựa chọn, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán các cấp (tỉnh, huyện, cụm trường, trường) có trình độ chuyên môn tốt, tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giáo dục. Trong đó, Sở chú trọng bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT, bám sát thực tiễn. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 348 cán bộ quản lý (CBQL) cấp sở, cấp phòng và giáo viên cốt cán các cấp tham gia tập huấn triển khai bồi dưỡng CBQL, giáo viên phổ thông cốt cán. Đến nay một số huyện, thị xã đã hoàn thành bồi dưỡng cho CBQL và giáo viên các bộ môn Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Sở GD và ĐT tỉnh Cao Bằng cũng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục gắn liền với yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học và đổi mới giáo dục. Đến nay, tất cả số giáo viên của tỉnh Cao Bằng đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Tỷ lệ giáo viên đứng lớp bậc tiểu học đạt 1,4 giáo viên/lớp; THCS đạt 2,2 giáo viên/lớp; THPT đạt 2,3 giáo viên/lớp.
Tuy nhiên, theo Bộ GD và ĐT, chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục không đồng đều, nhất là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Số lượng giáo viên và CBQL giáo dục thiếu so với quy định, nhất là cấp tiểu học thiếu hơn 23 nghìn giáo viên ở khối công lập. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ của các địa phương chưa kịp thời hoặc chưa hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên. Đối với cấp tiểu học, tỷ lệ giáo viên hợp đồng chưa được xét tuyển chính thức còn khoảng 15% nên chưa yên tâm công tác. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý.
Đáng chú ý, một số nơi thiếu trầm trọng giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục; thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của một số bộ phận giáo viên còn yếu; việc tiếp cận thông tin của giáo viên vùng khó khăn còn hạn chế. Trưởng phòng GD và ĐT thành phố Cao Bằng Trần Thị Hồng chia sẻ: Giáo viên tin học và ngoại ngữ tại các trường tiểu học chưa đáp ứng được về số lượng, nhiều trường chỉ có một đến hai giáo viên dạy bộ môn nêu trên, trong khi đây là hai môn học bắt buộc trong chương trình GDPT mới. Toàn tỉnh Điện Biên hiện thiếu 258 giáo viên mà chủ yếu là giáo viên tiếng Anh các cấp, trong đó, huyện miền núi Tủa Chùa thiếu 10 giáo viên tiếng Anh mà không có nguồn tuyển. Đáng chú ý, chương trình GDPT có các môn học tích hợp, điển hình như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên ở cấp THCS, song với điều kiện thực tế hiện nay, nhiều trường còn gặp khó khăn và gần như chưa đáp ứng được yêu cầu giáo viên dạy liên môn, dạy tích hợp.
Bảo đảm số lượng và chất lượng
Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD và ĐT) Hoàng Đức Minh cho biết, tính đến cuối năm 2019, cả nước có gần 800 nghìn giáo viên phổ thông, trong đó có gần 380 nghìn giáo viên tiểu học. Về cơ bản, đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo (tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đối với tiểu học 99,9%, THCS 99,1%, THPT 99,7%). Thời gian qua, Bộ GD và ĐT đã chỉ đạo khối các trường sư phạm trọng điểm bồi dưỡng giảng viên cốt cán, CBQL và giáo viên cốt cán theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng. Đây là lực lượng nòng cốt, quan trọng để hỗ trợ đội ngũ giáo viên dạy đại trà. Việc bồi dưỡng theo hình thức tự học qua mạng, có sự hỗ trợ của đội ngũ cốt cán trong quá trình tự học và buổi sinh hoạt nhóm/tổ chuyên môn ở các trường và cụm trường. Kết quả trong năm 2019, Bộ GD và ĐT tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho hơn 62 nghìn giáo viên, giảng viên và CBQL, trong đó có 11 nghìn tổ trưởng chuyên môn; 28 nghìn giáo viên cơ sở GDPT cốt cán. Bộ GD và ĐT đã ban hành kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy đại trà, trong đó có những nội dung riêng đối với giáo viên dạy lớp 1 năm học tới, để các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết và thực hiện bồi dưỡng từ cuối tháng 4-2020, bảo đảm tất cả giáo viên lớp 1 giảng dạy môn chung, Âm nhạc và Mỹ thuật được bồi dưỡng để dạy chương trình mới. Ngoài ra, Bộ GD và ĐT đã chỉ đạo các trường sư phạm cùng địa phương rà soát nhu cầu giáo viên theo từng môn học, cấp học theo lộ trình đổi mới chương trình GDPT để gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng, hạn chế tình trạng thừa, thiếu giáo viên.
Theo Bộ GD và ĐT, năm 2020, toàn ngành sẽ bồi dưỡng, tập huấn cho gần 107 nghìn CBQL, giáo viên, trong đó, bồi dưỡng 47 nghìn giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Ngoài ra, các địa phương sẽ tổ chức cho 920 nghìn giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông đại trà tự học thường xuyên, liên tục với sự hỗ trợ của đội ngũ cốt cán; tự sinh hoạt chuyên môn theo trường hoặc cụm trường về hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT mới; về quản trị hoạt động giáo dục, nhân sự trong trường học… Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, để chuẩn bị đội ngũ giáo viên, bảo đảm cho sự thành công của đổi mới chương trình GDPT mới, Bộ GD và ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần chọn những giáo viên có nhiều kinh nghiệm, đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng để thực hiện dạy lớp 1, đồng thời bố trí đủ số lượng giáo viên/lớp theo định mức quy định để dạy lớp 1. Các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng viên chức, bổ sung biên chế cho ngành giáo dục, nhất là ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học. Các địa phương cũng cần phối hợp các cơ sở đào tạo giáo viên để cung cấp nhu cầu sử dụng, đáp ứng kịp thời nguồn tuyển dụng theo lộ trình đổi mới chương trình GDPT. Trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức, cần có giải pháp tạm thời, phù hợp với đặc điểm từng trường, từng vùng miền để bảo đảm có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp. Đối với cấp tiểu học cần có phương án bồi dưỡng để giáo viên dạy các môn chung có thể dạy cả những môn học: Giáo dục thể chất; phân môn công nghệ trong môn Tin học và Công nghệ…; cần có thêm các phương án để bố trí giáo viên theo cách thức: một giáo viên dạy ở hai trường trên cùng địa bàn; điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu…