Hiện, Hưng Yên đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng trong nhóm tăng trưởng cao toàn quốc. Hưng Yên cũng là một trong tám tỉnh, thành phố đầu tiên có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp tỉnh.
Tạo thế “sâu rễ, bền gốc”
Những năm gần đây, huyện Phù Cừ được ghi nhận nhiều bứt phá trong phát triển hạ tầng nông thôn, gắn liền chuyển dịch cơ cấu kinh tế; trong lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Chưa lâu, vấn nạn công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và các hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép tạo lực cản trong xây dựng nông thôn mới ở Phù Cừ.
Tiên Tiến là một trong những xã đầu tiên của huyện được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Cùng nhiều xã của huyện, xã Tiên Tiến đứng trước ba thách thức: Là xã thuần nông, thu nhập người dân thấp; hạ tầng yếu kém; tình trạng vi phạm đất đai xây dựng khá nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ cao ở huyện. Để vực dậy phong trào, Huyện ủy tập trung chỉ đạo kiện toàn tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở xã. Theo đó, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã.
Đảng ủy xã lựa chọn những đồng chí có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, uy tín để giới thiệu bầu bí thư chi bộ, đồng thời là trưởng thôn. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Tiến Nguyễn Quý Bình trao đổi, đây là “cú huých” để cấp ủy nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, củng cố đoàn thể, phối hợp vận động nhân dân hướng mạnh, dồn sức chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Quá trình này, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nại Khê Nguyễn Xuân Đặng cùng cán bộ, đảng viên trong thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, tạo thành công trong vận động tự tháo dỡ 35 công trình vi phạm trên địa bàn. Khi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng hạn hẹp, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hoàng Các Nguyễn Thị Hằng cùng các đảng viên, đoàn thể vận động nhân dân hiến hàng nghìn m2 đất làm đường; góp hàng trăm triệu đồng xây dựng công trình văn hóa, thể thao.
Kinh nghiệm từ Tiên Tiến cùng nhiều xã của huyện Phù Cừ cho thấy, hạt nhân lãnh đạo phải tạo thế “sâu rễ, bền gốc” từ nhân dân. Đảng bộ mạnh là do chi bộ tốt. Hiệu lực lãnh đạo của Đảng, cùng sự vào cuộc của hệ thống chính trị đưa nghị quyết “đúng, trúng” sớm vào cuộc sống, tạo nên bứt phá của Phù Cừ những năm gần đây.
Năm 2021, tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn huyện tăng 9,6%; giá trị thu được trên 1ha canh tác đạt 203 triệu đồng; tổng thu ngân sách đạt gần 1.395 tỷ đồng… Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Khả Phúc trao đổi, với Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” được triển khai hiệu quả trong Đảng bộ tạo nền tảng, động lực cho “Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu huyện Phù Cừ, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hưng Yên Phạm Văn Khuê, thực hiện Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 (khóa XII), toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Về tinh giản biên chế, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách, trên địa bàn tỉnh giảm vượt kế hoạch trung ương giao (giảm 10%). Về hợp nhất, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn quy định, toàn tỉnh đã sáp nhập 38 thôn thành 19 thôn mới. Hiện, tỉnh đã có hơn 93% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn.
Từ những khảo sát với nhiều xã có hạn chế, yếu kém ở tỉnh cho thấy, tại những nơi cán bộ chủ chốt “dày thâm niên, ê kíp sâu, họ hàng rộng” nếu thiếu sự lãnh đạo, kiểm soát tốt thì họ dễ sa vào độc đoán, chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc, chế độ công tác, trì trệ chậm đổi mới... tác động tiêu cực đến sự phát triển của địa phương.
Quá trình củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, các cấp ủy đã tập trung mục tiêu bảo đảm xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; chất lượng cán bộ, đảng viên gắn liền rà soát, phát hiện, giúp đỡ, sàng lọc đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Việc nâng cao vai trò cấp ủy, chi bộ, thông qua đội ngũ cán bộ chủ chốt, các cấp ủy; chú trọng đôn đốc, tổ chức kiểm tra, giám sát; tập trung vào những nội dung khó, dễ phát sinh sai phạm như đất đai, tài chính, công tác cán bộ... phát hiện hạn chế, thiếu sót qua đó có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục; đồng thời thực hiện bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương đã khẳng định hiệu quả. Hưng Yên đã và đang thực hiện thí điểm Bí thư Đảng ủy cấp xã không phải là người địa phương với các giải pháp, chính sách đồng bộ.
