Vướng trong xử lý hàng giả liên quan sức khỏe người tiêu dùng

NDO -

NDĐT- Ngày 6-7, Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội phối hợp Tổ công tác 334 ra quân kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh các mặt hàng thuộc nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn TP Hà Nội.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên phố Hàng Đường, Hà Nội.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên phố Hàng Đường, Hà Nội.

Mặc dù lực lượng QLTT Hà Nội đã có nhiều cố gắng, tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ và đạt nhiều kết quả, tuy nhiên, trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Theo Chi cục QLTT Hà Nội, hầu hết các cơ sở có dấu hiệu vi phạm là các cơ sở kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng các sản phẩm hết hạn, sản phẩm thiếu tem, nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tình trạng mua bán, sử dụng các chất bảo quản, các chất hỗ trợ chế biến không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra, có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại tình trạng thực hiện nhiệm vụ của một số cán bộ trực tiếp còn thiếu quyết liệt, hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, trình độ cán bộ chưa đồng đều, công tác kiểm tra còn hạn chế khi chưa phát hiện được các các vụ việc mang tính chất phức tạp, các vụ việc có quy mô lớn.

Đặc biệt, khâu xử lý vi phạm được cho là còn chưa thực sự triệt để, khi vẫn còn tồn tại những bất cập trong công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng để xử lý những mặt hàng vi phạm.

Theo ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công thương), việc xử lý triệt để nằm ở vấn đề “thẩm quyền” của lực lượng QLTT. Một số vụ việc các cơ sở không xuất trình được nguồn gốc, hoá đơn, chứng từ khi bị kiểm tra, lực lượng QLTT đã thu giữ và chuyển hồ sơ sang bên công an để tiến hành điều tra. Tuy nhiên, một số trường hợp hết thời hạn điều tra mà chưa “xử lý” được thì lực lượng QLTT cũng “bó tay”.

Ông Trần Hùng cho biết thêm, một số trường hợp liên quan nhiệm vụ quản lý nhà nước của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Y Tế như Cục quản lý Dược và Cục An toàn thực phẩm. Khi các đơn vị này trả lời các mặt hàng không thuộc danh mục công bố cấp phép thì rất khó để xử lý khi chưa “định danh” được mặt hàng. Điều này dễ dẫn đến các “mặt hàng” dạng này dễ dàng trôi nổi trên thị trường và thiệt hại cuối cùng thuộc về người tiêu dùng.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử càng tạo điều kiện cho việc quảng cáo, tiêu thụ các mặt hàng thuộc nhóm này trở nên dễ dàng hơn. Thực tế này dễ dẫn đến những tác hại nghiêm trọng về sức khoẻ của người tiêu dùng, nhiễu loạn thị trường và tổn hại sản xuất kinh doanh.

Mong rằng, với Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những vướng mắc trên sẽ được giải quyết triệt để không chỉ trên địa bàn TP Hà Nội, và khi tất cả các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng liên quan phối hợp chặt chẽ và đều đề cao trách nhiệm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khoẻ con người.

Trong sáu tháng đầu năm 2018, Chi cục QLTT TP Hà Nội đã thực hiện kiểm tra 5.653 vụ, xử lý 5.337 vụ với tổng số tiền xử lý đạt gần 78 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính hơn 34 tỷ đồng các cơ sở vi phạm; tịch thu hàng hoá có giá trị hơn 16 tỷ đồng và tiến hàng tiêu huỷ hơn 26 tỷ đồng giá trị hàng hoá vi phạm.

Riêng đối với mặt hàng mỹ phẩm, đã tiến hành kiểm tra 333 vụ, xử lý 311 vụ, trong đó có một vụ đã chuyển cơ quan công an, xử lý số hàng hoá vi phạm lên đến hàng chục tỷ đồng và tịch thu tiêu huỷ nhiều loại mỹ phẩm. Đối với mặt hàng thực phẩm chức năng, đã kiểm tra 128 vụ, xử lý 109 vụ, tịch thu tiêu huỷ nhiều loại thực phẩm chức năng vi phạm. Về mặt hàng dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền đã tiến hành kiểm tra 6 vụ, tạm giữ gần hai nghìn sản phẩm đông dược, hơn 3000 sản phẩm và hơn 300kg nguyên liệu. Các hành vi vi phạm chủ yếu của nhóm các mặt hàng này là kinh doanh hàng hoá đã quá hạn sử dụng, hàng hoá nhập lậu, kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, không công bố tiêu chuẩn.