Nguy cơ ngộ độc có ở mọi khâu
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4/2023, cả nước xảy ra tám vụ ngộ độc thực phẩm với 117 người bị ngộ độc, trong đó có một người tử vong. Tính chung bốn tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 25 vụ ngộ độc với 344 người bị ngộ độc, trong đó có tám người tử vong. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm có thể đến ở mọi khâu, từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, cho đến bảo quản, bày bán…
Mới đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nữ bệnh nhân (44 tuổi, ở Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm, tan máu sau khi ăn thực phẩm trộn phẩm mầu. Trước đó, người bệnh có mua 100g bột mầu (còn gọi là bột mai quế lộ) ở chợ và trộn hơn một nửa lượng bột mầu này với thịt lợn xay rồi gói nem rán. Bệnh nhân cùng con ăn nem vào các bữa trưa của ba ngày liên tiếp. Sau bữa cuối cùng được hai ngày, bệnh nhân thấy chóng mặt, hoa mắt, cảm giác gai sốt, đau đầu và phải nhập viện. Mẫu bột mầu mà bệnh nhân sử dụng được xét nghiệm và phát hiện có axit orange 7, là hóa chất được dùng làm chất mầu công nghiệp, phụ gia thực phẩm nhưng nếu sử dụng với hàm lượng cao có thể gây tan máu.
Tương tự, thời gian gần đây, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh tiếp nhận nhiều trường hợp bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Điển hình như trường hợp của nam bệnh nhân (32 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh) bị đau bụng, tiêu lỏng, sốt, nôn ói sau khi ăn bún cua ốc. Sau ba ngày được điều trị tích cực, bệnh nhân đã khỏi các triệu chứng ngộ độc thực phẩm.
Nói về nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng lên khi mùa hè tới, các chuyên gia cho biết, nhiệt độ từ 37-40oC là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh so với thời tiết bình thường. Mùa hè cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh như ruồi, nhặng, gián, muỗi... Tại những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống không tuân thủ quy định bảo đảm an toàn trong chế biến thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất cao. Trong môi trường nắng nóng, nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả...
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngộ độc thực phẩm có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể chia thành ba nhóm nguyên nhân chính. Nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn và do các độc tố của vi khuẩn. Tiếp theo có thể kể đến ngộ độc thực phẩm do các loại hóa chất khác nhau như hóa chất bảo vệ thực vật, chất phụ gia, chất bảo quản… được đưa vào trong thực phẩm với mục đích cố tình hay vô ý. Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm tự nhiên có chất gây độc như cá nóc, sắn, nấm độc… cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn tới ngộ độc thực phẩm. “Ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm tới sức khỏe biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau; nhẹ nhất là đau bụng, nôn, tiêu chảy, mất nước...; nặng hơn là tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, liệt, co giật, hôn mê… Đây là những biểu hiện trước mắt, còn về lâu dài, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn tới nhiều hậu quả khác nhau”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.
Sử dụng thực phẩm đúng cách
Để bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe nhân dân, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người tiêu dùng cần chọn mua những thực phẩm tươi, có nhãn mác, thời hạn sử dụng lâu dài và chỉ nên mua, sử dụng các thực phẩm trong ngày. Không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh. Không để lẫn, chế biến lẫn các thực phẩm sống với thực phẩm chín. Ăn chín uống sôi; hạn chế tối đa việc sử dụng thực phẩm sống, tái. Không sử dụng các thực phẩm đã hết hạn sử dụng, ôi thiu hay có mùi vị, mầu sắc lạ. Nên sử dụng thực phẩm ngay sau khi chế biến. Bảo quản kỹ thực phẩm bằng cách che, đậy trong hộp đựng, lồng bàn, tủ lạnh, tránh ruồi, muỗi, nhặng...
Cần hâm nóng thực phẩm sau khi lấy ra khỏi tủ lạnh; rã đông thực phẩm hoàn toàn trước khi nấu. Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ không gian nhà cửa, khu vực bếp của gia đình; luôn rửa tay sạch trước khi cầm nắm, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh. Để hạn chế nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tại các gia đình, cần hạn chế việc lưu trữ thức ăn từ sáng tới chiều tối, thậm chí để qua đêm. Người dân cũng cần thay đổi thói quen trữ đủ loại thức ăn, rau củ, thịt cá trong tủ lạnh.
Còn PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho rằng: Những thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm, dầu như thịt, hải sản, sữa tiềm ẩn nguy cơ bị ôi thiu, chỉ cần sơ suất nhỏ trong chế biến, bảo quản là vi khuẩn phát triển gây ngộ độc thực phẩm. Do đó, trong ngày hè, mọi người cần chú ý bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, quá trình lựa chọn thực phẩm cũng cần cẩn trọng, bởi hiện nay trên thị trường có nhiều loại thực phẩm tồn dư hóa chất độc hại từ khi thu hoạch.
Để tránh ngộ độc thức ăn, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định; cần đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm, tránh những sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc có dấu hiệu ôi, thối, mốc.
Khi chế biến thực phẩm, cần bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ chế biến; sử dụng nguồn nước sạch; thực hiện “ăn chín, uống sôi”. Để có thực phẩm an toàn, cách tốt nhất là chế biến vừa đủ và ăn ngay sau khi chế biến. Thức ăn chưa sử dụng cần được che đậy, bảo quản cẩn thận; nếu để sau hai giờ thì phải hâm nóng trước khi sử dụng. Không nên để thực phẩm qua đêm và hâm đi hâm lại nhiều lần.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý: Người dân nên hạn chế sử dụng thức ăn đường phố bởi những thức ăn này thường không được bảo quản tốt, cộng thêm thời tiết nóng nực thuận lợi cho mầm bệnh sinh sôi. “Người bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng cần đến cơ sở y tế sớm, không nên tự ý dùng thuốc. Nếu đến muộn, cơ thể mất nước, nhiễm độc nặng có thể dẫn tới suy đa tạng, nguy hiểm tới tính mạng”, bác sĩ Trung Nguyên khuyến cáo.