Xác định nguyên nhân bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở Lào Cai

NDO -

NDĐT - Hộ dân mua lợn giống “chui” vào ban đêm, không có kiểm dịch, đó là nguyên nhân xảy ra dịch tả lợn châu Phi và đang lan rộng ở tỉnh Lào Cai được công bố vào ngày 18-5 vừa qua. Dịch tả lợn châu Phi cũng bùng phát trở lại và lan rộng ở Bắc Cạn. Các địa phương trên cả nước tăng cường giám sát các cơ sở giết mổ lợn trên địa bàn, ngăn ngừa dịch lan rộng.

Lợn nhiễm dịch tả châu Phi bị chết, ở xã Bản Lầu (Lào Cai).
Lợn nhiễm dịch tả châu Phi bị chết, ở xã Bản Lầu (Lào Cai).

Sáng 20-5, ông Dương Hồng Trung, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, nơi khởi phát dịch tả lợn châu Phi cho biết: Cách thời điểm công bố dịch xuất hiện khoảng một tháng (18-4), hộ ông Trần Dương Khương, ở thôn Na Lin, xã Bản Lầu cùng một số hộ trong thôn mua chung một xe lợn giống với các hộ dân ở thôn Giáp Cư, xã Lùng Vai từ thương lái tỉnh khác. Vì không có giấy tờ kiểm dịch, toàn bộ quá trình giao dịch đều được diễn ra vào lúc nửa đêm để qua mắt cơ quan chức năng.

Tại gia đình ông Khương, sau khi bắt lợn về nuôi được khoảng một tuần, lợn bắt đầu có tình trạng ốm, biểu hiện sốt cao, bỏ ăn; sau khi tiêm thuốc hạ sốt và thuốc kháng sinh thì lợn chết. Lợn chết quá nhiều, ông Khương mới báo cáo với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng I (Cục Thú y) thì phát hiện dương tính với bệnh tả lợn châu Phi. Thôn Na Lin, xã Bản Lầu và thôn Giáp Cư, xã Lùng Vai là những điểm đầu tiên có dịch trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của UBND huyện Mường Khương, sau khi công bố dịch tả lợn châu Phi, đến hết ngày 19-5, lực lượng chức năng đã tiêu hủy 310 con lợn của 35 hộ dân ở hai xã Bản Lầu và Lùng Vai, với trọng lượng là 15,3 tấn.

Huyện Mường Khương đã khoanh vùng, lập hai chốt kiểm dịch trên tuyến Quốc lộ 4D, cấp 240 lít hóa chất và 34 tấn vôi bột cho các địa phương vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, không để lây lan rộng.

* Sáng cùng ngày, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai cho biết, chiều 17-5, tại hộ chăn nuôi Nguyễn Văn Quang, bản Liên Hà 7, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên xuất hiện lợn chết. Ngày 18-5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai đã lấy mẫu bệnh phẩm tại hộ chăn nuôi này gửi về Trung tâm Chẩn đoán Thú y trung ương (Cục Thú y) để xét nghiệm.

Ngày 19-5, Trung tâm Chẩn đoán Thú y trung ương đã có phiếu trả lời mẫu bệnh phẩm lấy từ thôn Liên Hà 7, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên dương tính với dịch tả lợn châu Phi. UBND huyện Bảo Yên đã chỉ đạo chính quyền xã Bảo Hà phối hợp lực lượng chức năng khoanh vùng, phun thuốc khử trùng và tiêu hủy 47 con lợn bị chết theo quy định.

Ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: Huyện tăng cường lực lượng tại ba chốt kiểm soát (Km78, Quốc lộ 70 giáp ranh tỉnh Yên Bái; chốt tại xã Nghĩa Đô, giáp ranh với tỉnh Hà Giang; chốt tại xã Bảo Hà, hướng ra cao tốc Nội Bài - Lào Cai) và yêu cầu các xã tăng cường các tổ công tác chống dịch tại địa bàn thường xuyên 24/24 giờ để khống chế không để lây lan ra các hộ chăn nuôi chung quanh cũng như các xã lân cận...

