Chị Bùi Thị Bình, thị trấn Trái Hút (Văn Yên, Yên Bái) là gia đình thuộc diện hộ nghèo, lo cái ăn hằng ngày đã khó lấy đâu ra tiền để mua nước sạch. Nhưng chị vẫn nộp hơn 30 nghìn đồng trả tiền mua 27 m3 nước dùng trong tháng với giá 1.500 đồng/m3. Lượng nước dùng trong một tháng so với các hộ dân trong vùng, kể cả hộ khá giả, vẫn là ở mức cao. Chị Bình dùng nhiều nước hơn do một nách nuôi hai đứa con nhỏ, đứa lớn hơn hai tuổi, đứa bé mới hơn một tháng, phải giặt giũ nhiều quần áo, mới tốn nhiều nước. Biết là tốn tiền nhưng em vẫn phải dùng nước sạch cho bảo đảm vệ sinh.
Chị Bình cho biết thêm, thị trấn Trái Hút có nước sạch từ năm 2005. Trước đây, người dân địa phương chủ yếu sử dụng nước giếng đào, nước suối. Mỗi ngày, chị và nhiều người dân khác phải đi gánh nước khoảng 10 lần/ngày. Từ ngày có công trình nước sạch, nhiều hộ dân tự nguyện đăng ký, lắp đồng hồ, nối đường ống dẫn nước về. Có nước sạch, bà con không còn bị đau mắt, mắc các bệnh ngoài da.
Khác với nhà chị Bình, chị Ðiêu Thị Xiêng, bản Ðêu 1, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) lại "bỏ" ra 25 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, công trình vệ sinh khép kín, nước sạch và hầm biogas. Chị Xiêng kể: Mình là cán bộ hội phụ nữ xã nên phải gương mẫu làm trước, mới thuyết phục được chị, em trong bản làm theo. Nhà mình có năm nhân khẩu, bắt đầu sử dụng nước sạch từ năm 2001, mỗi tháng dùng hết 15 số nước. Ðến nay, tất cả 55 hộ trong bản đều sử dụng nước sạch".
Bí thư Ðảng ủy xã Nghĩa An Lường Lãng cho biết: "Xã có tám thôn, bản, 2.680 nhân khẩu, 95% số dân là người dân tộc Thái. Xã có nghề truyền thống dệt thổ cẩm và chăn nuôi gia súc. Trong những năm qua, bà con tích cực làm ăn nên điều kiện kinh tế được cải thiện mới mua nước sạch dùng trong sinh hoạt. Với sự giúp đỡ của UNICEF, công trình cấp nước sạch của xã đã được xây dựng và đến nay vẫn phát huy hiệu quả".
Theo đánh giá của UBND tỉnh Yên Bái, trong những năm qua, tỉnh tích cực nhân rộng các mô hình cấp nước sinh hoạt như: công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Nghĩa An (Nghĩa Lộ), Phong Du Hạ (Văn Yên), Vĩnh Lạc (Lục Yên). Từ năm 1999 đến năm 2005, tỉnh xây dựng 5.132 công trình cấp nước sinh hoạt; trong đó có 143 công trình cấp nước tập trung, 4.989 công trình cấp nước nhỏ lẻ; với tổng vốn đầu tư 87 tỷ đồng (50,6 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách). Nhờ vậy, trong bảy năm qua, tỉnh có thêm gần 304 nghìn người dân vùng sâu, vùng xa được sử dụng nước sinh hoạt; nâng số dân được sử dụng nước sinh hoạt từ 32% (năm 1999) lên 52% (năm 2005). Tuy nhiên, trong những năm qua, chương trình nước sạch nông thôn của tỉnh đã bộc lộ một số yếu kém. Việc tổ chức thực hiện chương trình chưa đủ mạnh, nguồn nhân lực thực hiện chương trình còn thiếu và yếu về chuyên môn; nguồn vốn huy động xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt còn hạn chế; quy hoạch chi tiết về cấp nước sinh hoạt cho từng huyện còn chậm; một số công trình sau khi bàn giao cho địa phương quản lý không phát huy hiệu quả.
Từ năm 2006 đến 2010, tỉnh có kế hoạch xây dựng gần 11 nghìn công trình cấp nước sinh hoạt; trong đó có 393 công trình cấp nước tập trung, với tổng vốn đầu tư hơn 135 tỷ đồng (hơn 44 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn). Theo đó, đến năm 2010, tỉnh có 80% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Ðể đạt được mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái tập trung thực hiện các giải pháp: Triển khai quy hoạch chi tiết về nước sạch cho từng vùng, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội; ưu tiên xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt cho vùng khó khăn, bà con các dân tộc thiểu số; tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân; tổ chức tốt sự tham gia của cộng đồng với việc vận hành, bảo dưỡng và bảo vệ công trình cấp nước; sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước; khuyến khích các hình thức góp vốn xây dựng công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.