Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm giữ vững "vùng xanh"

Ngày 6/1, TP Hồ Chí Minh trở thành vùng có dịch nguy cơ thấp theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ. Ðể giữ vững vùng xanh, thành phố tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin cho người dân, nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị F0; tập trung bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và giảm số ca tử vong.

Tiêm vắc-xin cho học sinh huyện Củ Chi.
Tiêm vắc-xin cho học sinh huyện Củ Chi.

Mô hình "bệnh viện chị" đi hỗ trợ trực tiếp cho "bệnh viện em" trong điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Ðây là mô hình mới của ngành y tế thành phố trong giai đoạn bình thường mới, góp phần điều trị kịp thời cho bệnh nhân mắc Covid-19, hạn chế các trường hợp chuyển nặng. Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh được Sở Y tế phân công tiếp nhận Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai bàn giao lại khi đã hoàn thành thời gian chi viện. Ngay sau khi tiếp nhận, Sở Y tế giao Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh xây dựng mô hình "Bệnh viện dã chiến 3 tầng" để đáp ứng nhu cầu tiếp tục điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở cả 3 tầng, không phải chuyển người bệnh đi nơi khác. Tính đến nay, đã có nhiều bệnh nhân nặng và nguy kịch được cứu sống một cách ngoạn mục và được xuất viện tại bệnh viện dã chiến 3 tầng này. Công tác hỗ trợ tuyến trong cụm được phân công theo mô hình "bệnh viện chị-em". Ngay từ lúc mới thành lập, Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 đã tổ chức các đoàn đến làm việc tại quận 7, quận 8 và huyện Cần Giờ để hỗ trợ chỉ đạo tuyến, cùng thống nhất chiến lược chăm sóc và quản lý F0 tại địa phương. "Khi các bệnh viện ở ngoài cụm bị quá tải và việc chuyển bệnh trong cùng cụm gặp khó khăn, hoặc khi có nhiều trường hợp tử vong, nhận được yêu cầu từ Tổ điều phối chuyển viện thuộc Sở Y tế thì Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 lập tức tổ chức nhóm chuyên gia đi tận nơi để hội chẩn và quyết định những trường hợp cần ưu tiên chuyển về khoa Hồi sức thuộc Bệnh viện dã chiến điều trị. Từ đó, giúp tăng khả năng cứu sống người bệnh; đồng thời giảm số bệnh nhân chuyển nặng tại các bệnh viện quận, huyện"- Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết.

Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm giữ vững
 Bác sĩ đến từng nhà tư vấn, vận động người dân ở quận Phú Nhuận tiêm vắc-xin.

Cùng với việc xây dựng bệnh viện 3 tầng, mô hình "bệnh viện chị-em", Sở Y tế thành phố đã chủ động triển khai chiến dịch tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người thuộc nhóm nguy cơ nhằm hướng đến mục tiêu giảm mắc, giảm nguy cơ tử vong do Covid-19. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn rà soát, lập danh sách hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ. Căn cứ vào danh sách, trung tâm y tế triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi-rút SARS-CoV-2 cho từng thành viên của các hộ gia đình nêu trên. Ðể hỗ trợ chiến dịch, Sở Y tế kêu gọi hàng nghìn nhà thuốc tham gia phát thuốc điều trị cho các F0 trên địa bàn. Thành phố cũng kích hoạt mạng lưới thầy thuốc đồng hành nhằm tư vấn, chăm sóc các F0. Sát cánh cùng với người dân trong suốt đợt dịch vừa qua, Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh tiếp tục có những chương trình chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là bệnh nhân F0 trong giai đoạn bình thường mới. Theo TS, BS Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ thành phố, dựa trên cơ sở dữ liệu về số người thuộc nhóm nguy cơ cao, người chưa tiêm vắc-xin, đội hình nhân viên y tế kết hợp cùng cán bộ địa phương đến từng nhà thăm hỏi sức khỏe và phổ cập kiến thức tiêm chủng cho người dân. "Từ thông điệp "y tế gần dân", các hoạt động của Hội đã được triển khai thí điểm tại quận Phú Nhuận, quận 3; sau đó, nhân rộng ra các quận, huyện khác. Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân tại nhà được thực hiện song song công tác tư vấn, hỗ trợ điều trị F0... là những việc làm thiết thực của Hội Thầy thuốc trẻ thành phố trong chiến dịch chăm sóc, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao của ngành y tế thành phố"-TS, BS Phan Minh Hoàng chia sẻ.

Từ sự vào cuộc quyết liệt của các quận, huyện, TP Thủ Ðức, với những giải pháp linh hoạt đã mang lại kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, giúp dịch bệnh được kiểm soát tốt từ khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới. Quận Bình Tân từng là "điểm nóng" về lây nhiễm cộng đồng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 12/2021 đến nay, tình hình chuyển biến khả quan, số ca mắc mới giảm sâu. Từ ngày 16/12 đến nay, quận được công nhận là "vùng xanh". Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết: Ðây là kết quả của hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch được triển khai đồng bộ, quyết liệt bao gồm tuyên truyền cho người dân về ý thức phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho người dân; củng cố hệ thống chăm sóc, điều trị F0 tại nhà; huy động các bệnh viện, phòng khám tư tham gia công tác phòng, chống dịch… Hiện nay, dù tình hình được kiểm soát nhưng quận Bình Tân vẫn duy trì 22 trạm y tế lưu động, 130 tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, hỗ trợ kịp thời các gói thuốc điều trị cho F0 tại nhà. Mỗi phường chuẩn bị một đến hai xe cấp cứu, sẵn sàng vận chuyển các ca bệnh nặng cần chuyển viện. Quận cũng phấn đấu hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 3 trong quý I/2022; tổ chức đội tiêm tận nhà cho người lớn tuổi, người có bệnh nền... Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh Phạm Ðức Hải cho biết: Ðến nay, thành phố đã đạt các chỉ số quan trọng trong công tác phòng, chống dịch về số ca mắc mới, số ca tử vong, số ca nhập viện đều giảm sâu. Ðến ngày 6/1, có 18 trong số 22 địa phương thuộc thành phố được "xanh hóa". Thành phố đã chuyển từ "vùng vàng" trở thành "vùng xanh" sau một thời gian dài nỗ lực phòng, chống dịch.

Những ngày qua, học sinh từ khối lớp 7 đến lớp 12 ở thành phố được đi học trực tiếp trở lại. Nhiều trường đại học ở TP Hồ Chí Minh đã thông báo lịch giảng dạy, học tập trước và sau Tết Nhâm Dần. Cuộc sống bình thường đang dần trở lại. Tuy nhiên, trước tình hình biến thể Omicron đã xuất hiện, để chủ động ứng phó dịch bệnh và đón năm mới an bình, người dân cần tiếp tục tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, biện pháp 5K; thực hiện các thói quen tốt trong đời sống hằng ngày như đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên, giảm bớt việc tụ tập... để giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết: Trong năm 2022, Sở Y tế thành phố đề ra chín mục tiêu, chủ yếu kiểm soát dịch dựa trên những bài học kinh nghiệm thời gian qua. Một trong những mục tiêu quan trọng là, thành phố xây dựng Chiến lược y tế thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Mới đây, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: Thực tiễn cho thấy, thành phố vẫn còn đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, thành phố xây dựng chủ đề năm 2022 là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp". An toàn phòng, chống dịch chính là điều kiện cần để thành phố có thể bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022 và những năm tiếp theo; qua đó, giúp nhanh chóng bù đắp những mất mát gặp phải trong suốt thời gian dài phòng, chống dịch vừa qua.