* Là tỉnh thứ hai công bố hết dịch tả lợn châu Phi vào tháng 4, tuy nhiên, đến tháng 5, dịch bệnh lại bùng phát trở lại tại Bắc Cạn. Trong vòng hơn 10 ngày, dịch đã lan ra tất cả các huyện.

Dịch bệnh xuất hiện lại đầu tiên là ở huyện Na Rì trong thời gian từ ngày 29-4 đến 3-5, trên đàn lợn của người dân thôn Khau Pần, xã Cư Lễ. Từ đó tới nay, dịch đã lan ra bảy xã trên toàn huyện, tiếp tục có những con lợn chết đang chờ kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm. Đến ngày 8-5, địa phương thứ hai có dịch là huyện Bạch Thông, phát hiện trên đàn lợn 15 con của hai hộ dân ở thôn Cốc Pái, xã Tân Tiến.

Theo Chi cục Thú y Bắc Cạn, tính từ ngày 9-5, từ chỗ chỉ có hai huyện có dịch thì đến nay, dịch đã lan ra hơn 30 xã ở tất cả các huyện, thành phố. Nhiều lợn nhiễm dịch do bà con tự mua trôi nổi về nuôi, chưa qua kiểm dịch. Số ổ dịch phát sinh mới có thể sẽ tiếp tục tăng thêm khi còn nhiều mẫu bệnh phẩm liên tục được gửi đi xét nghiệm mỗi ngày.

Bắc Cạn đã tập trung lực lượng, tiến hành thu gom, tiêu hủy khoảng 1.200 con lợn nhiễm bệnh, trong vùng dịch. Đồng thời, thành lập 19 chốt kiểm dịch, tổ chức phun tiêu độc, khử trùng cho các phương tiện đi ra từ vùng dịch; tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng liên tục một lần/ngày trong vòng một tuần đầu tiên, ba lần/tuần trong hai tuần tiếp theo.

Xác định nguyên nhân bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở Lào Cai ảnh 1

Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh tại xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm. (Ảnh: TUẤN SƠN)

* Tại tỉnh Đồng Nai, thực hiện việc tăng cường giám sát các cơ sở giết mổ lợn trên địa bàn để ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi lan rộng, ngày 20-5, lực lượng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai phối hợp Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh bắt quả tang một cơ sở giết mổ lợn không phép trên địa bàn phường Long Bình, TP Biên Hòa.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 10 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra cơ sở giết mổ lợn tại khu phố 8, phường Long Bình do ông Nguyễn Viết Hoàng làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có bốn người đang tiến hành giết mổ lợn trên sàn nhà dơ bẩn, không bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, trong chuồng còn nhốt một số con lợn sống chờ giết mổ. Chủ cơ sở không cung cấp được giấy phép liên quan hoạt động giết mổ và nguồn gốc của số lợn trên.

Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn bảy triệu đồng về hành vi giết mổ lợn ở những địa điểm không được cơ quan thẩm quyền cho phép. Đồng thời, buộc chủ cơ sở luộc chín số lợn đã giết mổ và đưa số lợn sống đến lò giết mổ tập trung theo quy định.

Trước đó, lực lượng liên ngành tỉnh Đồng Nai cũng phát hiện, bắt giữ hai vụ giết mổ và chứa hơn 5,3 tấn thịt lợn nhiễm bệnh, không rõ nguồn gốc trên địa bàn xã Bình Minh, huyện Trảng Bom. Cụ thể, ngày 9-5, kiểm tra cơ sở giết mổ lợn trái phép do ông Trần Anh Phong làm chủ, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang giết mổ, tiêu thụ lợn chết không rõ nguồn gốc và hơn 1,3 tấn thịt lợn đang lưu trữ trong nhiều tủ đông lạnh, thùng sốp, có mùi rất khó chịu.

