An toàn giao thông

Những tấm gương sáng

Ở TP Cần Thơ, nhiều người bán vé số, chạy xe ôm, hoặc tật nguyền,… nhưng vẫn tự nguyện bỏ thời gian, công sức và tiền cá nhân để vá đường, nhặt đinh, điều tiết giao thông trong một thời gian dài, thầm lặng lan tỏa tinh thần sống đẹp vì cộng đồng, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho mọi người.

Ông Lê Văn Dựa và chiếc xe tự chế chuyên hút đinh, vật kim loại sắc nhọn trên đường (ảnh chụp trước khi thực hiện giãn cách xã hội).
Ông Lê Văn Dựa và chiếc xe tự chế chuyên hút đinh, vật kim loại sắc nhọn trên đường (ảnh chụp trước khi thực hiện giãn cách xã hội).

Người dân sống ở phường Trà Nóc (quận Bình Thủy) thường gọi thân mật ông Nguyễn Hồng Dân làm nghề bán vé số là ông Ba Dân. Dạo trước, khi chưa có dịch Covid-19, hễ có thời gian rảnh, ông Dân lại tập tễnh đẩy xe ba gác chở vật liệu cát sỏi, xi-măng đi vá đường. Theo lời kể của ông Dân, cơn sốt bại liệt khi mới chào đời đã khiến ông bị tật nguyền, đi đứng khó khăn. Năm 2014, khi lên Bình Dương mưu sinh bằng nghề bán vé số, tận mắt chứng kiến một người đi đường vướng ổ gà ngã xe và bị chết, sau đó ông đã đi mua xi-măng và cát, vá lại ổ gà đã cướp đi mạng người. Kể từ đó, ông đã tự bỏ tiền ra vá hàng nghìn ổ gà trên đường, từ Bình Dương, rồi Kiên Giang và Cần Thơ theo những lần chuyển chỗ ở. Nhiều người quen biết đã tự nguyện đóng góp thêm và một số chủ cửa hàng hỗ trợ vật liệu xây dựng cho nên hằng tháng, ông dành phần lớn thời gian cho việc làm nhiều ý nghĩa này. Thậm chí nhiều lúc thiếu tiền, vợ ông còn lấy tiền bán tạp hóa cho ông mượn đi mua vật liệu. Ông khẳng khái: "Tôi chỉ bỏ ra chút công sức mà người dân đi lại an toàn, thế là vui lắm rồi. Khi đi bán vé số, người dân thấy mình tật nguyền mua ủng hộ, ấy là tôi đã nhận của người ta cái ơn và tự thấy mình cần phải trả ơn đó bằng việc vá đường". Năm 2018, ông Dân được trao giải thưởng Kova, do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Chủ tịch Tập đoàn Kova sáng lập. Ông được bình chọn ở hạng mục "Sống đẹp", tôn vinh những cá nhân xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, dành cho những việc làm lan tỏa tính nhân văn trong cộng đồng.

Còn tại xã Trung Thạnh (huyện Cờ Ðỏ), có ông Lê Văn Dựa (Sáu Dựa) làm nghề chạy xe ôm, thu nhập hằng ngày của ông chỉ đủ cho gia đình sống tạm bợ qua ngày. Hơn một năm qua, chiếc xe hút đinh, trên thùng xe có dòng chữ "Vì cuộc sống tốt đẹp" của ông Sáu Dựa đã trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân sinh sống trong vùng. Trên thùng xe, ông luôn trang bị chai xăng và vài chiếc săm xe để hỗ trợ, phòng những trường hợp không may hết xăng dọc đường hay thủng săm. Quá trình làm nghề chạy xe ôm, ông cũng trải qua nhiều lần xe bị dính đinh xẹp lốp, phải dắt bộ rất xa mới tìm được tiệm sửa, nghĩ đến những phụ nữ chân yếu tay mềm gặp cảnh đó chắc sẽ rất vất vả. Ðang không biết tìm cách nào để hạn chế đinh rơi trên đường, ông Sáu nghe được trên đài phát thanh kể một lão nông ở An Giang tự chế xe hút đinh, thế là ông cũng về tự mày mò nghiên cứu, học theo để làm. Ông dành dụm, bỏ tiền cải tạo chiếc xe máy, gắn một khung sắt nhỏ phía sau cùng các thỏi nam châm cỡ lớn rà trên mặt đất. Bà Sáu thấy chồng làm "chuyện lạ", khi hỏi ra biết ông không phải đi hút sắt vụn mà giúp hạn chế xe cán đinh, không ngăn cản mà còn ủng hộ nhiệt tình, khiến ông càng có thêm động lực. Ông bỏ ra thời gian, công sức, xăng xe đi các quận, huyện ở TP Cần Thơ và nhiều lúc xuống tận TP Sóc Trăng, nhiều hôm thu được tới vài ký đinh. Số đinh, vật nhọn kim loại ấy nếu không được thu gom sẽ làm hư hỏng không biết bao nhiêu phương tiện của người đi đường, thậm chí còn có thể gây tai nạn.

Khoảng hơn một năm qua, những người đi qua lại trên cầu Tây Ðô (xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền) khá quen thuộc với hình ảnh người đàn ông gầy gò, cần mẫn đứng phân luồng giao thông trên cầu. Ðó là ông Bùi Văn Sánh, công an viên phụ trách ấp Nhơn Thọ 1A. Hằng tháng, ông Sánh nhận được khoảng 1,6 triệu đồng phụ cấp đối với công an viên, nhưng bản tính của ông khá đơn giản, có ít tiêu ít. Gia cảnh ông đơn chiếc, vợ mất, con gái đi lấy chồng, ông sống một mình, tự nguyện hiến đất vườn cho ngôi chùa gần đó, chỉ giữ lại căn nhà. Cầu Tây Ðô cũ nơi ông sinh sống liên tục bị ùn tắc, quá tải và tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Từ năm 2019 đến nay, ông Sánh không quản ngại nắng mưa, đứng chốt mỗi ngày hai buổi tại dốc cầu Tây Ðô phân luồng, điều tiết giao thông, dù không được trả thêm đồng phụ cấp nào cho việc này. Nhờ có ông, tình trạng ùn tắc trên cầu đã giảm hẳn. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khi thấy người tham gia giao thông không mang khẩu trang, ông vẫn tận tình nhắc nhở. Cuối năm 2020 vừa qua, ông Sánh đã được Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ trao bằng khen về thành tích đóng góp, giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ Mai Minh Ngoan đánh giá, những năm qua, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả từ các đơn vị, cá nhân tham gia vào công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của thành phố. Ban An toàn giao thông thành phố cùng chính quyền các cơ sở đã rà soát thành tích, quá trình cống hiến và đề xuất khen thưởng nhằm cổ vũ tinh thần, ghi nhận thành tích đóng góp của các tấm gương sống đẹp vì cộng đồng. Thành phố sẽ tiếp tục động viên khuyến khích và nhân rộng, lan tỏa những việc làm thiết thực của các đơn vị, cá nhân trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhằm mục tiêu kéo giảm tỷ lệ tai nạn giao thông, giữ bình yên cho xã hội ■

ÐỨC THẮNG