Xây dựng, chỉnh đốn và đổi mới trong Đảng
Thực tế ở Hưng Yên ghi nhận quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị luôn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của các cấp ủy, sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa trao đổi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vào các trọng tâm: Quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và Nhà nước; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và một số lĩnh vực cụ thể: Công tác tổ chức cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; sửa đổi lề lối làm việc và cải cách hành chính trong Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương; việc xây dựng và triển khai các chương trình, đề án cụ thể thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp. Ban Thường vụ phân công các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phụ trách các cơ quan, địa phương, đơn vị... coi trọng kiểm tra, giám sát tổ chức đảng gắn với kiểm tra, giám sát trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát cấp ủy viên cùng cấp và đảng viên là cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý; giải quyết kịp thời, dứt điểm các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, các vụ việc nổi cộm từ cơ sở, không để phát sinh phức tạp… xử lý công minh, chính xác, kịp thời các đảng viên có vi phạm.
Đảng bộ tỉnh kế tục và triển khai mới các chương trình, đề án về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quán triệt học tập, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; về nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; các chương trình, đề án chủ trương về đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ cơ sở trong giai đoạn mới... bảo đảm phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Thị xã Mỹ Hào là một trong những trung tâm phát triển của tỉnh, đang trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh với nhiều vấn đề, diễn biến mới cần xử lý hiệu quả. Hiện, trên địa bàn có tổng số 258 dự án triển khai đầu tư, trong đó có 5 khu công nghiệp lớn cùng nhiều làng nghề đang hoạt động với diện tích hơn 800ha. Công tác quản lý xã hội; tài nguyên môi trường, an ninh trật tự đặt ra nhiều vấn đề “nóng” mang tính thách thức.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy luân chuyển đồng chí Trần Thị Thanh Thủy, là Ủy viên Ban Thường vụ, không phải là người địa phương, về đảm nhiệm Bí thư Thị ủy Mỹ Hào nhiệm kỳ 2020-2025. Trước yêu cầu mới cùng những thách thức trong sự phát triển, đồng chí Bí thư cùng tập thể Ban Thường vụ Thị ủy tập trung duy trì nghiêm các chế độ, quy định của Đảng, ban hành, bổ sung quy chế làm việc, phối hợp và phát huy hiệu quả hoạt động các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị từ thị xã tới cơ sở.
Đồng thời, Ban Thường vụ tăng cường kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tổ chức xây dựng Đảng. Sáu tháng đầu năm 2022, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 13 đảng viên và 24 tổ chức đảng; thực hiện giám sát chuyên đề đối với sáu tổ chức đảng và sáu đảng viên. Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở đã kiểm tra 23 đảng viên và bảy tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm...
Qua đó, đã thi hành kỷ luật 18 đảng viên, bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật đảng. Thực tế tại thị xã Mỹ Hào cho thấy khi có chủ trương đúng, sát hợp việc phát huy cao nội lực, gắn liền kiểm tra giám sát; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ thị xã đến cơ sở ngang tầm là nhân tố bảo đảm các chủ trương, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Hai năm qua, trong bối cảnh thực hiện “mục tiêu kép”, nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội của thị xã vượt kế hoạch đề ra. Tổng giá trị sản xuất tăng hơn 8%. Chính sách an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Đồng bộ với các giải pháp, nhân tố nêu trên, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh coi trọng thực thi, phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên ở cơ sở; đề cao trách nhiệm phản biện và giám sát xã hội của nhân dân với tác phong, tư duy mới nhằm phát huy, thu hút trí tuệ, nguồn lực cho các mục tiêu phát triển.
Tại thành phố Hưng Yên, hiện có 39 đầu mối cơ quan xử lý những phản ánh trực tuyến của người dân, gồm toàn bộ cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, phường, xã. 100% số thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố đều đã được công khai, tiếp nhận. Liên tục 5 năm trở lại đây, thành phố đã huy động được trung bình 900 tỷ đồng/năm để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.
Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên Doãn Quốc Hoàn cho biết, địa bàn thành phố hiện có gần 100 dự án, tổng vốn đầu tư gần 9 nghìn tỷ đồng. Thành phố đã hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao; hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn ngày càng phát triển.
Thực tế ở Hưng Yên cũng đang đặt ra yêu cầu mới, cao hơn trong xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng, đảng viên, nhất là đảng viên ở khu vực nông thôn; về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở gắn liền nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ các cấp và các đoàn thể... Trong đó, cần xác định những yêu cầu, nguyên tắc, tiêu chí xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, bảo đảm đồng bộ, liên thông với các quy định của Đảng.
Từ các mục tiêu định hướng phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới, cùng những hạn chế, yếu kém của một số cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đang đặt ra yêu cầu cao về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của hệ thống chính trị từ cơ sở, bảo đảm huy động tiềm năng, nguồn lực cho phát triển.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới phong cách và lề lối làm việc của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp phải gắn với tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, đáp ứng tốt yêu cầu lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trên địa bàn ngày càng hiệu quả.