Tiếp đó, ngày 16-5, lực lượng liên ngành tỉnh Đồng Nai kiểm tra hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thảo, phát hiện trong kho nhà có 16 tủ đông và một thùng xốp, chứa hơn bốn tấn thịt lợn. Sau khi tiến hành niêm phong và lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan chức năng xác định, số thịt lợn trên dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi nên đã đưa đi tiêu hủy và xử lý phun thuốc tiêu độc, khử trùng kho đông lạnh theo đúng quy định.

Tại Đồng Nai, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở năm xã thuộc địa bàn các huyện: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu. Để ngăn ngừa dịch lan rộng, ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở giết mổ, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thành lập hàng chục chốt kiểm dịch tạm thời trên các tuyến đường chính và khu vực phát hiện dịch.

Xác định nguyên nhân bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở Lào Cai ảnh 2

Lực lượng liên ngành tỉnh Đồng Nai phát hiện cơ sở giết mổ lợn không phép tại phường Long Bình, TP Biên Hòa. (Ảnh: THIÊN VƯƠNG)

* Ngày 20-5, Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ) đã ra quyết định công bố bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn hai xã Vĩnh Chân và xã Mai Tùng. Như vậy, cùng với xã Y Sơn được công bố trước đó, tính đến nay trên địa bàn huyện Hạ Hòa đã có ba xã có bệnh dịch tả lợn Châu Phi, và là đơn vị thứ hai trong tỉnh công bố dịch bệnh sau thành phố Việt Trì.

Xác định nguyên nhân bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở Lào Cai ảnh 3

Bà Phạm Thị Thu, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Hạ Hòa cho biết, địa phương đã chủ động kinh phí mua vật tư chống dịch (hóa chất, vôi bột, bạt, phương tiện tiêu hủy, trang bị bảo hộ…) để tổ chức tiêu hủy lợn đúng quy trình ở các xã có bệnh dịch tả lợn Châu Phi như: Y Sơn, Mai Tùng và xã Vĩnh Chân. Việc tiêu hủy bảo đảm an toàn, không để lây lan dịch trong quá trình tiêu hủy, đồng thời tổ chức phun thuốc tiêu độc khủ trùng ở vùng dịch, vùng bị uy hiếp và vùng đệm theo hướng dẫn chuyên môn…

Ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và chăn nuôi tỉnh Phú Thọ cho biết, đã tổ chức lấy 51 mẫu máu test nhanh bệnh dịch tả lợn châu Phi và 38 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng thành lập 15 đội kiểm soát lưu động và sáu chốt kiểm soát cấp tỉnh và huyện, được bố trí trực ở các đầu mối giao thông quan trọng và thành lập 277 đội kiểm soát và 17 chốt kiểm soát cấp xã, thực hiện việc hỗ trợ khoanh vùng, dập dịch, giám sát hoạt động vận chuyển, giết mổ lợn; kiểm soát hộ kinh doanh thịt lợn và các sản phẩm từ lợn tại các chợ trên địa bàn…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ yêu cầu các địa phương tiếp tục cập nhật thông tin và đẩy mạnh công tác tuyên truyền hằng ngày để người dân nắm bắt kịp thời nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; các địa phương tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn giám sát, phát hiện dịch bệnh, tố giác các hành vi giấu dịch, bán chạy làm lây lan dịch bệnh; đồng thời lưu ý các điạ phương cần báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh, chủ động đề xuất các biện pháp khắc phục, nếu để dịch bệnh phát sinh, đơn vị sẽ làm rõ các nguyên nhân để quy trách nhiệm và có biện pháp xử lý, báo cáo cấp trên.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, từ ngày 19-2 đến ngày 19-5, Phú Thọ đã có 48 hộ ở 38 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thành, thị có lợn bị ốm, chết. Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức tiêu hủy 1.058 con lợn ở các điểm có dịch tả lợn Châu Phi. Hiện nay, 25 con lợn bị ốm ở các huyện Phù Ninh và Đoan Hùng đang được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ theo dõi.