Cho rằng đợt bùng phát đậu mùa khỉ đang xảy ra tại nhiều địa điểm cùng một lúc, bà Lewis nhận định: "Điều chúng ta đang thấy thật sự rất khác".
"Chúng ta chứng kiến tất cả các ca bệnh xuất hiện trong thời gian khá ngắn. Chúng ta chứng kiến hơn 500 ca bệnh xuất hiện trong một vài ngày, một vài tuần. Đó là sự khác biệt và chưa từng xảy ra trước đây", bà Lewis nói.
Trong báo cáo cập nhật cuối tuần trước, WHO cho biết, tính đến ngày 26/5, tổ chức này nhận được báo cáo về 257 ca mắc đã được xác nhận và khoảng 120 ca nghi mắc tại 23 quốc gia - nơi bệnh đậu mùa khỉ không phải bệnh lưu hành địa phương.
Cũng theo bà Lewis, WHO không biết nguồn gốc của đợt bùng phát này và kêu gọi các quốc gia tận dụng "cánh cửa cơ hội" để ngăn chặn số ca bệnh tăng mạnh và biến thành đợt bùng phát lớn hơn.
Theo đánh giá của WHO, rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu đang ở mức vừa phải. Tuy nhiên, mức độ rủi ro có thể cao hơn nếu virus gây đậu mùa khỉ tận dụng cơ hội để tự phát triển như một mầm bệnh trong cơ thể con người và lan sang các nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh nặng như trẻ nhỏ và người bị ức chế miễn dịch.
WHO hối thúc các cơ quan cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo dõi sát sao các triệu chứng có thể xuất hiện như phát ban, sốt, sưng hạch bạch huyết, đau đầu, đau lưng, đau cơ và mệt mỏi, đồng thời cung cấp xét nghiệm cho bất kỳ ai có các triệu chứng này.
Trong cuộc họp báo đầu tuần này, bà Lewis khẳng định WHO không lo ngại bệnh đậu mùa khỉ sẽ trở thành đại dịch vào thời điểm này. Virus gây bệnh không phải mới xuất hiện, nhưng WHO dự kiến họp trong tuần này để thiết lập một chương trình nghiên cứu và các ưu tiên nghiên cứu về virus gây đậu mùa khỉ.
Bệnh đậu mùa khỉ lan ra hơn 20 nước, WHO hối thúc tăng cường giám sát