Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk, đến 16 giờ ngày 31/8, toàn tỉnh ghi nhận 1.083 ca mắc Covid-19 tại 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 800 bệnh nhân đang điều trị, 276 trường hợp được điều trị khỏi bệnh xuất viện và 7 trường hợp tử vong. Điều đáng lo lắng là thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh liên tiếp ghi nhận các ổ dịch trong cộng đồng với hàng chục trường hợp mắc bệnh nhưng chưa rõ nguồn lây. Trong tổng số bệnh nhân Covid-19 ghi nhận được đến thời điểm này, tỷ lệ bệnh nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 62,2%. Trong khi đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 32,5% dân số của tỉnh Đắk Lắk, sinh sống tại hơn 600 buôn làng thuộc 184 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Bao đời nay, đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk sinh sống theo quan hệ dòng tộc họ hàng và cộng đồng buôn làng, một bộ phận đồng bào trình độ văn hóa còn thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn, môi trường sống chưa được chú trọng và mọi hoạt động đều mang tính cộng đồng cao… nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn.
Để phòng, chống dịch bệnh, tỉnh Đắk Lắk đã thiết lập 4.851 tổ Covid-19 cộng đồng, đã tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 131.874 trường hợp, trong đó tiêm mũi 1 cho 96.041 trường hợp, mũi 2 cho 35.833 trường hợp…
Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh đã thành lập, bố trí 5 cơ sở y tế để điều trị bệnh nhân Covid-19 gồm: Bệnh viện dã chiến số 1 quy mô 1.000 giường bệnh hiện đang điều trị cho 380 bệnh nhân; Trung tâm y tế huyện Kông Búk đang điều trị cho 212 bệnh nhân; Bệnh viện đa khoa 333, huyện Ea Kar đang điều trị cho 68 bệnh nhân; Bệnh viện Lao và bệnh phổi điều trị cho 86 bệnh nhân và Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên đang điều trị cho 12 bệnh nhân…
Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và lây lan rộng trong cộng đồng, số bệnh nhân Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng tại các địa phương trong tỉnh. Để nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng phù hợp, hiệu quả cho công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19, Sở Y tế Đắk Lắk đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh khẩn trương kích hoạt thêm 2 bệnh viện dã chiến mới tại Trường Chính trị tỉnh quy mô 700 giường, tại huyện Cư Kuin khoảng 200 giường và cho phép Bệnh viện đa khoa Cao Nguyên được chuyển đổi công năng và tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 khoảng 100 giường bệnh. Đồng thời kích hoạt 50% các bệnh viện tuyến huyện với khoảng 1.500 giường bệnh sang tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Đắk Lắk cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm ban hành phương án chi tiết năng lực điều trị bệnh nhân cấp độ 4, 5 của hệ thống y tế trong toàn tỉnh.
Theo đó, kịch bản cấp độ 4 có từ 3.000 đến dưới 10.000 ca mắc trong cộng đồng; cấp độ 5 có từ 10.000 đến 20.000 ca mắc trong cộng đồng. Ngành y tế sẽ thực hiện việc phân loại, tiếp nhận, điều trị và chuyển tuyến theo mô hình tháp 3 tầng điều trị Covid-19. Đồng thời sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng trong cộng đồng để kịp thời phát hiện, cách ly triệt để các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 để khoanh vùng và xử lý kịp thời F1, F2 giảm các trường hợp mắc mới…
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Phạm Ngọc Nghị, để phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn, trước hết ngành y tế tỉnh phối hợp với các ngành chức năng cần phải rà soát công dân của tỉnh trở về từ vùng dịch và có dự báo tình hình cụ thể diễn biến của dịch trong thời gian tới, từ đó chủ động lên các phương án ứng phó phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Về cơ sở y tế phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, trước tình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và các bệnh nhân tiếp tục gia tăng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp Sở Y tế khẩn trương kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 2 tại Trường Chính trị tỉnh với quy mô 1.000 giường bệnh; Bệnh viện dã chiến số 3 tại Ký túc xá Trường Đại học Luật Hà Nội, phân hiệu tại Đắk Lắk với quy mô 500 giường bệnh, bảo đảm đáp ứng 2.500 giường điều trị tầng 1.
Đối với hệ điều trị tầng 2, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu nâng quy mô của Trung tâm Y tế huyện Krông Búk lên 200 giường bệnh; Bệnh viện đa khoa khu vực 333, huyện Ea Kar lên quy mô 200 giường bệnh; Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh 100 giường bệnh. Hệ điều trị tầng 3 gồm Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh 20 giường bệnh và tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên 90 giường bệnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cũng yêu cầu Sở Y tế và Sở Tài chính khẩn trương cân đối, bố trí kinh phí để hoàn thiện việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện phòng hộ phục vụ công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19 và một số hoạt động khác… để các cơ sở y tế này sớm đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh và các tỉnh trong khu vực.
Bên cạnh việc chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch và các cơ sở y tế phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đắk Lắk kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công-tư, hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, các chuyên gia y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo dạy nghề thuộc khối thiết bị sức khỏe đăng ký, tham gia vào các hoạt động chống dịch của tỉnh.