Xây dựng đội ngũ “công bộc” gắn với mục tiêu phát triển

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đặt ra mục tiêu phát triển theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc. Từ đặc điểm của tỉnh miền núi cao, địa hình chia cắt, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, Tỉnh ủy Yên Bái xác định lấy công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp làm khâu “then chốt”, động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội. Sau nhiều giải pháp căn cơ, đột phá, đội ngũ cán bộ của tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, phát huy tốt trí tuệ, năng lực, nhiệt huyết cùng tập thể cấp ủy, đơn vị hoàn thành nhiều mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
0:00 / 0:00
0:00
Được sự giúp đỡ của ngành chức năng, làn điệu sáo Cúc Kẹ của dân tộc Xa Phó, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã được khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị.
Được sự giúp đỡ của ngành chức năng, làn điệu sáo Cúc Kẹ của dân tộc Xa Phó, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã được khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị.

Đề án tạo đột phá

Thấm nhuần quan điểm “cán bộ là gốc của mọi việc”, Tỉnh ủy Yên Bái đã quan tâm, chú trọng công tác đào tạo cán bộ, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Năm 2018, trước những yêu cầu, thách thức ngày càng cao trong xu thế phát triển, hội nhập, Tỉnh ủy đã xây dựng, triển khai Đề án số 11ĐA/TU về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” (Đề án 11). Mục đích nhằm lựa chọn những cán bộ có bản lĩnh vững vàng, năng lực, phẩm chất nổi trội bổ sung kịp thời và lâu dài cho đội ngũ cán bộ tỉnh. Đến nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh tiếp tục xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đề án 11 cùng nhiều giải pháp khác được tập trung đẩy mạnh triển khai ở nhiều cấp ủy đảng.

Đề án 11 được xác định là giải pháp toàn diện về công tác tạo nguồn, bồi dưỡng cán bộ của Tỉnh ủy Yên Bái. Ngoài việc tuyển chọn đầu vào khắt khe thì phương pháp cung cấp kiến thức cũng kết hợp sâu giữa lý luận và thực tiễn, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tỉnh phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, dân tộc thiểu số; tổ chức cho cán bộ trẻ đi học kỹ năng lãnh đạo, quản lý tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng quản trị doanh nghiệp tại Tập đoàn LG Electronics (Hải Phòng)… Cùng với đó, tỉnh đã tạo điều kiện cho cán bộ thuộc Đề án 11 được tham gia vào các hội nghị, diễn đàn lớn của tỉnh như: các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, đại hội đảng bộ các cấp… Qua đó, giúp cán bộ có cái nhìn tổng quát về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh; được học tập, bồi dưỡng thêm kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý qua thực tiễn tổ chức, điều hành các hội nghị, diễn đàn.

Bắt đầu triển khai từ năm 2018, đến năm 2021 Tỉnh ủy tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Đề án, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm và năm 2022, tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển cán bộ tham gia Đề án. Qua kỳ thi tuyển chọn, tỉnh đã bổ sung 60 cán bộ tham gia Đề án, trong đó có 35 cán bộ trẻ, 8 cán bộ nữ, 17 cán bộ người dân tộc thiểu số.

Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng, Tỉnh ủy Yên Bái cũng ban hành kế hoạch về luân chuyển, điều động, tăng cường đối với cán bộ tham gia Đề án 11 theo hướng đưa cán bộ thuộc diện này từ các cơ quan, đơn vị khối tỉnh về cấp huyện, cấp xã; từ cấp huyện về cấp xã giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý để tạo môi trường rèn luyện, thử thách; đồng thời đưa cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp xã lên cấp huyện, từ cấp huyện lên cấp tỉnh để mở rộng tư duy, tầm nhìn, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý; mở rộng luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị cùng cấp trong hệ thống chính trị để rèn luyện, thử thách cán bộ ở các môi trường công tác khác nhau.

Năm 2018, đang công tác tại Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Mù Cang Chải, đồng chí Sùng Thành Công được chọn lựa tham gia Đề án 11 trong diện đối tượng trẻ, người dân tộc. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, đồng chí được đưa xuống cơ sở để rèn luyện. Đầu tiên là cương vị Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn, tiếp đến là Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha. Cả hai xã phần đông là đồng bào H’Mông, còn nhiều khó khăn. Vận dụng kiến thức được học cùng với phát huy thế mạnh về ngôn ngữ, hiểu biết phong tục tập quán, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng ủy, UBND các xã tăng cường vận động nhân dân triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vật nuôi, cây trồng.

