Hợp tác vượt qua khủng hoảng, phục hồi bền vững

Hôm nay, nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), với chủ đề “Ứng phó đại dịch Covid-19, đâu là cơ hội của châu Á - Thái Bình Dương hợp tác vượt qua khủng hoảng y tế, đẩy nhanh phục hồi kinh tế, đặt nền tảng cho tương lai tốt đẹp hơn”.

Hợp tác vượt qua khủng hoảng, phục hồi bền vững

Cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt thách thức nghiêm trọng do đại dịch. Nỗ lực ứng phó dịch bệnh được đẩy mạnh, nhất là sản xuất, phân phối vaccine ngừa Covid-19 và triển khai tiêm chủng cộng đồng.

Các nước ưu tiên chiến lược phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tiếp tục khẳng định vai trò đi đầu thúc đẩy liên kết kinh tế và duy trì hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương, song APEC đang đứng trước nhiều thách thức, khi cạnh tranh nước lớn gia tăng, nhiều khuôn khổ hợp tác mới xuất hiện, gây khó khăn trong việc đạt đồng thuận, thúc đẩy các cam kết mang tính đột phá. Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng với APEC, là năm đầu triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040, hợp tác APEC được kỳ vọng tăng cường sau thời gian gặp khó khăn.
 
Hơn 20 năm tham gia APEC, Việt Nam chủ động, tích cực đóng góp cho Diễn đàn, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và liên kết kinh tế khu vực. Là một trong số ít thành viên hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, dự án hợp tác và đóng góp cho công tác điều hành của APEC. Đặc biệt, Việt Nam đề xuất sáng kiến, dẫn dắt và điều phối quá trình xây dựng kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Việt Nam chủ động phối hợp các thành viên duy trì đà hợp tác của APEC.
 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng các nhà lãnh đạo APEC thảo luận về tăng cường hợp tác, tìm giải pháp vượt qua khủng hoảng y tế, đẩy nhanh phục hồi kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Tham gia Cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo APEC, Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò và tiếng nói tại Diễn đàn, thúc đẩy hợp tác khu vực và toàn cầu nhằm ứng phó và vượt qua đại dịch, khôi phục tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, thể hiện sự ủng hộ đối với New Zealand, nền kinh tế chủ nhà APEC năm 2021.
 
Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo APEC là sự kiện đối ngoại quan trọng, triển khai chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XIII về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Qua đó, làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam với các thành viên, đối tác quan trọng trong APEC, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.