Nhiều thế mạnh của các địa phương đã được khai thác hiệu quả như các sản phẩm du lịch, đặc biệt là mặt hàng thổ cẩm của người H’Mông hay mô hình phát triển cây táo hàng hóa ở xã La Pán Tẩn; hợp tác xã sản xuất nông sản sạch (bắp cải, bí, dưa) ở xã Chế Cu Nha… góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Năm 2019, xã La Pán Tẩn được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước. Năm 2023, xã Chế Cu Nha được UBND huyện Mù Cang Chải ghi nhận, đánh giá cao trong phong trào vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, sau quá trình đào tạo đội ngũ cán bộ theo Đề án 11, kết quả là đã không chỉ khắc phục được tình trạng mất cân đối về cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trước đây mà còn nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý. Từ đội ngũ này, Tỉnh ủy Yên Bái bổ sung 81/191 đối tượng vào Dự án quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, 7 đối tượng quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 và 2025-2030.

Đổi mới, sáng tạo từ đội ngũ “công bộc”

Song song với công tác chọn lọc, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Tỉnh ủy Yên Bái cũng thay đổi nhiều giải pháp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo góp phần phát huy trí tuệ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp. Nổi bật là phương thức “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” hằng năm của các cấp ủy, địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh; trong đó yêu cầu phải xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, tiến độ hoàn thành và chất lượng sản phẩm cần đạt, gắn với phân công trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cá nhân lãnh đạo chủ trì triển khai thực hiện.

Nhiều đổi mới, sáng tạo đã được đội ngũ cán bộ trong tỉnh áp dụng thành công đưa Yên Bái ngày càng tiến gần tới mục tiêu: xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, đội ngũ cán bộ các sở, ban, ngành đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh để chủ động xây dựng, sớm ban hành đồng bộ, thống nhất hệ thống văn bản, đề án, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên các lĩnh vực, gồm: 11 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; 53 nghị quyết, chỉ thị, quy định, đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 44 nghị quyết, 23 đề án, chính sách của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là tiền đề để các cấp ủy, địa phương triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ.

Tại cơ sở, đội ngũ cán bộ cũng sáng tạo nhiều cách làm hiệu quả, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2023, Huyện ủy Trấn Yên có 28 nhiệm vụ được Tỉnh ủy giao và 9 nhiệm vụ tự xác định bổ sung. Trong đó, khó nhất là phấn đấu chỉ tiêu môi trường đạt tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn ở khu vực nông thôn 40% và ở khu vực đô thị là 98,3%. Là người đứng đầu Đảng bộ thị trấn Cổ Phúc, thuộc huyện Trấn Yên, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy trực tiếp chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội của thị trấn vận động nhân dân thử nghiệm mô hình ủ rác thải hữu cơ bằng thùng ủ và men vi sinh. Bắt đầu triển khai từ tháng 5/2023, đến nay tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị tại thị trấn Cổ Phúc đạt hơn 98% (bằng 100% kế hoạch) và ở nông thôn đạt 39% (bằng 97,5% kế hoạch). Những nỗ lực này của đội ngũ cán bộ đã góp phần thúc đẩy nhanh mục tiêu phát triển nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực, bảo đảm cuộc sống hài hòa, hạnh phúc.

Tại huyện Yên Bình, tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ được thể hiện rõ qua tập trung lãnh đạo, triển khai phát huy thế mạnh nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Sau nửa nhiệm kỳ, huyện đã hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn như: Vùng phát triển cây lâm nghiệp với trên 36 ha rừng trồng, trong đó diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ FSC là 10.786,1 ha trở thành huyện dẫn đầu của tỉnh về diện tích rừng FSC. Kết quả này góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh lên mức 63%, tạo nền tảng hướng tới phát triển xanh, bền vững.

Với tiềm năng lớn về văn hóa, đội ngũ cán bộ nhiều địa phương đã tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị gắn với phát triển du lịch, tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Nổi bật là thị xã Nghĩa Lộ trở thành điểm du lịch hấp dẫn với sự thu hút của “Nghệ thuật Xòe Thái” - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải hay huyện Văn Yên với Lễ hội đền Đông Cuông… Hiện các địa phương trong tỉnh đang mở rộng liên kết với nhiều tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế đưa du lịch kết hợp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Yên Bái, nhờ sự đóng góp của đội ngũ cán bộ các cấp, nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh đã hoàn thành nhiều mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Đã có 18/19 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 19 Đảng bộ tỉnh được dự báo hoàn thành và hoàn thành vượt mức đề ra, trong đó có một số chỉ tiêu đề ra cho năm 2025 đã hoàn thành sớm. Những kết quả này đã được nhân dân ghi nhận qua cuộc khảo sát đánh giá về chỉ số hạnh phúc của người dân: chỉ số đã tăng từ 58,11% năm 2021 lên 62,57% năm 2022 và dự kiến năm 2023 là 65,6%.

Bài học kinh nghiệm rút ra qua nửa nhiệm kỳ vừa qua của Đảng bộ tỉnh Yên Bái chính là không chỉ quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp mà còn phải đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương, tinh thần “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”, nhất là người đứng đầu. Đây cũng là yêu cầu của Đảng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu, tình hình mới.